Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp diễn phức tạp, nhiều nước châu Âu đang xem xét gia tăng các biện pháp hạn chế để tăng cường chống dịch.
Thủ đô London của Anh đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm giảm tốc độ lây nhiễm báo động hiện nay. Bộ trưởng Nội vụ Anh Matt Hancock cho biết bắt đầu từ ngày 16/12, London và nhiều khu vực thuộc 3 hạt xung quanh thủ đô sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp hạn chế ở cấp độ cao nhất, vốn đang được thực thi trên toàn vùng England. Theo đó, tất cả các quán bar, nhà hàng và các điểm vui chơi phải đóng cửa, trừ một số điểm bán đồ ăn mang đi.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Hancock khẳng định: "Quyết định trên là hoàn toàn cần thiết, không chỉ để đảm bảo an toàn cho người dân mà còn bởi vì chúng tôi thấy rằng càng hành động sớm càng ngăn chặn được nhiều thiệt hại cũng như tác động về lâu dài sau này.”
Ông Hancock nhấn mạnh số ca mắc mới hằng ngày và nhập viện do COVID-19 ở London đã tăng mạnh, trong đó một số khu vực số ca mắc mới tăng gấp đôi sau 7 ngày.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 15/12 thông báo nước này có thể siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới sắp tới nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm đáng báo động hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ Italy kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ. Hiện Italy đang cố gắng để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới, thay vào đó sẽ gia tăng các biện pháp hạn chế để khống chế đà lây nhiễm hiện nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thời gian nghỉ lễ ngày càng tới gần, không chỉ bổ sung, có thể các biện pháp này sẽ được xem xét điều chỉnh theo hướng siết chặt hơn. Ông Conte nhấn mạnh: "Chúng ta phải tránh nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ ba," khẳng định hậu quả của đợt dịch mới này sẽ rất nghiêm trọng.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong hằng ngày do COVID-19 tại Italy có chiều hướng tăng trở lại. Với 846 ca trong vòng 24 giờ qua, đến nay Italy đã ghi nhận tổng cộng 65.857 ca tử vong, trở thành quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất tại châu Âu.
Hiện Italy đang phối hợp cùng 7 nước châu Âu khác triển khai chiến dịch tiêm vắcxin phòng COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Conte, để có được hiệu quả miễn dịch cộng đồng,vắcxin phải đến được với ít nhất 10-15 triệu người dân. Dự kiến chiến dịch này sẽ cho thấy hiệu quả vào mùa Xuân tới.
[Pháp: Thủ đô Paris vắng bóng người do lệnh giới nghiêm mới]
Tại Pháp, Bộ Y tế ngày 15/12 cho biết nước này đã ghi nhận 11.532 ca mắc mới và 790 ca tử trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 2.391.447 và 59.072 ca.
Lệnh phong tỏa toàn quốc, áp đặt từ cuối tháng 10 vừa qua, đã hết hiệu lực vào ngày 15/12, tuy nhiên tốc độ lây nhiễm vẫn đang vượt mức dự báo, do đó chính phủ có thể áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn một giờ so với kế hoạch, theo đó cấm mọi hoạt động đi lại từ 20h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Lệnh giới nghiêm sẽ được bãi bỏ vào đêm Giáng sinh (24/12), nhưng vẫn có hiệu lực vào đêm Giao thừa đón Năm Mới 2021.
Tại Thụy Sĩ, ngày 15/12, Cơ quan Y tế cộng đồng của nước này cho biết virus SARS-CoV-2 đang tấn công tất cả các độ tuổi, trong đó nhóm đối tượng từ 70 tuổi trở lên đặc biệt đáng lo ngại. Cơ quan trên nhấn mạnh Thụy Sĩ đang trải qua giai đoạn số ca nhiễm mới gia tăng mạnh, trong bối cảnh hệ thống y tế có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải, ý thức của mỗi người dân sẽ góp phần ngăn chặn tốc độ lây nhiễm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, các khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tại Thụy Sĩ đã gần hết công suất, với hơn 80% số giường bệnh đã được huy động./.