Nhật sẽ không nhắc đến "nô lệ tình dục" trong Thế chiến II

Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ không xem xét lời xin lỗi chính thức năm 1993 về việc ép buộc phụ nữ châu Á làm nô lệ tình dục trong nhà thổ quân đội Nhật Hoàng.

Hàn Quốc đã hoan nghênh việc chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố không xem xét lại lời xin lỗi chính thức của chính quyền Tokyo đưa ra vào các năm 1993 và 1995 về những hành động tàn bạo của binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Seoul ngày 15/3, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, ông Min Kyung-wook cho biết Tổng thống Park Geun-hye đã đánh giá cao quyết định này của Thủ tướng Abe, đặc biệt là lời xin lỗi chính thức năm 1993 về việc ép buộc phụ nữ châu Á phải làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ của quân đội Nhật Hoàng trong thời chiến tranh.

Theo bà Park Geun-hye, quyết định này của Tokyo là một hòn đá tảng trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương Hàn Quốc-Nhật Bản.

Những tuyên bố trên của Seoul được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Abe tuyên bố chính phủ sẽ không xem xét lại các lời xin lỗi của chính quyền Tokyo đưa những năm 1993 và 1995 liên quan tới hành động của quân đội Nhật Hoàng trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền theo đường lối cánh hữu của ông Abe tỏ thái độ rõ ràng đối với vấn đề lịch sử này, vốn là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ của Nhật Bản với hai nước láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều căng thẳng.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng Hai năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Thủ tướng Nhật Bản Abe đồng thời chỉ trích quan điểm lịch sử cũng như thái độ của Nhật Bản đối với quá khứ.

Theo các sử gia, ước tính có khoảng 200.000 đến 400.000 phụ nữ châu Á đã bị ép buộc phải làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ của quân đội Nhật Hoàng trong thời gian chiến tranh, trong đó nhiều nhất là phụ nữ Hàn Quốc.

Năm 1993, dựa trên các thống kê và lời chứng của một nạn nhân, ông Yohei Kono, Chánh Văn phòng nội các vào thời điểm đó, đã gửi lời xin lỗi của chính quyền Nhật Bản./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.