Tờ Boston Globe dẫn các nguồn tin từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho hay, những người ủng hộ lâu năm của Tổng thống Donald Trump chiếm số lượng áp đảo trong đám đông nổi dậy xông vào Đồi Capitol hôm thứ Tư tuần trước (6/1), bao gồm cả các quan chức đảng Cộng hòa, các nhà tài trợ chính trị cho đảng Cộng hòa, các binh sỹ cực hữu, những người ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, và những tín đồ theo thuyết âm mưu QAnon.
Hồ sơ cho thấy rằng trong đám người biểu tình này có một số đối tượng được vũ trang cẩn thận, và có cả những kẻ tội phạm bị kết án, ví dụ như một người đàn ông tại Florida vừa mới mãn hạn tù cho tội giết người không thành.
Hãng tin AP đã nghiên cứu các bài đăng trên mạng xã hội, hồ sơ đăng ký cử tri, hồ sơ tòa án và các hồ sơ công cộng khác của hơn 120 người đang đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến vụ bạo động hôm 6/1 hoặc những người không đeo khẩu trang bất chấp dịch bệnh, sau đó được xác định danh tính thông qua các bức ảnh và video ghi lại cuộc hỗn chiến.
Các bằng chứng đã phủ nhận tuyên bố của nhiều chuyên gia cánh hữu và các quan chức Cộng hòa, ví dụ như Hạ nghị sỹ Matt Gaetz của bang Florida, cho rằng vụ bạo lực này do những kẻ côn đồ chống phátxít cánh tả (Antifa) gây ra, thay vì những người ủng hộ tổng thống Trump.
"Nếu các báo cáo là chính xác, trong đám đông đã xông vào Đồi Capitol hôm nay có một số người không phải là người ủng hộ ông Trump," Gaetz phát biểu tại Hạ viện chỉ vài giờ sau cuộc tấn công. "Họ giả vờ là người ủng hộ ông Trump, nhưng thực tế họ là thành viên của nhóm khủng bố bạo lực Antifa."
Steven D'Antuono, trợ lý giám đốc phụ trách văn phòng hiện trường của FBI tại Washington chia sẻ với các phóng viên rằng các điều tra viên "không thấy dấu hiệu nào" cho thấy các thành viên của Antifa đã giả dạng người ủng hộ ông Trump trong cuộc bạo loạn hôm thứ Tư.
[Thủ đô Washington kêu gọi tăng an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden]
AP phát hiện ra rằng sau cuộc bầu cử hồi tháng 11, nhiều người tham gia cuộc bạo loạn đã lên mạng xã hội để đăng tải và lặp lại những tuyên bố sai lạc của ông Trump rằng các lá phiếu đã bị đánh cắp trong một âm mưu quốc tế lớn.
Một số người còn công khai đe dọa dùng bạo lực với các đảng viên Dân chủ cũng như những đảng viên Cộng hòa mà họ cho là không đủ trung thành với tổng thống. Trong cuộc bạo loạn, một số người đã livestream và đăng ảnh của mình tại Capitol. Sau đó, nhiều người khoe khoang về những gì họ đã làm.
Tính đến thời điểm này, ít nhất 90 người đã bị bắt giữ và bị cáo buộc phạm nhiều tội danh, từ vi phạm lệnh giới nghiêm tới hành hung sỹ quan cảnh sát, sở hữu vũ khí trái phép và đe dọa sát hại Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Trong số này có Lonnie Leroy Coffman, một người đàn ông 70 tuổi ở bang Alabama. Ông này đã lái chiếc xe bán tải GMC Sierra màu đỏ chở theo một khẩu súng trường tấn công M4, nhiều băng đạn đã nạp đầy, ba khẩu súng ngắn và 11 lọ thủy tinh chứa napalm tự chế tới Washington để dự buổi mít tinh "Cứu rỗi nước Mỹ" của ông Trump, theo hồ sơ tòa án.
Coffman bị bắt khi đang mang một khẩu súng ngắn Smith & Wesson 9mm cùng một khẩu súng lục Derringer trong túi áo.
Cháu trai của ông, Brandon Coffman, chia sẻ với hãng tin AP hôm thứ Sáu vừa rồi rằng ông mình từng là đảng viên Cộng hòa và luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ông Trump trong các buổi tụ họp ngày lễ. Anh không rõ lý do vì sao Coffman lại xuất hiện ở thủ đô trong tình trạng có vũ trang như chuẩn bị cho một cuộc nội chiến.
Cũng phải đối mặt với các cáo buộc liên bang còn có Cleveland Grover Meredith Jr., một người đàn ông đến từ bang Georgia. Từ sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Meredith đã biểu tình bên ngoài căn nhà của thống đốc Brian Kemp, một thành viên đảng Cộng hòa bị ông Trump công khai đổ lỗi cho thất bại của mình tại bang này.
Theo hồ sơ tòa án, tuần trước, Meredith đã lái xe tới Washington để dự buổi mít tinh "Cứu rỗi nước Mỹ," nhưng bị muộn vì đèn xe gặp trục trặc. Hồ sơ của tòa cũng bao gồm cả những bản ghi tin nhắn chứa đầy lời tục tĩu của Meredith.
"Hướng đến DC với một tấn đạn xuyên giáp 5.56," Meredith gửi tin nhắn cho bạn bè và người thân hôm 6/1, có kèm theo một biểu tượng cảm xúc hình mặt quỷ màu tím, theo thông tin lưu trong hồ sơ.
Ngày hôm sau, anh ta lại nhắn vào nhóm chat rằng: "Đang suy nghĩ về việc đến nghe bài phát biểu của Pelosi và cho bà ta một phát đạn vào đầu trên sóng truyền hình trực tiếp."
Một lần nữa Meredith đính kèm biểu tượng cảm xúc hình mặt quỷ màu tím, và viết rằng có thể anh ta sẽ dùng chiếc xe tải của mình để đâm vào bà Pelosi. "Tôi sẽ tông vào Pelosi khi bà ta đang nói... Tôi đoán là trong vòng 12 ngày, nhiều người ở nước ta sẽ chết," Meredith viết.
Một người tham gia nhóm chat này đã cung cấp ảnh chụp màn hình cho FBI, giúp lần theo dấu vết và tìm thấy Meredith tại khách sạn Holiday Inn, cách Đồi Capitol một quãng đi bộ ngắn.
Họ đã tìm thấy một khẩu súng trường tấn công Tavor X95 kiểu nhỏ gọn, một khẩu súng ngắn Glock 19 cỡ nòng 9mm và khoảng 100 viên đạn, theo hồ sơ tòa án. Các đặc vụ cũng thu giữ một số lượng lớn THC (hợp chất từ cần sa) dạng uống liền và một lọ testosterone dùng để tiêm.
Meredith bị buộc tội buông lời đe dọa cũng như các trọng tội khác liên quan tới vũ khí và đạn dược.
Michael Thomas Curzio, một người khác tham gia vụ bạo loạn cũng đã bị bắt chỉ chưa đầy hai năm sau khi được thả ra khỏi một nhà tù ở Florida năm 2019. Anh ta đã thụ án 8 năm cho tội giết người không thành.
Hôm thứ Sáu, các quan chức thực thi luật pháp liên bang đã tuyên bố sẽ bổ sung thêm các cáo buộc với những người thực hiện vụ tấn công vào Đồi Capitol, và đang mở một cuộc truy nã toàn quốc nhằm tìm kiếm hàng chục nghi can được xác định từ các bằng chứng bằng hình ảnh.
Theo các quan chức thực thi pháp luật giấu tên (do chưa được phép bàn luận công khai về cuộc điều tra), FBI cũng đã mở một cuộc điều tra vụ giết người liên quan đến cái chết của Brian D. Sicknick, một sỹ quan cảnh sát tại Đồi Capitol bị đánh vào đầu bằng bình cứu hỏa.
Những người ủng hộ Trump thiệt mạng trong vụ bạo loạn là Kevin D. Greeson, 55 tuổi, tới từ Athens, Alabama; Benjamin Philips, 50 tuổi, đến từ Ringtown, Pennsylvania; Ashli Babbitt, 35 tuổi, đến từ San Diego; và Rosanne Boyland; 34 tuổi, đến từ Kennesaw, Georgia.
Chia sẻ với AP hôm thứ Sáu, em gái của Boyland cho biết chị mình là một tín đồ của thuyết âm mưu cho rằng ông Trump là vị cứu tinh của nước Mỹ. Trang Facebook của Boyland đăng nhiều bức ảnh và video ca ngợi Trump và cổ súy những điều tưởng tượng, bao gồm một thuyết cho rằng một nhóm người trong bóng tối đang dùng virus corona để chi phối các cuộc bầu cử.
Bài đăng cuối cùng của Boyland trên Twitter - dòng tweet đăng lại bài đăng của giám đốc truyền thông xã hội Nhà Trắng Dan Scavino - là một bức ảnh chụp hàng nghìn người vây quanh tượng đài Washington hôm thứ Tư tuần trước.
Điều tra của AP cho thấy những niềm tin vào thuyết âm mưu QAnon rất phổ biến ở những người hưởng ứng lời kêu gọi đến Washington của ông Trump.
Doug Jensen, 41 tuổi, bị FBI bắt hôm thứ Sáu tại Des Moines, Iowa, sau khi trở về nhà sau cuộc bạo loạn. Một nhiếp ảnh gia của AP đã chụp được hình ảnh anh ta đối đầu với các sỹ quan cảnh sát Đồi Capitol bên ngoài phòng họp Thượng nghị sỹ hôm thứ Tư.
Jensen mặc một chiếc áo phông màu đen có in chữ Q lớn và cụm từ "Trust The Plan" (Tin vào kế hoạch), một sự ám chỉ đến QAnon.
Anh trai của Jensen, William Routh, chia sẻ với AP hôm thứ Bảy rằng Jensen tin rằng người dùng cái tên Q để đăng các bài viết có thể là của ông Trump hoặc một ai đó rất thân cận với tổng thống.
"Tôi cảm thấy em mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ internet, điều đó đã khiến nó rối loạn hoặc cản trở góc nhìn của nó với một số việc," Routh chia sẻ. Anh đến từ Clarksville, Arkansas và tự mô tả bản thân là một người theo đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump. "Khi tôi nói chuyện với nó, nó tin rằng đây có thể là ông Trump đang nói với nó phải làm gì"./.