Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm tăng cao đột biến do biến thể Delta

Biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần chủng gốc đang là một trong những nguyên nhân phá hỏng những nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch.
Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm tăng cao đột biến do biến thể Delta ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuta, Bali, Indonesia, ngày 27/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần chủng gốc đang là một trong những nguyên nhân phá hỏng những nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), quốc gia này ghi nhận thêm 1.896 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 1.823 ca lây nhiễm trong nước và 73 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 191.531 ca.

Trong số các ca mắc mới có 1.242 ca nhiễm biến thể Delta. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi do đại dịch tại nước này lên 2.083 người.

Có nhiều ý kiến lo ngại sự lây lan trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư này sẽ gia tăng khi người dân đổ xô đến các khu nghỉ mát và bãi biển trên khắp đất nước trong cao điểm của kỳ nghỉ Hè. Với xu hướng như hiện nay, giới chức Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm trong ngày ở nước này có thể lên đến 2.000 ca.

Trong bối cảnh Indonesia đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới, kể từ đầu tháng 7, gần 19.000 người nước ngoài đã rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này để về nước từ Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta.

[Khẩu trang là 'tầng bảo vệ bổ sung cần thiết' cho người tiêm đủ liều]

Theo truyền thông sở tại, chỉ riêng trong 3 ngày qua, số lượng công dân nước ngoài rời khỏi Indonesia đã gia tăng đáng kể, chiếm gần một nửa tổng số người xuất cảnh từ đầu tháng 7. Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia, ông Kenji Kanasugi cho biết một số công dân nước này phải hồi hương để tiêm chủng do gặp khó khăn trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia.

Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, với 16.533 ca mắc trong 24 giờ , nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 543.361 ca,  trong đó có 4.397 ca  tử vong.

Số ca nhiễm virus tại Iran tiếp tục lên đỉnh mới, với gần 35.000 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca ghi nhận tại nước này lên 3.758.197. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục.

Tại Palestine, Bộ trưởng Y tế Chính quyền Palestine (PA) Mai Alkaila ngày 27/7 cho biết sự lây lan nhanh chóng của các biến thể mới như Delta đang gây ra làn sóng dịch bệnh thứ tư tại Palestine. 

Tờ Jerusalem Post dẫn lời bà Alkaila kêu gọi người dân Palestine đi tiêm phòng vaccine và tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.

Tại Bờ Tây, hiện đã có trên 477.000 người được tiêm vaccine, so với 101.000 người tại Dải Gaza. Trong ngày 27/7, hai khu vực này ghi nhận số bệnh nhân mắc mới tương ứng 26 ca và 113 ca.

Tại châu Phi, Maroc cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, với 6.971 ca, nâng số người nhiễm virus tại quốc gia Bắc Phi này lên 588.448, trong đó có 9.638 ca tử vong.

Về chiến dịch tiêm chủng, tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng hơn 12.52 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi hơn 9,924 triệu người đã tiêm mũi thứ 2.

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 19.761 ca và 51 ca tử vong trong ngày 27/7.

Bộ Y tế cho biết số ca tăng mạnh trở lại trong những tuần qua sau khi chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục