Nhìn lại những dấu ấn khó quên của Việt Nam trong năm 2022

Khép lại năm 2022 - sau những khó khăn do đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế-xã hội Việt Nam phục hồi một cách ấn tượng với nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.

GDP đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ

Năm 2022, vượt qua những khó khăn, thách thức, nền kinh tế đất nước tăng trưởng ngoạn mục, vượt kế hoạch.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm phấn đấu của Chính phủ (6-6,5%).

Mức tăng trưởng này cũng là mức cao hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ước tính GDP của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 3 trong 11 nước khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 33 trong 118 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Điều quan trọng là tăng trưởng kinh tế đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản không chỉ tiếp tục là “bệ đỡ,” mà phát triển toàn diện hơn khi thủy sản, lâm nghiệp tăng cao hơn nông nghiệp.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 40 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người năm đạt trên 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Cùng với đó, vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 14% so với 2021.

Cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước.

Thu hoạch cá tra tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phá vỡ nhiều kỷ lục

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 732 tỷ USD, tăng 10% so với 2021 (theo Bộ Công Thương).

Đây là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 360 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.

Đặc biệt, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7,8 tỷ USD, tăng gần 48% so với năm 2021. 

Đã có nhiều kỷ lục mới được ghi nhận trên các mặt hàng như thủy sản, gạo, càphê... Các mặt hàng rau quả của Việt Nam ngày càng thâm nhập được vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Đáng chú ý nhất là lĩnh vực thủy sản đã ghi dấu xuất khẩu kỷ lục đạt gần 11 tỷ USD. Năm 2022 cũng là năm thủy sản có nhiều kỷ lục nhất như tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD (với mức tăng trưởng kỷ lục gần 80%) và lần đầu tiên cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD.

Với sản phẩm gạo, do chính sách thắt chặt xuất khẩu lương thực của một số nước nên xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục 7 triệu tấn.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Lake Town ở Saitama (Nhật Bản). (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân và toàn diện. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình chuyển đổi số; 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động...

Năm 2022, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021. Không chỉ hoạt động trong nước, các doanh nghiệp số Việt Nam đang "tấn công" mạnh mẽ sang các thị trường nước ngoài, như Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Cũng trong năm 2022, các nền tảng thanh toán số được thúc đẩy, qua đó lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng nhanh từ 49,3 triệu người năm 2020 và 54,6 năm 2021 lên khoảng 57-60 triệu người trong năm 2022 (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022).

Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành. Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, đóng góp của kinh tế số cho GDP ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%. Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy SEA (do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện), kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực.

Mua hàng trên các kênh thương mại điện tử. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

SEA Games 31 thành công rực rỡ

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) là sự kiện đánh dấu Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Tác động của đại dịch khiến Việt Nam phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. 

Vượt lên trên ý nghĩa của một kỳ đại hội thể thao, SEA Games 31 đã trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị. Chủ đề của Đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã tỏa sáng và lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng đẹp, khó phai với thành viên các đoàn thể thao tham dự cũng như bạn bè quốc tế.

Đã có 1.759 huy chương được trao, trong đó có 525 huy chương Vàng, 522 huy chương Bạc và 712 huy chương Đồng; có 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với 205 huy chương Vàng; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.

Các thành viên đội tuyển Taekwondo thi đấu biểu diễn Quyền sáng tạo đồng đội ăn mừng khi giành Huy chương Vàng ngay trận đầu ra quân tại SEA Games 31, sáng 16/5. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều "đột phá mới"

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương.

Nổi bật là thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ và về phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm...

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ với 4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ với 4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ với 4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp; khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cả đương chức và nghỉ hưu.

Lần đầu tiên cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Ðảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh) được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Dẫn giải bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) tới phiên tòa ngày 6/6. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Tiếp tục khẳng định tiếng nói Việt Nam trên bình diện quốc tế

Trong năm 2022 đã có nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam.

Các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao trong năm qua cho thấy hoạt động đối ngoại sôi nổi và hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng thực chất và có chiều sâu hơn.

Trong đó, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10 đến 1/11).

Chuyến thăm tiếp thêm động lực, củng cố tình láng giềng hữu nghị, tăng cường tin cậy chính trị và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Bên cạnh đó là các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia... của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trong đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc (từ ngày 4 đến 6/12), hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Chuyến thăm chính thức Campuchia, tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao ASEAN, thăm chính thức Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN-EU của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...

Chuyến thăm Campuchia và dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), thăm Australia, thăm chính thức Philippines, New Zealand… của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Còn tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Ngày 13/6, Việt Nam được bầu là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 11/10, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng".

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 31/10 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục