Nhật-Hàn cân nhắc phối hợp hành động gia tăng sức ép với Triều Tiên

Ngày 15/9, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Hàn Quốc Jae-in nhất trí cùng hành động nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo cùng ngày.
Nhật-Hàn cân nhắc phối hợp hành động gia tăng sức ép với Triều Tiên ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: japantimes)

Trong một cuộc điện đàm vào ngày 15/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí cùng hành động nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản rơi xuống Thái Bình Dương trước đó cùng ngày.

Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho hay hai nhà lãnh đạo cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau và với Mỹ, trong đó có các vấn đề an ninh và thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.

[Hàn Quốc lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên]

Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 30 phút này, Thủ tướng Abe và Tổng thống Moon Jae-in cũng thống nhất duy trì liên lạc với nhau về vấn đề Triều Tiên.

Dự kiến hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm bên bên với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên bên lề khóa họp thường niên của Đại Hội đồng L​iên hợp quốc tại New York.

Liên quan tới kế hoạch viện trợ nhân đạo, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Hàn Quốc sẽ vẫn xem xét kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Theo ông, giám sát là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo rằng viện trợ tới được tay những người thụ hưởng được xác định ở Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Abe đã đề nghị Hàn Quốc cân nhắc lại thời điểm cung cấp viện trợ.

Trước đó, ngày 14/9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét cung cấp viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế.

Dự kiến chính phủ sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch trên vào ngày 21/9 tới. Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ đánh dấu sự nối lại hoạt động viện trợ của Seoul cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế vốn bị đình chỉ từ tháng 12/2015.

Tuy nhiên, hiện giới quan sát đang hoài nghi về quyết định trên sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ hai trong chưa đầy một tháng qua.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã "giội một gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong vấn đề viện trợ.

Sáng 15/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido của Nhật Bản khoảng 2.000km.

Quân đội Hàn Quốc ước tính tên lửa Triều Tiên đã bay được 3.700km, với độ cao tối đa đạt 770km.

Ngay sau đó, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập tên lửa đạn đạo trên Biển Nhật Bản.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.