Nhiều địa phương vẫn chậm ban hành chương trình phát triển nhà ở

Theo Bộ Xây dựng, việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương rất cần thiết để làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ-Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Bộ Xây dựng cho biết tính đến thời điểm này, cả nước mới có 44 địa phương đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và chỉ có 9 địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022.

Như vậy, việc ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương còn chậm so với yêu cầu.

Trong khi đó, việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương lại rất cần thiết để làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2022-2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và lập, phê duyệt triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

[Gập ghềnh phát triển nhà ở xã hội: Cần gỡ "nút thắt" bằng cơ chế mở]

Cùng đó, các địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục nhằm hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản đặc biệt là những dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Liên quan đến các bộ ngành, Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.

Cùng đó, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, đất đai, quản lý thuế) nhằm bảo đảm sự thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục