Nội các Nhật Bản, vừa được thành lập ngày 7/10 vừa qua, đang vướng vào rắc rối khi có tới bốn bộ trưởng - chiếm một nửa trong số tám bộ trưởng thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) mới được bổ nhiệm lần đầu, đang bị phanh phui các vụ bê bối.
Trong số bốn bộ trưởng bị cáo buộc dính vào bê bối, có hai vụ liên quan đến hoạt động gây quỹ chính trị. Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Hiroshi Moriyama bị cáo buộc nhánh LDP do ông đứng đầu đã nhận gần 70 triệu yen tiền tài trợ chính trị trong giai đoạn 2011-2013 từ 24 công ty bị cáo buộc từng hối lộ để thắng thầu trong các dự án công.
Nhánh LDP do Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học Hiroshi Hase đứng đầu cũng bị phát hiện từng nhận tiền tài trợ từ một công ty hiện nay đã đủ điều kiện được nhận sự hỗ trợ của nhà nước.
Còn Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Okinawa và Lãnh thổ phía Bắc Akiko Shimajiri bị nghi ngờ đã vi phạm luật bầu cử khi phân phát cho cử tri các tờ lịch có in tên của bà trên đó, một hành động có thể bị quy vào việc vi phạm lệnh cấm tài trợ trong bầu cử.
Trước đó một năm, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima cũng buộc phải từ chức do đã phát cho cử tri quạt giấy, hành động bị liệt vào diện vi phạm luật bầu cử.
Nhân vật thứ tư bị dính vào bê bối là Bộ trưởng phụ trách tái thiết sau thảm họa Tsuyoshi Takagi.
Cả bốn bộ trưởng trên đều bác bỏ các cáo buộc nhằm vào mình. Tuy nhiên, các đảng đối lập vẫn đang gây sức ép đòi chính phủ của ông Abe và liên minh cầm quyền triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để chất vấn các bộ trưởng.
Một quan chức cấp cao của LDP tuyên bố việc triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để thảo luận các vấn đề trên là không cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Đảng Duy tân Nhật Bản Yorihisa Matsumo cho rằng với việc không tổ chức họp quốc hội, chính phủ của ông Abe và LDP đang tìm cách che giấu các vụ bê bối./.