Nhóm xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần

Những mã trong nhóm ngành xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần qua và có tỷ lệ tăng giá vượt trội so với phần còn lại của bảng xếp hạng.
Nhóm xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Những mã trong nhóm ngành xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần qua và có tỷ lệ tăng giá vượt trội so với phần còn lại của bảng xếp hạng.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 20/11 cho thấy, trên sàn HoSE, mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước giữ vị trí quán quân.

Công ty thuộc nhóm bất động sản này đã có trọn vẹn 1 tuần tăng giá trong đó có 2 phiên tăng kịch trần. Tỷ lệ tăng giá của DRH được ghi nhận ở mức trên 22%.

Trong báo cáo mới nhất gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, DRH cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay của công ty đạt 6,6 tỷ đồng, tăng tới 261% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân được DRH giải trình do đơn vị ghi nhận lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khu Nam Cần Thơ. Trong quý 3, tổng doanh thu của DRH đạt 31,37 tỷ đồng trong đó doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đã đóng góp 22,95 tỷ đồng.

Đứng sau DRH, mã SPM của Công ty cổ phần SPM có tỷ lệ tăng giá hơn 17% là mã ở vị trí á quân. Giống như DRH, SPM có tròn 5 phiên nhuộm sắc xanh và có thêm tổng cộng 2.600 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, thông tin trong quý 3 của SPM cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này đều giảm so với quý 3 năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu của SPM đạt hơn 154 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, thấp hơn con số trên 178 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế được SPM tính toán là trên 3,2 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này sụt giảm khá nhiều so với ngưỡng trên 13 tỷ đồng trong quý 3 năm 2014.

Nhóm xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã DHM sau 1 tuần tăng nóng đã quay đầu lao dốc tiếp trong các phiên giao dịch tuần này. Ngoài 1 phiên tăng giá duy nhất ngày 17/11, DHM có 1 phiên đi ngang và lao dốc trong 3 phiên còn lại. DHM qua đó đã giảm gần 13% và đứng ở vị trí số 3 nhóm giảm giá.

Thông tin mới nhất liên quan tới DHM là công bố lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt trên 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 607 triệu đồng của cùng kỳ năm của đơn vị này.

Giải trình cho kết quả trên, đại diện DHM cho rằng, quý 3 năm nay, mặt hàng truyền thống của công ty là thiết bị điện, vật liệu chịu lửa đã ổn định và tăng trưởng trở lại.

Ngoài ra, các khoản chi phí trên tổng doanh thu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 3,21% theo DHM đã giúp công ty có lợi nhuận sau thuế tăng tới hơn 527% so với cuối quý 3 năm 2014.

Mất giá nhiều nhất trên sàn HoSE là mã KAC của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An với tỷ lệ giảm giá gần 29%. Đây là kết quả sau khi KAC nện sàn liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất.

Về KAC, trong quý 3, đơn vị này báo cáo không có doanh thu trong khi vẫn phải chi hơn 1 tỷ đồng cho các khoản chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp. Kết quả, KAC phải chấp nhận mức lỗ trên 1,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ của KAC chỉ là trên 671 triệu đồng.

Bên sàn HNX, mã BED sau nhiều tuần chiếm ngôi quán quân đã nhường chỗ cho mã SJC của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01.

SJC chỉ có 1 phiên duy nhất giảm nhẹ giữa tuần, còn lại 4 phiên SJC đều nhuộm sắc tím. Sau 5 phiên, mã này đã có thêm 1.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng giá gần 36%.

Theo báo cáo quý 3 của SJC, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt trên 263 triệu đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm tới hết quý 3, mức lãi của SJC là gần 396 triệu đồng.

Đứng vị trí thứ 2 là mã MCC của Công ty cổ phần Gạch ngói cao cấp. Trong tuần này, MCC có 2 phiên đi ngang cuối tuần. Tuy nhiên, với 3 phiên còn lại tăng giá, mã này vẫn có thêm 4.700 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ trên 28%.

Tình hình kinh doanh trong quý 3 của MCC cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Doanh thu của đơn vị này đã đạt gần 12 tỷ đồng, tăng so với mức trên 10,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Có doanh thu tăng, giá vốn bán hàng của MCC trong quý này lại giảm so với quý 3 năm ngoái, điều này giúp lợi nhuận của MCC trong quý cao hơn hẳn so với năm ngoái.

Theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý là gần 3,2 tỷ đồng, cao hơn mức lãi trên 1,6 tỷ đồng của quý 3 năm 2014.

Nhóm xây dựng và bất động sản liên tiếp tăng nóng trong tuần ảnh 3

Về những mã giảm giá, mã HKB của Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc là cái tên đứng đầu của nhóm. Sau 5 phiên giao dịch, HKB có 4 phiên lao dốc và đánh rơi 4.700 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 25%.

Tình hình kinh doanh của HKB trong báo cáo gần đây cho thấy sự đi xuống về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu quý 3 của HKB chỉ là hơn 21 tỷ đồng, thấp hơn mức 43 tỷ đồng của quý 3 năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của công ty được tính toán là hơn 211 triệu đồng, sụt giảm mạnh so với năm trước. Theo giải trình của HKB, việc sụt giảm trên do tái cấu trúc ngân hàng đã ảnh hưởng tới nguồn vốn lưu động ngắn hạn của doanh nghiệp.

Được biết, phía HKB đã có thông báo mời họp đại hội cổ đông bất thường tới các cổ đông vào 1/12 tới.

Đứng sau HKB là mã SDG của Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ với mức giảm gần 19%.

Cũng giống như HKB, về kết quả kinh doanh quý 3 của SDG đang cho thấy sự sụt giảm.

Mặc dù doanh thu của SDG đạt gần 67 tỷ đồng, xấp xỉ bằng mức doanh thu quý 3 năm ngoái nhưng các khoản chi phí năm nay đã tăng đáng kể.

Lợi nhuận sau thuế qua đó chỉ được ghi nhận ở mức gần 593 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số trên 2,6 tỷ đồng trong quý 3 năm 2014./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục