Nhiều công ty nước ngoài hạn chế nhân viên tới Bangladesh

Một số công ty nước ngoài có các công dân đang làm việc trong ngành xây dựng và may mặc của Bangladesh đã hoãn chuyến đi tới Bangladesh.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công bắt giữ con tin ở Dhaka. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau vụ tấn công đẫm máu tại một nhà hàng ở thủ đô Dhaka, một số công ty nước ngoài có các công dân đang làm việc trong ngành xây dựng và may mặc của Bangladesh đã hoãn chuyến đi tới nước này cũng như yêu cầu các công nhân tại đây ở trong nhà.

Fast Retailing, công ty chủ quản nhãn hiệu thời trang Uniqlo của Nhật Bản, cho biết sẽ đình chỉ tất cả các chuyến đi trừ thực sự quan trọng tới Bangladesh, đồng thời yêu cầu 10 nhân viên Nhật Bản đang làm việc tại Bangladesh không ra khỏi nhà đến khi có thông báo tiếp theo.

Giám đốc điều hành công ty Sparrow chuyên cung cấp các thương hiệu hàng đầu như Marks & Spencer, ông Shovon Islam nói rằng: “Rõ ràng điều này sẽ gây ra nhiều quan ngại về tất cả các nhãn hiệu mà công ty chúng tôi đang hợp tác.”

Theo ông Shovon, sau vụ một người nước ngoài bị sát hại ở Bangladesh hồi năm ngoái, một số công ty nước ngoài đã hạn chế tới nước này và yêu cầu tổ chức các cuộc họp tại Bangkok, New Delhi và Hong Kong (Trung Quốc) thay vào đó. Nhưng mức độ của mối đe dọa lần này cao hơn nhiều và chắc chắn các công ty sẽ thay đổi kế hoạch.

Giới phân tích cũng cho rằng các nhãn hiệu đang xem xét chuyển ra khỏi Bangladesh tới các nước ít bất ổn hơn tại châu Á. Tuy nhiên, chưa có công ty lớn nào thông báo kế hoạch chính thức. Là ngành xương sống của nền kinh tế Bangladesh, xuất khẩu hàng may mặc chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này hồi năm ngoái.

Tập đoàn Toshiba cũng cho biết đã chỉ thị nhân viên tránh thực hiện chuyến đi không cần thiết tới Bangladesh cho đến ngày 10/7. Nhãn hiệu thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz (H&M), hiện có một số nhà máy tại Bangladesh, cũng cảnh báo không tới quốc gia Nam Á này nếu không cần thiết.

Ngành nhà hàng-khách sạn Bangladesh cũng chứng kiến tình trạng tương tự khi nhiều khách nước ngoài hủy đặt phòng trong lúc các khách sạn đang thắt chặt an ninh sau vụ tấn công. Ít nhất hai khách sạn 5 sao chủ yếu phục vụ các doanh nhân đến công tác tại Dhaka xác nhận số người hủy đặt phòng tăng mạnh từ sau vụ tấn công.

Vụ tấn công xảy ra vào tối 1/7 khi các tay súng đột kích và bắt giữ con tin tại nhà hàng Holey Artisan Bakery tại khu đoàn ngoại giao Gulshan, nơi nhiều thực khách nước ngoài thường lui tới. Các tay súng đã giao tranh ác liệt với lực lượng an ninh, làm ít nhất 2 cảnh sát thiệt mạng.

Đến sáng 2/7, lực lượng an ninh Bangladesh đã kết thúc chiến dịch giải cứu con tin kéo dài 12 tiếng, tiêu diệt 6 kẻ tấn công và bắt sống một tên. Ít nhất 20 con tin đã thiệt mạng gồm 7 người Nhật Bản, 9 người Italy, một người Mỹ, các công dân Ấn Độ và Bangladesh. Ngoài ra có 40 người bị thương, trong đó có các cảnh sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục