Nhìn lại 'cuộc đấu trí' của ông Abe Shinzo và ông Tập Cận Bình

Ông Abe được bầu làm thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, khi đó ông 58 tuổi. Trước đó 1 tháng, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tuổi 59.
Nhìn lại 'cuộc đấu trí' của ông Abe Shinzo và ông Tập Cận Bình ảnh 1Ông Abe Shinzo (trái) và ông Tập Cận Bình. (Nguồn: Xinhua)

Thời đại Abe Shinzo cũng là thời đại Tập Cận Bình. Cả ông Abe lẫn ông Tập Cận Bình đều lên nhậm chức vào năm 2012, chỉ cách nhau vài tuần.

Ông Abe được bầu làm thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, khi đó ông 58 tuổi. Trước đó 1 tháng, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tuổi 59.

Theo nhận định của tờ Financial Times số ra ngày 31/8, đây không chỉ là sự trùng hợp về thời gian, mà nó còn cho thấy nhiệm vụ trọng tâm của ông Abe - theo lời của những cố vấn thân cận nhất của ông - là củng cố sức mạnh của Nhật Bản để có thể đối phó được với một Trung Quốc đang ngày càng trở nên hùng mạnh và chuyên quyền.

Ông Abe Shinzo vừa thông báo từ chức vì lý do sức khỏe, nhưng nhiệm vụ trọng yếu của ông vẫn chưa hoàn thành. Ông đã điều hành Nhật Bản vững vàng bằng những kỹ năng và lòng quyết tâm.

Tuy nhiên, có một sự thật không mấy dễ chịu, đó là một mình Nhật Bản không thể tự giải quyết được tình thế tiến thoái lưỡng nan mang tính chiến lược của mình. Rốt cuộc, số phận của nước Nhật phụ thuộc vào những tiến triển chính trị vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ - cụ thể là phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc.

Trong suốt thời đại của ông Tập Cận Bình, có một điều rõ ràng là Trung Quốc nuôi ý định trở thành một cường quốc có vị thế vượt trội tại châu Á, và có lẽ là cả trên thế giới.

[Nhật Bản cần làm gì trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung?]

Một điều đáng lo ngại đối với bất kỳ chính phủ nào ở Tokyo là chủ nghĩa dân tộc hiện đại Trung Quốc đang gắn chặt với lòng căm ghét Nhật Bản, vốn có từ thời Nhật Bản xâm lược và đối xử tàn bạo với Trung Quốc trong những năm 30 của thế kỷ trước.

Hiện hai nước vẫn có những tranh chấp lãnh thổ, và các máy bay, tàu biển của hai nước thường xuyên thách thức nhau ở khu vực xung quanh quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bất cứ thủ tướng Nhật nào khi muốn đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy đều chỉ có trong tay những "nguyên liệu thô không hiệu quả."

Dân số Nhật Bản đang già đi và sụt giảm, và nợ quốc gia hiện rất lớn. Cách đây 1 thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu vượt Nhật Bản và hiện tiếp tục tăng trưởng với một tốc độ nhanh hơn.

Bắc Kinh đang đầu tư tiền để sản xuất các loại tàu chiến, tên lửa mới với một tốc độ mà Nhật Bản không thể theo kịp. Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề dân số học, trong bối cảnh dân số của nước này cũng đang già đi.

Tuy nhiên, thực tế là dân số Trung Quốc nhiều gấp 10 lần dân số của Nhật Bản, và sự bất cân xứng quyền lực giữa hai nước ngày một rộng hơn sau mỗi năm. Tâm lý yêu chuộng hòa bình cũng ăn sâu tại Nhật Bản.

Vấn đề thay đổi hiến pháp nhằm cho phép quân đội Nhật Bản đi chiến đấu ở nước ngoài cho thấy đây là điều không thể đối với ông Abe về mặt chính trị.

Đối mặt với những thực tế này, bất kỳ chính phủ nào của Nhật Bản cũng sẽ buộc phải chấp nhận chính sách nhân nhượng Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Financial Times cho rằng bất cứ chính sách nào như vậy cuối cùng cũng sẽ khiến Nhật Bản phải trả một cái giá rất đắt, đó là sự tự do và quyền tự trị.

Hiện không ai biết những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc có dừng lại ở tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người sinh sống hay không.

Nhiều tờ báo của Bắc Kinh và các tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc đã tỏ ra nghi ngờ về chủ quyền của Nhật Bản đối với Okinawa - hòn đảo 1,4 triệu người và hiện là nơi có khu căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ đóng tại khu vực.

Rộng hơn nữa, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc muốn có một cuộc trả thù tượng trưng cho những gì xảy ra hồi những năm 1930 bằng cách đẩy Nhật Bản xuống mức của một nước chư hầu.

Hiểu hết những điều này nên ông Abe đã không chấp nhận bất cứ sự nhượng bộ nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo.

Ông biết rằng bất cứ hành động đơn phương nhượng bộ nào của Nhật Bản cũng có thể bị Bắc Kinh coi là biểu tượng của sự khuất phục. Mặc dù có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề tranh chấp các đảo với Trung Quốc, nhưng ông Abe đã làm được một điều là làm giảm bớt căng thẳng với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến thăm Trung Quốc rất thành công vào tháng 12/2019.

Ông Tập Cận Bình cũng có kế hoạch thăm Nhật Bản trong năm nay nhưng đã bị hoãn lại vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).

Thật sai lầm khi cho rằng những cải thiện trong quan hệ giữa hai nước là vĩnh viễn. Do đối đầu với Mỹ về nhiều vấn đề  như thương mại, Đài Loan, và Biển Đông nên có thể ông Tập Cận Bình đang muốn tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp tạm thời với Nhật Bản.

Cũng có thể Trung Quốc "đánh hơi" thấy khả năng cuối cùng là có thể dụ được Nhật Bản đi theo hướng thể hiện quan điểm trung lập trong cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh.

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa Nhật Bản bằng những biện pháp trừng phạt thương mại và tỏ ra nghi ngờ liên minh Mỹ-Nhật, tâm lý chống Mỹ sẽ gia tăng tại Nhật Bản.

Tính khí thất thường của Tổng thống Trump chắc chắn đã làm cho cuộc sống của ông Abe khó khăn hơn.

Một trong những hành động đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại đa phương mà chính phủ của ông Abe đã bỏ rất nhiều công sức để đàm phán.

Thay vì bỏ đi và tức giận, ông Abe đã nỗ lực để xây dựng lại các mối quan hệ với Nhà Trắng và tái tạo TPP thành một thỏa thuận mới có tên là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương, ký lại với tất cả các nước từng ký tham gia TPP trước đây trừ Mỹ.

Ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên bước qua cánh cửa của Tháp Trump để chúc mừng ông Trump sau khi ông thắng cử năm 2016, một bước đi sốt sắng phục vụ cho một mục đích chiến lược lớn hơn.

Đồng thời, ông Abe đã kết thêm những người bạn mới - đặc biệt là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhật Bản đang thúc đẩy một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở," trong đó các nền dân chủ trong khu vực sẽ cùng nhau hợp tác. Ngược lại, một châu Á-Thái Bình Dương chuyên quyền có thể xuất hiện nếu như sức mạnh của Trung Quốc không bị ngăn chặn.

Ông Abe đã thực hiện nhiều bước đi chiến lược đúng đắn cho đất nước của ông. Tuy nhiên, ông đã rời nhiệm sở mà không biết liệu những nỗ lực của ông cuối cùng có đem lại thành công cho nước Nhật hay không.

Đối trọng lại sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức mang tính thế hệ cho Nhật Bản. Những người kế nhiệm ông Abe sẽ cần có cả may mắn và kỹ năng để chèo lái đất nước trước một tương lai bất ổn./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.