Nhóm nghiên cứu mạnh: Cuộc cạnh tranh nhân tài của các trường đại học

Các trường đại học đang đẩy mạnh phát triển nhóm nghiên cứu mạnh để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, vị thế và thương hiệu. Cuộc cạnh tranh thu hút người giỏi vì thế cũng sôi động.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đang là xu hướng tất yếu để duy trì và phát triển của các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh đang là một xu hướng đi mạnh mẽ của các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, thu hút nhân tài, từ đó nâng cao thương hiệu và thu hút người học.

Xu thế tất yếu

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Đức Minh (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học có năng lực chuyên môn tốt, xây dựng được định hướng nghiên cứu chung, được tổ chức dẫn dắt bởi một nhà khoa học uy tín, đạt sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao.

Trong các trường đại học, nhóm nghiên cứu mạnh tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, khai thác tốt nguồn lực khoa học, là “đầu tàu,” hạt nhân, tiên phong trong hoạt động nghiên cứu. Các sản phẩm nghiên cứu chất lượng của nhóm không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng mà còn phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy trong nhà trường. Hoạt động của nhóm góp phần làm hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn.

Từ đó, nhóm nghiên cứu mạnh góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế, quảng bá hình ảnh và thương hiệu trường đại học...

Ông Minh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo luôn là vấn đề sống còn đối với mỗi trường đại học. Trong đó, một giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế thông qua việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.

“Đây chính là con đường mà các trường đại học lớn trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang thực hiện,” phó giáo sư Đỗ Đức Minh nói.

Với bối cảnh các trường đại học Việt Nam, ông Minh cho rằng, việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh càng có vai trò quan trọng khi vị thế quốc tế chưa cao, kinh phí lại eo hẹp. Do đó, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp việc đầu tư tập trung hơn, bớt dàn trải, cải thiện số lượng công trình công bố quốc tế, nâng cao vị thế.

Hội thảo về xây dựng cơ chế phát triển nghiên cứu khoa học, trong đó có vấn đề thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

'Cuộc đua' thu hút nhân tài

Thống kê của Đại học Khoa học Tự nhiên cho thấy, sau khi phát triển nhóm nghiên cứu thành nhóm nghiên cứu mạnh, số lượng công bố quốc tế của nhóm đã tăng trên 30%. Vì thế, thành lập và đầu tư nhóm nghiên cứu mạnh đang là một hướng đi được rất nhiều đại học Việt Nam đẩy mạnh. Các trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... đều thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh.

Không chỉ các trường đại học lớn mà các trường vùng, trường ngoài công lập cũng vào cuộc.

[Khoán sản phẩm để đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học]

Cuối năm 2018, Đại học Đồng Tháp quyết định thành lập nhóm nghiên cứu trọng điểm với nhiều quyền lợi, chính sách khuyến khích, đồng thời yêu cầu rất rõ về số bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín. Trên cơ sở đó, bốn nhóm nghiên cứu trọng điểm đã được thành lập, triển khai từ năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Đại học Đồng Tháp cho biết, là trường công lập chưa tự chủ tài chính nên trường đang gặp khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh chưa tương xứng với các sản phẩm nghiên cứu mà đội ngũ này tạo ra. Thành viên các nhóm nghiên cứu là giảng viên nên phải dành nhiều thời gian cho giảng dạy, thời gian nghiên cứu hạn chế.

Theo đó, Đại học Đồng Tháp đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và chế độ làm việc cho các nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường công lập.

Đại học Phenikaa công bố thành lập 8 nhóm nghiên cứu mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, tài chính lại là lợi thế của trường ngoài công lập. Mới đây, Đại học Phenikaa [Đại học Thành Tây-PV] đã công bố thành lập 8 nhóm nghiên cứu mạnh, gồm 7 nhóm nghiên cứu cơ bản và một nhóm nghiên cứu ứng dụng. Kết quả nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu mạnh được yêu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng công bố nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn và phát huy tối đa năng lực của các giảng viên, nhà khoa học trong trường.

Với lợi thế trường ngoài công lập, Phenikaa chi khá mạnh tay kinh phí đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, mua trang thiết bị... Cụ thể, mức kinh phí đầu tư cho trang thiết bị nói riêng của mỗi nhóm là 4 tỷ đồng cho ba năm đầu. Thậm chí, kinh phí là không hạn chế đối với những nhóm nghiên cứu có mục tiêu phát triển công nghệ ứng dụng.

Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được giao quyền chủ động tối đa trong việc phát triển hướng nghiên cứu và tuyển chọn nhân sự, nhưng phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của nhóm. Đại học này cũng có cả chế độ học bổng cho các thành viên hỗ trợ, không chủ chốt của nhóm nghiên cứu mạnh như các thực tập sinh, nghiên cứu sinh, thạc sỹ...

[Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học]

Giáo sư Nguyễn Đức Chiến, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sự đầu tư của Đại học Phenikaa cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, đào tạo của trường.

“Các tiêu chí họ đặt ra cho các trưởng nhóm, các thành viên chủ chốt là rất cao, yêu cầu về hiệu quả chất lượng công việc rất rõ ràng nhưng cơ chế làm việc cũng rất tốt và có sự tự chủ nhất định. Vì thế, đã thu hút được những nhà khoa học xuất sắc làm trưởng nhóm,” ông Chiến nhận định.

Sự vào cuộc của các trường ngoài công lập mạnh về tài chính, thoáng về cơ chế đã tạo áp lực với các trường công lập, nhất là trong việc cạnh tranh thu hút người giỏi. Trong khi đó, nhân lực giỏi là yếu tố cốt lõi, sống còn của các nhóm nghiên cứu mạnh.

Theo giáo sư Trần Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), thu hút nhân tài là thách thức lớn đang được đặt ra với các nhóm nghiên cứu của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Các trường đều phải đầu tư hơn nữa về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu, cơ hội phát triển... để giữ chân và thu hút người tài.

“Là trưởng một nhóm nghiên cứu mạnh, tôi thấy đây thực sự là vấn đề rất lớn. Ví dụ ở Đại học Quốc gia Hà Nội, để giữ chân được người tài, phải tính đến việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc,” ông Đức khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục