Nhu cầu rượu vang toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm do giá cao

Căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối cao hơn, khiến giá rượu vang tăng vọt, kéo theo nhu cầu sụt giảm.
Rượu vang tại một kho chứa ở Ay, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/4, Tổ chức Nho và Rượu vang quốc tế (OIV) cho biết nhu cầu rượu vang toàn cầu trong năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996 do lạm phát đẩy giá mặt hàng này tăng lên mức cao kỷ lục, tác động đến người tiêu dùng vốn đang đối mặt với tình trạng sức mua thấp hơn.

OIV, trụ sở tại Paris (Pháp), ước tính rằng trong năm 2023, thế giới đã tiêu thụ 221 triệu hectolit (mhl) rượu vang, giảm 2,6% so với năm trước đó và giảm 7,5% so với năm 2018.

Theo OIV, căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối cao hơn, khiến giá rượu vang tăng đáng kể, từ đó làm giảm nhu cầu chung.

Đặc biệt, nhu cầu tại Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm mạnh, ước tính giảm 25%.

Tổng giám đốc OIV John Barker cho rằng mặc dù mức tiêu thụ rượu vang của Trung Quốc đã tăng mạnh vào đầu thế kỷ này khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhưng nhu cầu đã giảm hơn 60% trong 5 năm qua, xuống 6,8 mhl do các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và áp lực giá cả có xu hướng ảnh hưởng lớn hơn đến các thị trường trẻ hơn như Trung Quốc.

Theo OIV, về mặt thương mại, tổng khối lượng giao dịch rượu vang đã giảm 6,3% xuống 99 mhl nhưng về giá trị chỉ giảm 4,7% xuống 36 tỷ euro (38,6 tỷ USD) do giá trung bình của một lít rượu vang đạt mức cao kỷ lục.

OIV tiếp tục hạ ước tính sản lượng rượu vang năm ngoái xuống 237 mhl so với ước tính ban đầu 244 mhl công bố vào tháng 11/2023, thấp hơn 10% so với sản lượng năm 2022 và là mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua.

Sản lượng giảm được cho là do thời tiết xấu như sương giá, mưa lớn và hạn hán cùng với bệnh nấm lan rộng ở cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Italy vốn nổi tiếng có truyền thống sản xuất rượu vang lâu đời và là nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới nhưng trong năm ngoái, sản lượng đã giảm hơn 23% so với năm trước đó, xuống 38,3 mhl, mức thấp nhất kể từ năm 1950, theo đó đánh mất vị trí dẫn đầu về sản xuất rượu vang vào tay Pháp.

Đối với năm nay, các ước tính sơ bộ cho thấy hai nước sản xuất rượu vang lớn nhất ở Nam bán cầu là Australia và Argentina sẽ phục hồi sản lượng sau khi giảm mạnh vào năm ngoái nhưng vẫn sẽ thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2018/2023 lần lượt là 4% và 6%.

Mùa Xuân lạnh giá và thu hoạch muộn cũng sẽ khiến Chile sản xuất ít rượu vang hơn trong năm thứ ba liên tiếp, giảm trung bình 17%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục