Nhìn lại hành trình 30 năm công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo

Ba mươi năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng, trong bối cảnh đó, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng.
(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, từ năm 1986 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo đã liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu phát triển, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới.

Công bằng trong tiếp cận giáo dục

Ba mươi năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh đó, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Các công cuộc phổ cập giáo dục từ tiểu học cho đến bậc trung học đã được triển khai liên tục và gặt hái được những thành quả nhất định.

Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010.

Tính đến tháng 6/2015, đã có 32 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Chất lượng giáo dục đỉnh cao có bước phát triển mới. Một trong những minh chứng cho điều này là việc ghi dấu ấn của học sinh Việt Nam trên sân chơi trí tuệ thế giới.

Tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc, đặc biệt là trong 4 năm vừa qua, 100% học sinh tham gia đều đoạt giải.

Cụ thể, từ năm 2000 đến năm 2015 đoạt 101 huy chương vàng, 169 huy chương bạc, 174 huy chương đồng và 43 Bằng khen.

Để có nền giáo dục phát triển, liên tục trong 30 năm qua, ngành giáo dục đã có những giải pháp đổi mới tích cực, khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể như: giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Một số mô hình giáo dục mới đã được triển khai như: Phương pháp “Bàn tay nặn bột”; mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy học sinh làm trung tâm và thí điểm mô hình ở cấp trung học cơ sở; chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục; mô hình trường học gắn kết với sản xuất, kinh doanh tại địa phương… góp phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học.

Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn.

Trước hết là ưu tiên đầu tư cho các địa bàn có nhiều khó khăn, phát hành công trái giáo dục để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, vùng khó khăn xây dựng trường học kiên cố, đạt chuẩn chất lượng và thực hiện xóa đói giảm nghèo, thông qua đó tạo nhiều cơ hội cho trẻ tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ giáo dục.

Những thay đổi trong chính sách đãi ngộ đối với giáo viên cũng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của bậc phổ thông. Các trường lớp của Việt Nam đã và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn về hạ tầng cơ sở đảm bảo cho việc dạy và học có chất lượng tương đương với các nước khác trong khu vực.

Hiện tại, cả nước đã có gần 500 trường mầm non, gần 3.200 trường tiểu học, trên 400 trường trung học cơ sở và phổ thông trung học đạt trường chuẩn quốc gia.

Cần đổi mới đồng bộ để phát triển

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong nhiều năm, giáo dục Việt Nam chỉ chủ yếu tập trung cải cách bậc phổ thông, thiếu giải pháp đồng bộ.

Đó cũng là lý do ra đời đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế," được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) năm 2013 thông qua.

Mục tiêu tổng quát và những nội dung cốt lõi của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng nền giáo dục mở, dân chủ, thực học, thực nghiệp (dạy và học thực chất, học đi đôi với hành), có cơ cấu và phương thức hợp lý, gắn với xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, Đề án hướng tới chuẩn hóa hệ thống giáo dục; đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, tin cậy. Việc đánh giá kết quả hướng tới hình thành năng lực, phẩm chất chứ không dừng lại ở đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức của người học.

Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới cũng được ngành giáo dục tích cực triển khai, dự kiến sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2018.

Lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó đến chương trình môn học và cuối cùng là xây dựng bộ đề cương sách giáo khoa và sách giáo khoa của từng môn. Để xây dựng chương trình sẽ có một tổng chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học.

Quy trình này khoa học và bài bản hơn lần làm chương trình, sách giáo khoa trước.

Theo một số chuyên gia giáo dục, trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần phải có sự phân biệt căn bản giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Giáo dục phổ thông là dạy những kiến thức đã ổn định, trang bị kiến thức và rèn luyện những phẩm chất cơ bản cho công dân. Còn giáo dục đại học chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và ngay trong quá trình học tập đã tham gia sáng tạo tri thức mới.

Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các đại học, trước hết là tự chủ về học thuật, là điều kiện tiên quyết để giáo dục đại học phát triển. Tự chủ phải gắn liền với tự chịu trách nhiệm, cần để các trường đại học tự xây dựng thương hiệu và uy tín của mình.

Những đổi mới về cơ chế, chính sách cũng là điều kiện tiên quyết trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của đất nước, không nên đầu tư dàn trải và kém hiệu quả mà nên ưu tiên đầu tư tập trung.

Ngoài những cơ chế chính sách về tài chính, ngành cần phải đổi mới hàng loạt các cơ chế chính sách khác có liên quan để giáo dục-đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục