Ngân hàng hàng đầu của Pháp BNP Paribas đã chấp thuận nộp phạt gần 9 tỷ USD để dàn xếp những cáo buộc hình sự liên quan đến hành vi vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào một số nước được áp dụng trong nhiều năm qua.
Đây là số tiền phạt kỷ lục nhắm vào một tập đoàn ngoại quốc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Hãng tin AFP dẫn các nguồn thạo tin ngày 29/6 cho biết trong một cuộc họp đặc biệt cuối tuần qua tại Paris, ban giám đốc BNP Paribas đã thống nhất nộp phạt 8,9 tỷ USD để tránh bị kiện về mặt hình sự do vi phạm lệnh cấm vận của Washington. Theo đó, trong giai đoạn 2002-2009, BNP Paribas đã "lách" lệnh cấm vận của Mỹ và đứng ra làm trung gian cho một số khách hàng để giao dịch bằng USD với những quốc gia bị Washington trừng phạt kinh tế như Iran, Cuba và Sudan.
Trong vòng bảy năm, tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Pháp này đã che giấu các khoản giao dịch ước tính lên đến 30 tỷ USD với các nước kể trên.
Cũng theo các nguồn tin trên, trong tổng số gần 8,9 tỷ USD mà BNP Paribas phải nộp phạt có ít nhất 2 tỷ USD là tiền phạt và bồi thường trả cho ông Benjamin Lawsky - người quản lý Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng có nguy cơ phải tạm dừng các khoản giao dịch bằng đồng USD trong một thời gian dài tại Thụy Sĩ, Singapore và Pháp.
Giới chức Mỹ cũng yêu cầu BNP phải sa thải ba nhân viên cấp cao và một số nhân viên cấp dưới có liên quan đến hành vi vi phạm trên.
Dự kiến, thỏa thuận nộp phạt giữa BNP Paribas và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ được công bố vào 4 giờ chiều 30/6 (giờ địa phương).
Trong bức thư gửi đến các nhân viên trong công ty, Giám đốc điều hành BNP Paribas Jean-Laurent Bonnafe xác nhận tập đoàn này sẽ phải nộp một khoản phạt khổng lồ, song nhấn mạnh "điều này sẽ không ảnh hưởng sự phát triển lâu dài của công ty."
Mặc dù tiềm lực tài chính của BNP Paribas đủ mạnh để chi trả cho khoản phạt trên, song giới phân tích nhận định quyết định xử phạt trên là một "đòn quá nặng" về phương diện tài chính lẫn uy tín đối với tập đoàn ngân hàng lớn thứ ba thế giới này, sau liên doanh ING của Hà Lan và ICBC của Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chức Pháp cũng cảnh báo vụ việc sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, mà Pháp - với tư cách thành viên EU - có quyền phủ quyết.
Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra sức vận động và thuyết phục người đồng cấp Mỹ Barack Obama giúp BNP Paribas tránh bị trừng phạt quá nặng.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama khẳng định không thể can thiệp vào vụ BNP Paribas, bởi điều này sẽ xâm phạm tính độc lập của ngành tư pháp Mỹ./.