Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) để chống dịch COVID-19 có lẽ là sẽ điều tôi nhớ mãi khi nói về đất nước Malaysia.
Ngược thời gian, tháng 3/2020, khi mọi thủ tục đã xong, tôi đặt vé chờ ngày lên đường nhận nhiệm vụ công tác ở Malaysia với tâm trạng vừa háo hức vừa hồi hộp, bởi đâu là nhiệm kỳ đầu tiên của tôi ở Cơ quan thường trú ngoài nước.
Chuẩn bị xách vali lên đường ngày 19/3/2020 thì bất ngờ, Malaysia áp đặt MCO đầu tiên từ ngày 18/3/2020, đồng nghĩa với quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập." Vậy là MCO 1.0 khiến kế hoạch công tác của tôi phải lùi lại gần một năm, tới mãi cuối tháng 12/2020 mới có thể lên đường.
Hơn hai tuần sau khi tôi đến địa bàn, Malaysia tiếp tục áp đặt MCO 2.0. Tôi chưa kịp hết chán nản với cụm từ MCO thì Quốc vương ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc ngay sau đó một ngày. Và, thực tế tại địa bàn buộc tôi phải hiểu nhiệm kỳ của mình sẽ gắn với cụm từ MCO.
MCO đồng nghĩa với việc mọi hoạt động xã hội, thể thao sẽ bị cấm, tất cả các cơ sở giáo dục đều phải đóng cửa. MCO đồng nghĩa với việc hạn chế dịch chuyển từ liên quận đến liên bang; đồng nghĩa với việc hạn chế tiếp xúc và làm việc tại nhà nhiều hơn. Vậy, làm sao để có tin, bài, nhất là tin hình trong bối cảnh này? Nghĩ đến tôi đã thấy đầy áp lực.
Trên thực tế, Malaysia kiểm soát dịch bệnh COVID-19 không chặt chẽ và triệt để như Việt Nam. Những ca mắc COVID-19 nếu không có triệu chứng nặng chỉ ở trong khu cách ly từ 3-5 ngày. F1 cách ly tại nhà không có kiểm soát.
Tại Kuala Lumpur, lệ phí xét nghiệm SARS-CoV-2 khá cao, 230 ringgit (khoảng gần 1,4 triệu đồng), do vậy những người có thu nhập thấp, khi phát hiện có triệu chứng rất ít khi tự bỏ chi phí đi xét nghiệm, nữa là những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng. Chính vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh là rất cao.
Có thời điểm số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Malaysia đã lên đến 9.020 ca với sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm khác nhau như biến thể kép từ Ấn Độ, từ Anh và Nam Phi, thậm chí các nhà virus học Malaysia còn đang nghi ngờ sự xuất hiện của virus địa phương.
[Phóng viên TTXVN tại Anh: Những trải nghiệm tác nghiêp khó quên]
Trong khi tác nghiệp tại Malaysia, có vài lần chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì sau khi đi phỏng vấn về thì được tin nhân vật bị mắc COVID-19 hoặc là F1, hoặc trong số những người tham gia sự kiện có người nhiễm…
Đứng ngồi không yên, chúng tôi lao đi xét nghiệm nhưng được khuyên là chờ sau khi tiếp xúc từ 7-10 ngày hãy xét nghiệm để có kết quả tốt nhất. Và, 7-10 ngày chờ đợi đó là cả một chuỗi ngày vô cùng căng thẳng và lo lắng, bởi lẽ một người mắc COVID-19 là cả ba gia đình phóng viên cơ quan thường trú đều có nguy cơ bị nhiễm.
Do vậy, sau khi nhận được tin không vui từ nhân vật, chúng tôi buộc phải yêu cầu cả nhà cùng đeo khẩu trang, cùng uống vitamin để nâng cao sức đề kháng. Tác nghiệp trong vùng dịch buộc chúng tôi phải ý thức giữ gìn sức khỏe không những cho mình mà còn cho sự an toàn của cả ba gia đình sống chung.
Trang bị đồ bảo hộ cá nhân là việc không thể thiếu khi đi tác nghiệp. Nào găng tay, nào tấm chắn, nào khẩu trang và đôi khi chúng thật phiền phức. Một lần đi ghi hình về sự kiện Malaysia bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, phóng viên đã không thể lấy nét cho máy quay vì tấm chắn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến nhân vật dè dặt trong việc nhận lời phỏng vấn.
Với người trẻ tuổi am hiểu công nghệ, họ có thể sử dụng zoom hoặc video call một cách dễ dàng, nhưng với những người cao tuổi thì đó lại là một khó khăn và họ không sẵn sàng. Ngoài ra, chuyện bất đồng ngôn ngữ hay khác biệt về văn hóa cũng là một trở ngại không nhỏ.
Nhớ một lần đi tác nghiệp tại khu Putrajaya (thủ đô hành chính của Malaysia, cách Kuala Lumpur gần 40km) qua giờ ăn trưa với cái bụng trống không, chúng tôi đi vòng vèo 30 phút mà không thấy bất kỳ một quán ăn, thậm chí cả cửa hàng coffee nào mở cửa. Hóa ra, Malaysia đang trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, họ nhịn ăn từ sáng đến khi Mặt Trời lặn. Do vậy, chúng tôi cũng đành phải nhịn theo.
Khi tác nghiệp tại Malaysia, chúng tôi còn gặp không ít phiền phức do các ngành chức năng nước này rất nặng về giấy tờ thủ tục, đôi khi nguyên tắc một cách máy móc. Đặc biệt là khi muốn ghi hình cần phải đặt lịch hẹn trước, nhanh thì một tuần mà chậm có khi đến cả tháng, tốn rất nhiều thời gian và tâm trí. Không chỉ trong khi tác nghiệp, mà ngay cả trong cuộc sống hằng ngày, tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Lái xe ôtô ở Malaysia là một thách thức lớn đối với nhiều phóng viên nước ngoài.
Ngoài việc tay lái nghịch, việc làm quen với những mũi tên chỉ đường nằm dưới lòng đường cũng rất công phu, cần nhiều thời gian quan sát để tuân thủ luật lệ giao thông.
Nhưng rồi, tình yêu và đam mê với công việc đã giúp chúng tôi vượt qua vất vả, khó khăn để giữ cho dòng tin chảy mãi. Malaysia đang áp đặt MCO 3.0, song trên thực tế có thể hiểu là MCO 4.0 bởi lệnh này đã được thay bằng cụm từ “full lockdown” (phong tỏa toàn diện). Tôi không biết MCO sẽ còn diễn biến đến mấy chấm nữa, song cả phân xã luôn động viên nhau khắc phục khó khăn để mỗi ngày đều có tin, bài gửi về tổng xã.
Ngày Báo chí cách mạng năm nay cũng sắp tròn sáu tháng tôi rời xa Hà Nội, xa ngôi nhà Thông tấn - nơi mà tôi được rèn luyện chuyên môn qua những buổi giao ban hằng ngày, qua những dòng tin, bài viết được các cô, các chú, đàn anh, đàn chị đi trước chỉ bảo để giờ đây khi đọc lại tin, bài của mình viết gắn với cụm từ “Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Kuala Lumpur” hay dẫn hiện trường cho Truyền hình Thông tấn với câu "Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam...", tôi lại thấy rất đỗi tự hào và tan biến mọi khó khăn, vất vả./.