Nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng trần trong phiên ngày 3/4

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index tăng 21,57 điểm lên 701,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 233 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.502,4 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng trần trong phiên ngày 3/4 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thị trường chứng khoán tích cực trong suốt phiên giao dịch hôm nay (3/4), càng cuối phiên giao dịch các cổ phiếu tăng càng mạnh; đặc biệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng trần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index tăng 21,57 điểm lên 701,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 233 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.502,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 297 mã tăng; trong đó, có tới 58 mã tăng trần. Ở chiều giảm giá có 90 mã, trong khi có 41 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

HNX-Index cũng tăng tới 2,23 điểm lên 97,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 53 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 482,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 118 mã tăng giá; trong đó, có 38 mã tăng trần. Có 52 mã giảm giá và 38 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

Tại nhóm cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN-Index) có tới 29 mã tăng giá và chỉ có 1 mã đứng ở mức giá tham chiếu. Đặc biệt, các mã như BVH, BID, CTD, SSI, STB, ROS, MWG đều tăng lên mức giá trần.

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup cũng tăng mạnh mẽ với VIC tăng tới 5,8%, VHM tăng 5,3%, VRE tăng 1,3%.

Bên cạnh đó, các mã ngành thực phẩm-đồ uống như MSN tăng tới 6,3%, SAB tăng 1,5% và VNM tăng 1,1%.

Các mã đầu ngành khác như FPT tăng tới 5,4%, PNJ tăng 6,8%, HPG tăng 2,3%, REE tăng 1,9%...

Tích cực nhất hôm nay phải kể đến nhóm cổ phiếu dầu khí khi một loạt mã tăng lên mức giá trần. Cụ thể, PVB, PVC, PVS, PVD, TDG đều tăng kịch trần. Bên cạnh đó, GAS tăng tới 5,5%, PLX tăng 2,6%, POW tăng 1,9%, OIL tăng 5%, BSR tăng tới 12%.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, STB và BID tăng lên giá trần. Các mã trụ cột khác như VCB, CTG, MBB, TCB, VPB, TPB… đều ở chiều tăng giá.

Dù thị trường tăng mạnh, nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Theo đó, trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng khá mạnh với giá trị bán ròng là 374,99 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VIC (hơn 62,4 tỷ đồng), SVI (hơn 37,6 tỷ đồng), VRE (hơn 31 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 84,48 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VHL (hơn 72,5 tỷ đồng), SHB (hơn 6 tỷ đồng), PVS (hơn 3,3 tỷ đồng).

[Cổ phiếu dầu khí tăng mạnh khi mở cửa thị trường chứng khoán sáng 3/4]

Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 32,63 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là LPB (gần 10 tỷ đồng), tiếp đến là ACV (hơn 8 tỷ đồng), NTC (hơn 4,6 tỷ đồng).

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 3/4, "phớt lờ" đà tăng trên Phố Wall trong bối cảnh các nhà đầu tư đón nhận thông tin cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã tăng vọt lên 6,7 triệu đơn trong tuần trước, vượt mức kỷ lục 3,3 triệu đơn ghi nhận được trong tuần trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 buộc nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa dừng hoạt động.

Các quan chức y tế cũng cảnh báo rằng tác động từ dịch COVID-19 sẽ tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện, trong khi đó các chuyên gia cho rằng nền kinh tế tổn thương nhiều hơn.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 được giao dịch ở mức 17.820,19 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 2.763,99 điểm. Còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 0,2% xuống 23.236,11 điểm.

Chứng khoán Sydney và Mumbai giảm hơn 1%, chứng khoán Singapore để mất hơn 2% còn chứng khoán Bangkok hạ 0,4%. Tuy nhiên, chứng khoán Jakarta và New Zealand đi lên.

Cùng ngày, Ngân hàng Pháp triển châu Á (ADB) cho biết, dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu "thất thoát" hơn 4.000 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu, khi dịch bệnh này đang tàn phá kinh tế Mỹ, châu Âu và các nước lớn khác.

Ước tính này dựa trên một loạt viễn cảnh, tuy nhiên ADB cho biết thêm những thiệt hại từ "dịch bệnh tồi tệ nhất trong một thập niên này" có thể lớn hơn.

ADB cũng dự đoán tăng trưởng khu vực châu Á sẽ đứng ở mức 2,2% trong năm nay, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực này 22 năm trước, trong khi GDP của Trung Quốc ước tính tăng 2,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục