Nhìn lại thế giới 2018: Khủng hoảng di cư tấn công châu Mỹ

Từ những đoàn lữ hành ở Trung Mỹ liều mạng tiến về phía Bắc cho đến cuộc di dân ồ ạt khỏi Venezuela, 2018 là một năm khủng hoảng di cư trên khắp châu Mỹ và vươn tới ngưỡng cửa của nước Mỹ.
Nhìn lại thế giới 2018: Khủng hoảng di cư tấn công châu Mỹ ảnh 1Người di cư Trung Mỹ tại khu vực biên giới giữa Mexicali, bang Baja California của Mexico và Calexico, California của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng AFP, từ những đoàn lữ hành ở Trung Mỹ liều mạng tiến về phía Bắc cho đến cuộc di dân ồ ạt khỏi Venezuela, 2018 là một năm khủng hoảng di cư trên khắp châu Mỹ và vươn tới ngưỡng cửa của nước Mỹ.

Cảnh tượng người tị nạn Syria và châu Phi liều mạng tìm đến các bờ biển châu Âu đã có cái gọi là Thế giới mới trong năm nay nhìn chung là người Trung Mỹ, những người đã di cư hơn 1 tháng ròng để đến biên giới Mỹ-Mexico, nhiều người còn mang theo trẻ nhỏ hoặc đặt chúng trong những chiếc xe đẩy.

Thực thi quan điểm chống lại người nhập cư vốn được cánh hữu châu Âu ủng hộ, Tổng thống Donald Trump gọi cuộc di cư này là một sự "xâm lược," tìm cách rà soát lại một cách tổng thể chính sách tị nạn và triển khai hàng nghìn binh lính tại biên giới.

Trong số những hình ảnh tồn tại dai dẳng nhất của 2018 là biển người di cư ngoan cường bước đi trong những chiếc dép xỏ ngón hay những đôi giày nhựa mỏng; Tiếng trẻ con khóc khi bị mang đi khỏi cha mẹ của chúng và nhốt trong những chiếc cũi, theo chính sách chia tách những gia đình không có giấy tờ tùy thân của chính quyền Donald Trump. Và hàng trăm người di cư tuyệt vọng đổ xô đến biên giới Mỹ-Mexico để rồi phải quay đầu vì hơi cay.

Những người Mỹ Latinh đã di cư đến Mỹ trong một thời gian dài - hàng năm có khoảng nửa triệu người từ Trung Mỹ tràn qua Mexico để theo đuổi giấc mơ Mỹ của họ - nhưng họ thường làm điều này một cách bí mật.

[Mỹ và Mexico cam kết giải quyết thách thức chung về vấn đề di cư]

Đây là lần đầu tiên Mỹ đối đầu với một làn sóng di cư lớn như vậy, dòng người ồ ạt đến từ Trung Mỹ, do những người trốn chạy khỏi đói nghèo và bạo lực đã sử dụng mạng xã hội để tự tổ chức các đoàn lữ hành, tìm kiếm sự bảo vệ khỏi tình trạng bắt cóc, giết người của các băng nhóm tội phạm mà chuyên nhằm vào người di cư.

Với Trump, làn sóng di cư này đã đóng vai trò như một thông điệp chính trị của ông tại thời điểm cao trào nhất của mùa bầu cử.

Trên trang tweeter đăng tải ngày 3/11, ba ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ, Trump viết: "Nếu bạn muốn bảo vệ tội phạm người nước ngoài - hãy bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Nếu bạn muốn bảo vệ luật pháp nước Mỹ trường tồn - hãy bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa!"

Đảng của Trump đã mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ mặc dù đảng Cộng hòa đã giành được một vài ghế tại Thượng viện, cho phép ông tuyên bố chủ nghĩa dân tộc của ông đã gây tiếng vang với các cử tri.

Đối mặt với thực tế chính trị mới, Trump đã đe dọa đóng cửa phần nào chính quyền liên bang bằng cách từ chối ký thông qua dự luật chi tiêu nếu Quốc hội không thông qua khoản ngân sách trị giá 5 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới mà ông rất muốn thực hiện.

Giáng sinh của Mỹ

Với dòng người di cư hiện đang ùn tắc ở biên giới, sự lựa chọn là rất ảm đạm: Gia nhập dòng người để vào Mỹ một cách hợp pháp và nộp đơn xin tị nạn dài hạn; Lén lút qua biên giới và hy vọng vào điều tốt đẹp; Định cư tại Mexico; Hoặc về nhà.

Tại Tijuana, bên kia biên giới nhìn từ San Diego, California (Mỹ), người di cư từ Hondurat, Elvin Perdomo - một trong hơn 7.000 người trong đoàn lữ hành lớn nhất - nhìn tha thiết sang phía bên kia biên giới.

Perdomo nói với AFP: "Tôi chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc được đón Giáng sinh ở phía bên kia biên giới, với gia đình tôi và một mái nhà."

Perdomo, 32 tuổi, đã di chuyển quãng đường 4.300km để tới đây, tuy nhiên anh không biết sẽ phải làm gì tiếp theo.

Dolores Paris Pombo, chuyên gia di cư thuộc trường Đại học Biên giới phía Bắc, ở Tijuana cho biết dù số lượng người tham gia là bao nhiêu đi chăng nữa thì những đoàn người lữ hành như vậy chắc chắn đã chứng tỏ một thực tế về những chính sách tị nạn đã lỗi thời vốn được thông qua ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai."

Công ước về người tị nạn năm 1951 được ký tại Geneva (Thụy Sỹ) chủ yếu giải quyết sự bức hại về chính trị, sắc tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, "có sự thay đổi rất lớn trong số những người tị nạn hiện nay vì tình trạng khẩn cấp gây ra bởi những vấn đề liên quan đến những nhân tố khác như đói nghèo, bạo lực và biến đổi khí hậu," bà nói.

Làn sóng di dân khỏi Venezuela

Tại Nam Mỹ, số người Venezuela bỏ chạy vì sự bất ổn kinh tế và chính trị của nước này đã tăng lên đến 2,3 triệu người kể từ năm 2015.

Một đất nước sản xuất dầu mỏ một thời thịnh vượng đã tiến sát đến bên bờ vực sụp đổ dưới thời Tổng thống cánh tả Nicolas Maduro, người đã đắc cử nhiệm kỳ 6 năm mới hồi tháng 5 vừa qua trong một cuộc bầu cử bị lên án rộng rãi là bất quy tắc.

Làn sóng di dân khỏi Venezuela đã gây căng thẳng trên khắp khu vực.

Tại Brazil, một đám đông tức giận tại thị trấn biên giới Pacaraima đã phóng hỏa đốt trại của người di cư Venezuela hồi tháng 8, xua đuổi 1.200 người.

Tại Peru, nơi 600.000 người Venezuela đã bỏ trốn, tháng trước chính phủ đã bắt đầu yêu cầu trình hộ chiếu của những người đi theo. Một tòa án đã ngăn cản một biện pháp tương tự tại Ecuador.

Carmen Fuenmayor, 57 tuổi, giáo viên, đã gia nhập dòng người di cư nhưng đã quay trở về Venezuela sau 9 tháng vật lộn để tìm việc.

Năm nay bà sẽ phải đón Giáng sinh một mình. Các con gái của bà vẫn ở Ecuador. "Chúng có cuộc sống riêng của chúng. Tôi quyết định sống một mình ở đây, tại Venezuela" - bà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.