Nhiều ngân hàng châu Âu nằm trong diện điều tra của Mỹ

Một loạt ngân hàng lớn của châu Âu như Credit Agricole hay Deutsche Bank đang bị Mỹ điều tra vì liên quan đến hoạt động giao dịch với các nước bị Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế.
Deutsche Bank. (Nguồn: Getty images)

Tiếp sau vụ ngân hàng BNP Paribas của Pháp bị phạt 9 tỷ USD vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, một loạt ngân hàng lớn của châu Âu như Credit Agricole hay Deutsche Bank đang bị giới chức Mỹ điều tra vì liên quan đến hoạt động giao dịch với các nước bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hãng tin AFP ngày 2/7 cho biết hiện các cơ quan chức năng Mỹ gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) và Cơ quan dịch vụ tài chính bang New York đã vào cuộc nhằm điều tra các hoạt động giao dịch trị giá hàng tỷ USD của các ngân hàng châu Âu với các nước nằm trong diện trừng phạt kinh tế của Mỹ như Iran, Sudan, Cuba, Syria và Triều Tiên.

Tiến trình điều tra này, được khởi động từ năm 2009, tập trung vào các ngân hàng châu Âu hàng đầu như Societe Generale và Credit Agricole của Pháp, Deutsche Bank và Commerzbank của Đức, UniCredit của Italy.

Societe Generale và Credit Agricole cho biết họ đang hợp tác với các nhà điều tra Mỹ. Hiện tại, Societe Generale đã mở cuộc điều tra nội bộ và thảo luận với Cơ quan Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ về việc tuân thủ quy định của Washington. Credit Agricole đang điều tra các vụ giao dịch chuyển tiền bằng USD, đặc biệt là các vụ giao dịch của Credit Agricole CIB.

Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất Đức bị nghi ngờ đã có hoạt động giao dịch với các đối tác ở Sudan, Iran và Syria. Ngân hàng này cho biết hiện họ đã cung cấp thông tin theo yêu cầu của các nhà điều tra Mỹ. Giới phân tích tài chính dự đoán Deutsche Bank có thể sẽ đối mặt với mức phạt lên tới hơn 3 tỷ USD.

Commerzbank xác nhận đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra về vụ giao dịch đồng USD với Iran vào năm 2010.

UniCredit cũng đang bị điều tra về một vụ giao dịch với Iran. Theo nguồn thạo tin, ngân hàng này ước tính sẽ mất 1,4 tỷ USD cho các chi phí pháp lý.

Các ngân hàng châu Âu, trong đó có ECB, cho biết họ đã dành ra 39 tỷ USD để dùng cho các hoạt động pháp lý trong năm nay. Theo các nhà phân tích, tính đến nay các ngân hàng châu Âu đã chi tổng cộng 37 tỷ USD.

Vụ chính phủ Mỹ phạt nặng BNP Paribas đang làm gia tăng lo ngại về việc Mỹ đang đặc biệt chú ý tới các ngân hàng châu Âu, mặc dù các ngân hàng châu Âu không hề vi phạm luật pháp châu Âu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề cập đến vấn đề này. Song, trên thực tế, chính các ngân hàng Mỹ cũng bị phạt nặng nếu vi phạm quy định.

JP Morgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, đã bị phạt tới 13 tỷ USD liên quan đến các vụ án tài sản thế chấp hồi năm 2013. Bank of America, ngân hàng số hai của Mỹ, thông báo đang đối mặt với án phạt 17 tỷ USD và cho đến nay đã nộp được 9,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục