Trang japantimes.co.jp dẫn nguồn tin từ trang Japan Times của Nhật Bản gần đây nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump đã khiến nền dân chủ Mỹ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bài viết phân tích như sau:
Cuộc đối đầu đầy định mệnh về việc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump cần bị bãi nhiệm hay không đã bộc lộ tính chất mong manh đáng báo động của Hiến pháp mà người dân Mỹ đã dựa vào để duy trì hệ thống dân chủ của họ trong vòng hơn 200 năm qua.
Kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc, không có bất kỳ điều gì thử thách sự tồn tại của hệ thống dân chủ này.
Và bài học gây kinh hoàng ở đây là việc một vị tổng thống kiên quyết nắm giữ quyền lực của mình và bất chấp nền pháp trị lại có thể tự cởi trói mình thoát khỏi những kìm kẹp và hạn chế.
[Nhà Trắng sa thải 2 quan chức tham gia phiên luận tội Tổng thống Trump]
Những người sáng lập Hiến pháp Mỹ đã thông minh song họ chỉ có thể lường trước được ở mức độ như vậy trong tương lai.
Họ dự đoán rằng sự xấu xa và tồi tệ có thể chế ngự tổng thống, và mặc dù họ dự đoán được sự “phe phái” song họ không muốn cũng như không tin rằng sẽ tồn tại những đảng phái chính trị, mà ít nhiều thì những đảng phái này sẽ trở thành các công cụ cho sức mạnh của tổng thống.
Thực ra, Mỹ chưa hề có một vị tổng thống nào duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đến như vậy đối với đảng cầm quyền của mình cho đến thời ông Trump. Giờ thì điều này đã xảy ra khi các điều khoản của hiến pháp về bãi nhiệm tổng thống, thông qua cuộc điều tra luận tội, đã bị vô hiệu hóa.
Có hai yếu tố giải thích vì sao ông Trump kiểm soát được các nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội, mà nhiều người trong số đó thông minh hơn ông Trump, không ưa hoặc thậm chí coi thường ông, hoặc coi ông không phù hợp với vị trí tổng thống.
Đó là sự lanh lợi mang tính hoang dã của ông và khả năng gây ra sự sợ hãi đối với những nhân vật bất đồng chính kiến tiềm tàng, bằng cách ruồng bỏ một nghị sỹ Cộng hòa phản đối ông hoặc ủng hộ một nhân vật thách thức chính trong cuộc đua tiếp theo của nhân vật bất đồng chính kiến này.
Mọi nghị sỹ Cộng hòa được bầu đều hiểu rằng những nghị sỹ Quốc hội chống lại ông Trump hiện đều bị bãi nhiệm.
Tội đầu tiên trong hai điều khoản luận tội mà Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đưa ra là lạm dụng quyền lực.
Hạ viện cáo buộc ông Trump “găm” lại khoản viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine cho đến khi Tổng thống nước này là Volodymyr Zelensky tuyên bố tiến hành điều tra đối với cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người khi đó là một đối thủ chính trị đáng gờm đối với ông Trump trong cuộc đua tổng thống 2020.
Sự phản kháng của ông Trump khi không hợp tác với cuộc điều tra của Hạ viện bằng việc từ chối cung cấp nhân chứng hoặc tài liệu đã dẫn đến điều khoản luận tội thứ hai là cản trở Quốc hội.
Thực ra, ông Trump không đòi hỏi phải tiến hành một cuộc điều tra thực sự mà chỉ đơn thuần muốn điều đó được tuyên bố.
Khi găm lại khoản viện trợ, để đổi lại có được cơ hội làm bẽ mặt đối thủ chính trị của mình, ông Trump để ngoài tai khuyến nghị của những phụ tá chính sách cấp cao nhất của mình, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia có tư tưởng diều hâu John Bolton.
Những thách thức của tòa án về việc ông Trump từ chối hợp tác với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện có thể khiến quá trình luận tội kéo dài đến trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Điều này đặt các nhà điều tra của Hạ viện vào tình thế khó xử: nhóm công tố viên của Hạ viện trong phiên điều trần tại Thượng viện khẳng định có đủ bằng chứng cho thấy tổng thống đã yêu cầu sự trao đổi.
Vì vậy, nhóm biện hộ cho ông Trump đặt câu hỏi vì sao các công tố viên này lại yêu cầu thêm nhân chứng và tài liệu?
Những biện hộ pháp lý cho ông Trump bỏ qua một thực tế rằng thông tin làm bằng chứng kết tội ông Trump đã được đưa ra ánh sáng sau cuộc bỏ phiếu luận tội ông Trump tại Hạ viện.
Họ cũng bỏ qua tin tức báo chí đáng tin cậy về những phát lộ mà cuốn sách sắp xuất bản của Bolton hậu thuẫn cho cáo buộc của đảng Dân chủ, tức lý do Hạ viện không nghe được lời khai của những nhân chứng nhất định là do ông Trump đã cản trở họ.
Đội ngũ biện hộ cho ông Trump còn đưa ra những lập luận khác như việc ông Trump gây sức ép đối với Ukraine xuất phát từ việc mong muốn đột ngột của ông Trump trong việc triệt tận gốc nạn tham nhũng ở Ukraine.
Tuy nhiên, lập luận này khiến người nghe bật cười.
Biện hộ đáng sợ nhất là từ cựu giáo sư trường Luật Harvard và là một luật sư bào chữa nổi danh Alan Dershowitz khi người này cho rằng nếu một tổng thống tin rằng việc tái đắc cử của ông là lợi ích của người dân thì những gì ông làm để thúc đẩy mục tiêu này là không thể bị luận tội.
Khi hùa theo ông Trump, các nghị sỹ Cộng hòa ở Thượng viện chấp nhận rủi ro rằng thông tin mới gây hoang mang có thể xuất hiện sau khi họ bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump.
Họ đã bấu víu và vào hùa với ông Trump, biết rằng sự bấu víu đó có thể sẽ đổ vỡ. Rủi ro đó vẫn đeo đẳng.
Khi Thượng viện từ chối kết tội ông Trump thì những nhà sáng lập hiến pháp đã đúng khi cho rằng một hành động quyết liệt và gây đau thương như việc bãi nhiệm tổng thống không thể thực hiện được khi không đạt được sự đồng thuận quốc gia mạnh mẽ, tức sự thống nhất của lưỡng đảng đằng sau cuộc luận tội.
Sự tồn tại của đồng thuận này là lý do vì sao Richard Nixon hiểu rằng ông sẽ bị kết tội và bãi nhiệm nếu ông không từ chức trước đó.
Dù sao thì ông Trump đã bị luận tội và để lại vết sẹo vĩnh viễn đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, người đứng đầu việc truy tố ông Trump, có thể đã đúng khi cho rằng ông Trump, một khi được tha tội, sẽ tiến xa hơn trong việc hủy hoại tính thống nhất của cuộc bầu cử tổng thống tới đây.
Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện, các phụ tá của ông nói rằng ông Trump cảm thấy “không thể bị đánh bại” và đang lên một danh sách những người cần bị truy tố.
Câu hỏi thực sự hiện nay là liệu điều khoản luận tội, một cơ chế an toàn của hiến pháp nhằm chống lại một tổng thống lạm dụng quyền lực, có thể phát huy tác dụng với một tổng thống thù địch và hoang tàn hay không. Hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại, nền dân chủ Mỹ hiện đang lâm nguy./.