Trong bối cảnh mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên ngày càng gia tăng, ngày 8/12, Nhật Bản đang lên kế hoạch mua các tên lửa đất không đối đất.
Tuy nhiên, động thái này cũng làm dấy câu hỏi về chính sách hòa bình kéo dài nhiều thế kỷ qua của Tokyo.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã thông báo bộ này dự định yêu cầu một khoản ngân sách bổ sung đặc biệt cho tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2018 để mua những tên lửa hành trình tầm xa triển khai trên máy bay chiến đấu.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch mua tên lửa không đối đất tầm xa JASSM và LRASM của Mỹ với tầm bắn lên tới 900 km. Tên lửa Joint Strike với tầm bắn 500 km của Na Uy cũng thuộc diện cân nhắc của Nhật Bản. Những tên lửa này sẽ nhằm bảo vệ các tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ trên Biển trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Ngoài ra, chúng cũng sẽ được sử dụng để phòng vệ trên các đảo, đối phó với lực lượng bộ binh hoặc lực lượng đổ bộ trước khi đối phương tới gần.
Dư luận cho rằng động thái này sẽ gây tranh cãi do Tokyo vốn luôn duy trì chính sách chuyên về phòng vệ theo hiến pháp hòa bình, cấm việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các xung đột quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này, khẳng định Nhật Bản vẫn dựa vào khả năng quân sự bảo vệ của Mỹ, đồng minh quốc phòng của Tokyo.
Cũng cùng quan điểm cần chú trọng sức mạnh quân sự trước mối đe dọa an ninh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng ngày yêu cầu các tướng lĩnh tăng cường khả năng phòng vệ nhằm áp đảo và ngăn Triều Tiên có bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng thiếu thận trọng nào.
Trong cuộc gặp với khoảng 150 tướng lĩnh quân đội tại Nhà Xanh, nhà lãnh đạo Hàn Quốc chỉ đạo cần sẵn sàng cho việc tiếp nhận Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) sớm từ quân đội Mỹ.
[Triều Tiên có thể phóng tên lửa từ tàu ngầm vào dịp Giáng sinh]
Ông Moon nhấn mạnh quân đội Hàn Quốc hiện đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng khi mà các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng đang trở nên thật sự và nguy hiểm hơn. Vai trò của quân đội đang quan trọng hơn bao giờ hết, là bức tường phòng thủ cuối cùng trước các mối đe dọa.
Theo kế hoạch ban đầu, Hàn Quốc sẽ nhận chuyển giao OPCON vào cuối năm 2015 nhưng đã bị hoãn lại vô thời hạn do hai bên nhất trí sẽ tiến hành việc này dựa trên tình hình thực tế chứ không phải là theo một thời hạn cụ thể, trong bối cảnh các mối đe dọa quân sự xuất phát từ phía Triều Tiên đang gia tăng.
Các hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh tình hình Bán đảo Triều Tiên đang ngày càng tăng nhiệt sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng hôm 29/11. Tên lửa Hwasong-15 mà Triều Tiên vừa tuyên bố đã thử nghiệm thành công được coi là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của nước này, đã bay 950 km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.
Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, tên lửa này "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ"./.