Nhiều đội V-League có thể phải thi đấu trên sân trung lập

Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về sân bãi, nhiều đội bóng ở V-League và giải Hạng Nhất có thể sẽ phải thi đấu trên sân trung lập.
Nhiều đội V-League có thể phải thi đấu trên sân trung lập ảnh 1Đoàn công tác VPF đến kiểm tra một sân bóng ở V-League. (Ảnh: VPF)

Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về sân bãi, nhiều đội bóng ở V-League và giải Hạng Nhất có thể sẽ phải thi đấu trên sân trung lập.

Đây là tiết lộ của Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc trong cuộc trao đổi với báo chí chiều qua. Ông Ngọc cho biết: “Hồi đầu mùa giải 2015, cá nhân tôi đã phải ký một số công văn yêu cầu các câu lạc bộ: Nếu không khắc phục, đảm bảo tốt mặt sân thì chúng tôi sẽ buộc họ phải thi đấu trên các sân khác. Nhưng bước sang mùa giải 2016, vấn đề này không còn tồn tại. Đấy là tín hiệu bước đầu đáng mừng.”

Chia sẻ kỹ hơn về quy trình kiểm tra cơ sở vật chất của các đội bóng, ông Ngọc nói: “Chúng tôi đã tới tất cả các sân để kiểm tra đánh giá, chất lượng mặt sân. Theo như đánh giá của chúng tôi và các giám sát tại mùa giải 2016 về công tác chuẩn bị các trận đấu, công tác chuẩn bị mặt sân, mọi thứ đã tốt hơn mùa giải 2015. Chúng tôi cũng luôn có yêu cầu các câu lạc bộ phải đảm bảo công tác tốt hơn.”

“Đến thời điểm này, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều câu lạc bộ V-League vẫn phải sử dụng song song sân thi đấu và sân tập. Đây là một vấn đề khiến công tác bảo dưỡng mặt sân rất khó khăn. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ cùng các câu lạc bộ tháo gỡ vấn đề này để đảm bảo mặt sân tốt nhất cho giải đấu.”

Nhiều đội V-League có thể phải thi đấu trên sân trung lập ảnh 2Mặt sân Thanh Hóa trong trận Siêu Cúp quốc gia 2016 - một trong những mặt sân xấu nhất Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Vấn đề mặt sân đã luôn là câu chuyện nhức nhối của bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ. V-League vài năm qua không hiếm những mặt sân như “ruộng cày.” Nhiều sân bóng trồng loại cỏ kém chất lượng, chăm sóc không tốt, hệ thống dẫn nước kém  nên chỉ sau vài trận đấu hay vài cơn mưa là ngập kín sân, đầy sình lầy, cỏ không mọc được nữa. Một số đội bóng thậm chí không có sân tập phụ, đội phải tập trên sân chính (điển hình là Thanh Hóa).

Cựu Giám đốc kỹ thuật Becamex Bình Dương Lê Thụy Hải từng nói rằng đội của ông ra nước ngoài thi đấu tốt hơn hẳn vì mặt sân ở nước ngoài rất đẹp. Vấn đề mặt sân thậm chí gây bức xúc cả cho đội tuyển quốc gia. Huấn luyện viên Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng đều đã nhiều lần nói về chuyện này. Ông Miura thậm chí phải bỏ sân tập của Liên đoàn để đưa đội lên sân tập của Viettel (Hòa Lạc) nhằm đảm bảo mặt cỏ.

Tuy nhiên, kể từ mùa 2016, chất lượng mặt sân ở V-League đã cải thiện đáng kể. Ban tổ chức giải cũng cho thấy một số tiến bộ trong công tác tổ chức, đặc biệt là ở khía cạnh truyền thông. V-League 2016 là mùa đầu tiên trọng tài chính thức được trang bị bình phun sơn tự bốc hơi, là mùa đầu tiên áp dụng “cooling break” (quãng nghỉ giữa trận do trời nắng nóng).

Hướng tới lượt về V-League 2016 và mùa giải 2017, ông Ngọc khẳng định: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã có một số ý tưởng mới áp dụng cho mùa giải 2017. Chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm và rà soát lại các ý tưởng đó. Hiện tại, chúng tôi chưa được phép tiết lộ ở đây nhưng các bạn sẽ sớm thấy thôi. VPF và giải đấu chuyên nghiệp sẽ có thêm một số nét mới.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục