Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ kéo dài đến khi nào?

UBS dự kiến giá vàng đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025, khuyến nghị phân bổ 5% cho vàng trong danh mục đầu tư cân bằng tính bằng USD của các nhà đầu tư cá nhân.
Vàng thanh tại Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc ở Prague. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo được công bố tuần này, ngân hàng UBS đã nhấn mạnh sự quan tâm của các ngân hàng trung ương trên thế giới đối với vàng.

Báo cáo cho rằng, hoạt động mua vàng ồ ạt từ phía các ngân hàng đóng vai trò như một “chốt chặn” chống lạm phát.

Vàng được coi là công cụ đa dạng hóa đầu tư trong thời kỳ căng thẳng thị trường, đồng thời là một tài sản đáng tin cậy trong thời kỳ biến động kinh tế.

Sau cuộc xung đột ở Ukraine và khoảng 300 tỷ USD tài sản nước ngoài của Nga bị đóng băng, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở những nước nhỏ dễ bị trừng phạt bởi phương Tây, đã tăng cường dự trữ vàng.

Mặc dù không ảnh hưởng ngay lập tức đến hiện trạng của hệ thống tài chính dựa trên đồng USD, nhưng xu hướng này lại báo hiệu sự thay đổi trong nhận thức về chủ quyền của ngân hàng trung ương và góp phần nêu bật nhu cầu cải cách hệ thống tài chính quốc tế.

Tính đến cuối năm 2023, dự trữ vàng đạt khoảng 37.000 tấn, chiếm 16,7% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Các nước phát triển nắm giữ dự trữ lớn nhất, trong đó Mỹ, Đức, Italy và Pháp dẫn đầu.

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi cũng đang nhanh chóng tích lũy vàng. Sự gia tăng đáng kể được ghi nhận ở Nga và Trung Quốc, theo các chiến lược gia của UBS.

Những giao dịch mua này là một phần trong xu hướng rộng hơn nhằm đa dạng hóa tài sản và giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền lớn như đồng USD, euro, yen Nhật Bản và bảng Anh.

Khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đối với các nhà quản lý dự trữ cho thấy giá trị dài hạn của vàng, với vai trò như một “chốt chặn” chống lại lạm phát và không có rủi ro đối tác, là lý do chính dẫn đến hoạt động tích trữ ồ ạt.

Hơn nữa, tính thanh khoản cao của vàng và việc không có rủi ro vỡ nợ cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh nợ công tăng mạnh.

Sự khác biệt trong các báo cáo về hoạt động mua vàng giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nguồn khác như Metals Focus đã nêu bật tính nhạy cảm của việc tiết lộ về dự trữ vàng, cùng khả năng các báo cáo không thể phản ánh hết toàn bộ hoạt động mua vàng của các quỹ đầu tư quốc gia.

Các mô hình lịch sử cho thấy hành động của ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng. So sánh động lực của hiện tại với giai đoạn giữa những năm 1960, khi các ngân hàng trung ương bán vàng để duy trì chế độ bản vị vàng, thị trường ngày nay thanh khoản hơn và đa dạng hơn.

UBS nhận định: "Trong thời gian tới, nhu cầu về vàng sẽ có sự hỗ trợ vững chắc từ các ngân hàng trung ương. Một yếu tố bổ sung có thể là triển vọng về xu hướng đồng USD yếu hơn.

Các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi có xu hướng can thiệp vào thị trường tiền tệ khi đồng tiền của họ tăng giá so với đồng USD.”

Với việc các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi có thể tăng cường nắm giữ ngoại tệ để can thiệp vào thị trường tiền tệ, họ có thể sẽ cần mua thêm vàng.

UBS duy trì triển vọng tích cực về vàng. Theo ngân hàng này, các yếu tố như nhu cầu của ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao và khả năng lãi suất của Mỹ thấp hơn sẽ hỗ trợ thị trường kim loại quý.

Ngân hàng của Thụy Sĩ dự kiến giá vàng sẽ đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025, với khuyến nghị phân bổ 5% cho vàng trong danh mục đầu tư cân bằng tính bằng USD của các nhà đầu tư cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục