Nhiều thách thức của ngân hàng trong triển khai ứng dụng công nghệ số

Việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong hệ thống ngân hàng sẽ tiết giảm chi phí và sẽ tăng khả năng cạnh tranh qua việc phát triển thị trường mới.
Nhiều ngân hàng đã ra mắt ứng dụng thanh toán mới bằng mã QR. (Nguồn: TPBank)

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hoá trong dịch vụ ngân hàng cá nhân cùng sự bùng nổ của các công ty Fintech tại Việt Nam đã đặt các ngân hàng trước những cơ hội và thách thức của cuộc các mạng công nghiệp 4.0.

Chính vì vậy, chia sẻ với báo chí, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, về lâu dài thì hợp tác giữa fintech với hệ thống ngân hàng thương mại cần phải ngày càng chặt chẽ, tích cực hơn.

Cần có một tiêu chuẩn chung về hệ thống mã QR

- Ông có thể cho biết thách thức và cơ hội của hệ thống ngân hàng trong triển khai ứng dụng công nghệ số là gì?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Về cơ hội, chúng ta thấy rằng nó sẽ tiết giảm chi phí và sẽ tăng khả năng cạnh tranh qua việc phát triển thị trường mới qua việc thay đổi kênh phân phối cung ứng những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao hơn, an toàn chính xác hơn và cũng tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt là cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Thanh toán di động đang mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về thương mại điện tử, mang lại nhiều cơ hội cho các tác nhân trong nền kinh tế và là nhân tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện tại các quốc gia. Hiện nay, các giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử … đang thực sự phổ biến tại cả các nước phát triển và đang phát triển. Chúng có đóng góp tích cực đến đến tốc độ tăng trưởng 2 con số của thị trường thanh toán phi tiền mặt toàn cầu.

Các tác nhân tham gia cung cấp giải pháp thanh toán cũng ngày càng đa dạng, từ nhà cung cấp truyền thống là các định chế tài chính đến các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung, hay các hãng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba…, tập đoàn viễn thông hoặc mạng lưới các công ty Fintech.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính ngân hàng: Thách thức đầu tiên là sự thay đổi của mô hình kinh doanh, thay đổi về văn hóa kinh doanh, vậy thì chúng ta sẽ quản lý sự thay đổi đó như thế nào?

[TPBank xác thực thư bảo lãnh bằng QR code đầu tiên tại Việt Nam]

Thứ hai là câu chuyên đầu tư công nghệ thông tin thì chúng ta ứng xử thế nào, một mặt lo rủi ro công nghệ thông tin nhiều hơn mặt khác tính toán chi phí đầu tư công nghệ thông tin như thế nào.

Thứ ba là nguồn nhân lực, các nước đã chuẩn bị tương đối tốt cho nguồn nhân lực 4.0, còn Việt Nam đang hơi chậm trong khâu này, tôi mong Chính phủ sớm có chiến lược cách mạng công nghệ 4.0 đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến nguồn nhân lực.

Một thách thức nữa hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng hạ tầng tốt nhưng mức độ ổn định, an toàn là những vấn đề cần tiếp tục gia cố trong thời gian tới.

Thách thức cuối cùng chính là môi trường pháp lý của Việt Nam, hy vọng Chính phủ sẽ sớm chỉ đạo để có hành lang pháp lý phục vụ tài chính số, ngân hàng số được công nhận một cách minh bạch, đầy đủ hơn, từ đó tạo điều kiện cho cả khách hàng và ngân hàng.

- Thưa ông hiện nay việc ứng dụng số trên hệ thống ngân hàng cũng đã được triển khai và đã mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, tuy nhiên khách hàng cũng đề phòng trường hợp có những rủi ro. Theo ông để hạn chế các rủi ro và đảm bảo sự an toàn thông tin cá nhân của khách hàng thì hệ thống ngân hàng cần phải có những giải pháp như thế nào?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ có 4 giải pháp quan trọng: Thứ nhất chính là gia tăng biện pháp phòng hộ để tăng năng lực kiểm soát rủi ro đối với công nghệ thông tin đặc biệt là an ninh mạng.

Thứ hai, cần phải tăng sự hiểu biết của khách hàng, người dân và doanh nghiệp, bản thân cán bộ ngân hàng để cùng nhau kiểm soát rủi ro tốt hơn. Để kiểm soát rủi ro không chỉ một phía mà cả 3 phía tức là cả định chế tài chính, khách hàng và cơ quan quản lý.

Thứ ba, sớm tạo hành lang pháp lý để hướng dẫn định chế tài chính kiểm soát rủi ro tốt hơn như Sing đưa ra quy định quy chế về kiểm soát rủi ro công nghệ thông tin khá hoàn hảo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng số, theo đó các ngân hàng áp dụng rất chuẩn mực.

Cuối cùng là chúng ta cần phải tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hạn chế bớt đi lỗi về kỹ thuật trong quá trình tác nghiệp. Đây là 4 giải pháp quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Cán bộ VietinBank hướng dẫn khách hàng mua sản phẩm trên gian hàng ảo. (Nguồn: VietinBank)

- Theo ông, các ngân hàng có nên liên kết lại với nhau để cùng phát triển hay không?

Ông Cấn Văn Lực: Để hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể thanh toán điện tử kết nối được với nhau thì cần phải có một tiêu chuẩn chung về hệ thống mã QR để một khách hàng có thể giao dịch được nhiều ngân hàng khác nhau và tất cả đều được khai thác sử dụng trên nền tảng chung đó.

Bên cạnh đó cũng phải chuẩn hóa những quy định để bảo vệ an toàn giao dịch đối với cả ngân hàng và khách hàng. Đây là vấn đề mà một số nước đã triển khai trong mấy năm vừa qua như Singapore, Hàn Quốc…

- Theo quan điểm của ông, các ngân hàng có nên coi các công ty fintech là đối tác hay không?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng họ sẽ hợp tác với nhau trên tinh thần vừa cạnh tranh song phẳng với nhau để cùng cung cấp những dịch vụ tốt, giá cả hợp lý cho khách hàng; thứ hai là phối hợp với nhau để tạo ra hệ sinh thái thanh toán điện tử cũng như phương thức tài chính dịch vụ cho người dân và ngân hàng.

Tăng cường truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt

- Ông nhận xét gì về xu thế không dùng tiền mặt ở Việt Nam và tác động thế nào đối với hoạt động ngân hàng?

Ông Cấn Văn Lực: Thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn phát triển nhanh trong thời gian tới gắn với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 gắn với thương mại điện tử, xu thế dùng điện thoại thông minh và dùng Internet kế nối. Rõ ràng Việt Nam dùng thanh toán điện tử, đặc biệt thanh toán qua di động phát triển rất nhanh trong thời gian qua.

Theo thống kế, hiện trên thế giới đã có 62% lượng người mua sắm đã tham gia mua bán trên mạng và hiện nay Việt Nam có 44% khách hàng của ngân hàng đã và đang dùng ngân hàng số bao gồm có Mobile Bankinhg, Internet Banking và mua bán trên mạng xã hội. Với tốc độ như hiện nay sẽ còn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Ví dụ ngày black friday, online friday khách hàng tiếp cận thanh toán điện tử rất nhanh, sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đó là thuận lợi trong thời gian vừa qua.

Vấn đề của Việt Nam là cần một hệ sinh thái tốt hơn đối với thanh toán điện tử đặc biệt thanh toán qua di động bởi mỗi một công ty di động không thể làm mà đòi hỏi có một hệ sinh thái bao gồm có nhà cung cấp, người mua, người bán người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là hành lang pháp lý cùng với cơ sở hạ tầng thông tin để hỗ trợ cho hệ sinh thái đó.

- Hiện người dân Việt Nam chưa quen với hình thức thanh toán mới mẻ này làm thế nào để hướng người dân sử dụng hình thức thanh toán mới này?

Ông Cấn Văn Lực: Đúng là như vậy, hiện thói quen của người Việt Nam vẫn dùng tiền mặt nhiều. Chính vì vậy có 3 việc phải làm. Một là, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử, đặc biệt cần phải là giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với vấn đề an toàn trong thanh toán điện tử.

Thứ hai là cần phải tăng cường và có được hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan của người dân, doanh nghiệp cũng như bản thân định chế tài chính khi cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Cuối cùng cần có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định và đảm bảo trong quá trình tác nghiệp không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, cần gia tăng biện pháp phòng hộ để tăng năng lực kiểm soát rủi ro đối với công nghệ thông tin đặc biệt là an ninh mạng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục