Nhật giải quyết vấn đề tranh chấp với Nga thông qua hợp tác kinh tế

Việc các du khách Nhật Bản tới thăm quần đảo Nam Kuril do Nga đang quản lý và phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc đã mang ý nghĩa dấu ấn trong lịch sử hai nước.
Nhật giải quyết vấn đề tranh chấp với Nga thông qua hợp tác kinh tế ảnh 1Tàu thuyền cập bến tại cảng ngoài khơi thị trấn Kuril trên đảo Iturup tháng 12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia Review, việc các du khách Nhật Bản tới thăm quần đảo Nam Kuril do Nga đang quản lý và phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc cho thấy một diễn biến quan trọng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã tồn tại từ lâu giữa hai nước láng giềng này.

Tuy nhiên, để chuyến đi thí điểm này mang ý nghĩa dấu ấn trong lịch sử, chuyến đi cần phải được chuyển thành các chuyến thăm thường xuyên và điều đó sẽ đòi hỏi phải có những nhượng bộ từ phía Nhật Bản.

Nói chung, có ít dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản với Nga.

[Nhật Bản, Nga nhất trí thúc đẩy đàm phán hiệp ước hòa bình]

Trong 7 thập kỷ qua, Nhật Bản đã tuyên bố rằng trong những ngày cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô đã xâm chiếm bất hợp pháp 4 hòn đảo nằm ngoài khơi đảo Hokkaido của Nhật Bản.

Ngược lại, Moskva cũng khẳng định rằng thắng lợi của Liên Xô trước Nhật Bản đã trao cho Nga các quyền chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này.

Do không thể thu hẹp khoảng cách về quan điểm, nên Nhật Bản và Nga vẫn tranh chấp 4 hòn đảo này và hai nước vẫn chưa thể ký hiệp ước hòa bình, đánh dấu sự kết thúc của tình trạng chiến tranh giữa hai nước.

Bất chấp sự bế tắc này, chuyến đi thí điểm có sự tham gia của 44 du khách và quan chức Nhật Bản tới các hòn đảo tranh chấp này trong thời gian từ 30/10 đến 2/11 là đáng chú ý.

Phải thừa nhận rằng mọi thứ không hoàn toàn diễn ra thuận lợi.

Chuyến đi này ban đầu dự kiến bắt đầu từ ngày 9/10, nhưng phía Nga đã hoãn lại vì các lý do kỹ thuật không được giải thích. Bên cạnh đó, khi diễn ra, chuyến đi đã bị cắt ngắn do thời tiết xấu.

Tuy nhiên, việc hoàn thành chuyến đi này là một thành công. Đây là lần đầu tiên các du khách Nhật Bản đặt chân tới các hòn đảo mà Nga đang kiểm soát.

Hơn thế nữa, do các du khách này không cần phải xin thị thực của Nga nên từ góc độ pháp lý, chuyến đi này được tiến hành như thể nhóm du khách này tới thăm một phần khác của đảo Hokkaido.

Chuyến thăm này là một điểm sáng cho đến nay trong chính sách đối ngoại với Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã đặt ưu tiên cho quan hệ với Nga.

Thậm chí ngay cả sau khi các nước phương Tây lên án Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Nhật Bản vẫn nhanh chóng nối lại quan hệ với nước láng giềng.

Cho đến nay, Thủ tướng Abe hầu như chưa có gì nhiều để thể hiện sau 27 cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông có thể tuyên bố rằng những nỗ lực của mình đang mang lại thành quả.

Thủ tướng Abe vẫn thường được mô tả là một người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng chính sách đối ngoại của ông lại mang tính thực dụng cao.

Ông đã thừa nhận việc gây áp lực đòi Nga trao trả tất cả 4 hòn đảo là một điều vô ích. Thay vào đó, mục tiêu của ông là tối đa hóa khả năng tiếp cận của Nhật Bản với các đảo này thông qua các dự án kinh tế và mở rộng giao lưu nhân đạo. Đây là một sáng kiến mang tính sáng tạo và thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nhật Bản.

Dưới các chính quyền trước đây, Nhật Bản hạn chế các hoạt động trên các đảo này vì lo ngại phải thừa nhận quyền tài phán của Nga. Mặc dù đó là một điều mang tính nguyên tắc, nhưng điều đó đã cô lập 4 đảo này với đảo Hokkaido, chỉ nằm cách đó khoảng 4km.

Từ bỏ cách tiếp cận trên, Thủ tướng Abe có ý định sử dụng các dự án kinh tế chung để khuyến khích người Nhật Bản tới thăm và đóng góp cho cuộc sống trên các đảo tranh chấp. Điều này sẽ không đảm bảo việc Nhật Bản có thể thu hồi 4 đảo này, nhưng nó cho phép người Nhật Bản quay lại các đảo đó.

Hơn thế nữa, hy vọng rằng các dự án chung sẽ định hình thái độ của 18.000 người Nga trên quần đảo Nam Kuril.

Khi mối tương tác của những người dân trên các đảo này với Nhật Bản ngày càng gia tăng và cuộc sống của họ trở nên phụ thuộc vào du lịch, họ sẽ trở thành một tập thể tuy nhỏ nhưng quan trọng ủng hộ việc Nhật Bản tiếp cận các hòn đảo này.

Tuy nhiên, điều đó sẽ chưa xảy ra nếu chuyến thăm mới nhất của du khách Nhật Bản chỉ xảy ra một lần. Điều này có thể sẽ xảy ra do phía Nga cho phép chuyến đi này là một ngoại lệ.

Nếu các chuyến thăm như vậy muốn tiếp tục diễn ra, cần có một khuôn khổ pháp lý cho phép tự do di chuyển tới các hòn đảo này. Vì lý do đó, Nga sẽ yêu cầu có một cái gì đó để đổi lại. Vì vậy, tương lai của các dự án chung giữa Nhật Bản và Nhật Bản đang tùy thuộc vào sự sẵn sàng của Tokyo cho phép Nga tới lãnh thổ Nhật Bản.

Như một giải pháp tiềm năng, Tổng thống Putin đã đề xuất thiết lập cơ chế miễn thị thực ở đảo Hokkaido của Nhật Bản và khu vực Sakhalin của Nga, vốn đang quản lý quần đảo tranh chấp này. Nó sẽ thiết lập một khuôn khổ cần thiết cho các hoạt động xuyên biên giới, nhưng Nhật Bản vẫn do dự về một kế hoạch có ngụ ý rằng 4 đảo trên là một phần của khu vực Sakhalin. Các cuộc đàm phán giữa hai nước đã bị đổ vỡ hồi tháng Mười.

Nhật giải quyết vấn đề tranh chấp với Nga thông qua hợp tác kinh tế ảnh 2Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vì vậy, bóng đang ở trên sân Nhật Bản để đưa ra một giải pháp thay thế. Một phương án khác là tạo ra một khu vực đi lại tự do có quy mô nhỏ hơn bao trùm 4 đảo tranh chấp với khu vực Nemuro trên đảo Hokkaido. Đây vẫn là mong muốn của phía Nga bởi vì, hiện nay, các cư dân trên quần đảo Nam Kurril không được Nhật Bản cấp thị thực.

Mặc dù vậy, những người chỉ trích sẽ nói rằng một hệ thống như vậy sẽ là phần thưởng cho những người chiếm đóng lãnh thổ của Nhật Bản và là sự thừa nhận thất bại trong các nỗ lực thu hồi 4 hòn đảo này.

Có một phần sự thật trong lời chỉ trích này, nhưng chính trị là một nghệ thuật về khả năng. Nhật Bản không có triển vọng thu hồi các đảo tranh chấp với Nga.

Tuy nhiên, nước này có cơ hội để tạo ra một biên giới mềm, trao cho người dân Nhật Bản khả năng tiếp cận tới vùng lãnh thổ tranh chấp và bắt đầu tiến trình tái hội nhập các hòn đảo này với cộng đồng ở Nemuro. Đây là một cơ hội mà Nhật Bản cần phải nắm giữ bằng cả hai tay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.