Ngày 26/11, tờ Business Times (Singapore) đăng bài viết của tác giả Virginie Mangin, nhận định về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020. Theo đó, Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương trong năm nay.
Các nhà phân tích cũng bày tỏ lạc quan về viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021, ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng khoảng trên 8%.
Mặc dù vậy, còn nhiều câu hỏi đặt ra về sự phục hồi kinh tế bền vững do hàng hóa tồn kho tiếp tục gia tăng và ngày càng nhiều thêm các khoản nợ trái phiếu tích tụ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã ghi nhận GDP quý I/2020 sụt giảm kỷ lục 6,8%. Ước tính khoảng 230 triệu người dân nước này đã mất việc làm trong tháng 2/2020, trong bối cảnh Trung Quốc bắt buộc phải đóng băng, tạm dừng hoạt động kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sau giai đoạn này, sự phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V đã diễn ra trên toàn bộ nền kinh tế, từ thương mại đến sản xuất và đầu tư, và hiệu ứng tích cực đang lan đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Lĩnh vực dịch vụ cũng đang trên đà vượt mức trước khi diễn ra COVID-19, được thể hiện qua các số liệu về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ mới nhất.
[Con át chủ bài giúp Trung Quốc tăng bậc trên nấc thang kinh tế]
Chuyên gia kinh tế Andy Rothman, nhà phân tích về Trung Quốc thuộc Matthews Asia, cho biết, "hình ảnh những người xếp hàng dài bên ngoài các nhà hàng nổi tiếng đã quay trở lại ở Trung Quốc.”
Theo ông Rothman, với việc đại dịch COVID-19 phần lớn được kiểm soát, cuộc sống bình thường ở Trung Quốc đã dần trở lại kể từ tháng 3/2020, và tháng 9/2020 là tháng thứ bảy liên tiếp của sự phục hồi kinh tế hình chữ V.
Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, vì vậy điều quan trọng chính là việc chi tiêu của người tiêu dùng đã gia tăng trở lại.
Yếu tố dẫn tới những thành quả như vậy một phần là do mức độ nghiêm túc trong việc thực thi các mệnh lệnh phong tỏa mà Trung Quốc áp đặt cũng như các biện pháp nghiêm ngặt mà Trung Quốc đã thực hiện kể từ đó.
Các cửa khẩu biên giới ít nhiều vẫn bị đóng cửa kể từ tháng 3/2020, và việc cách ly bắt buộc trong hai tuần đối với tất cả khách du lịch đến đã giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Một số đợt bùng phát ở địa phương đã xảy ra trong những tháng qua, dẫn tới việc phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt và cách ly bất kỳ trường hợp nào được phát hiện. Điều này đã góp phần ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh thứ hai hiện đang làm tê liệt nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu.
Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa ở nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu lại có thời gian ngắn hơn và ít nghiêm ngặt hơn. Các trường học ở Trung Quốc vẫn đóng cửa từ tháng 7/2020 cho đến cuối năm nay, trong khi hầu hết các trường học ở châu Âu đã mở cửa trở lại vào tháng 5/2020.
Chỉ số phong tỏa hiệu quả, được Goldman Sachs đưa ra để đánh giá mức độ hiệu quả trong các biện pháp ứng phó với COVID-19 của các quốc gia, cho thấy rằng việc phong tỏa, đóng cửa càng mạnh mẽ, nghiêm ngặt, khắc nghiệt vào tháng 2/2020 thì sự phục hồi kinh tế càng mạnh vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, theo Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Capital Economics, cho biết cú sốc tiêu cực đối với thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ do đại dịch COVID-19 hiện đã “đảo ngược hoàn toàn.”
Theo chuyên gia này, lĩnh vực tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới, do số tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình đã tích lũy từ đầu năm nay.
Ông Julian cho rằng các chính sách tài khóa có tính hỗ trợ sẽ duy trì hoạt động mạnh mẽ trong ngành công nghiệp và xây dựng cho đến ít nhất là vào đầu năm 2021.
Mặc dù các lệnh phong tỏa mới ở các nước bên ngoài đặt ra những rủi ro suy giảm đối với xuất khẩu, nhưng ông Julian nhận định rằng nhu cầu đối với các loại hàng hóa mà Trung Quốc sản xuất sẽ phục hồi một cách tương đối trong những trường hợp như vậy. Ông Julian cũng kỳ vọng về một giai đoạn tăng trưởng kinh tế “vượt trên xu hướng” trong những quý tới.
Quy mô nền kinh tế cũng rất quan trọng. Với hơn một tỷ người tiêu dùng Trung Quốc có nghĩa là không giống như các nước nhỏ hơn, nước này có thể có đủ khả năng duy trì tình trạng đóng cửa trong ngắn hạn.
Các số liệu mới nhất về du lịch và doanh số bán lẻ cho thấy ngành du lịch địa phương đang bùng nổ với tỷ lệ lấp đầy các khách sạn hàng đầu đạt gần 90%.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở trong biên giới của Trung Quốc và chi tiêu ngay tại Trung Quốc vào những gì họ thường chi tiêu ở nước ngoài, đặc biệt là cho các mặt hàng xa xỉ.
Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Trung Quốc. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18% trong tháng 10/2020. Dữ liệu do Ngân hàng Natixis tổng hợp cho thấy hoạt động đầu tư tăng mạnh nhất trong các lĩnh vực như bất động sản, công nghệ thông tin liên lạc, thương mại điện tử và các ngành tiêu dùng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc chính là “bức tranh” đằng sau các số liệu chính thức. Trong khi sự phục hồi là tương đối rõ nét thì tình hình thực tế cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Theo các quan chức nước này, tăng trưởng quý 3/2020 của Trung Quốc đạt 4,9%. Logan Wright, nhà phân tích về Trung Quốc của Rhodium Group, bản thân số liệu này không cho thấy kết quả gần với tốc độ phục hồi.
Trong một báo cáo của mình, Rhodium Group chỉ ra nhiều điểm không nhất quán bao gồm tốc độ phục hồi GDP của ngành thứ cấp tăng nhanh hơn 5 năm trước trong khi đầu tư vào tài sản cố định trong cùng ngành lại giảm.
Số liệu thất nghiệp chính thức cũng đáng nghi ngờ, với sinh viên tốt nghiệp phải nhận công việc giao hàng được trả lương thấp và nhiều lao động nhập cư phàn nàn về việc vẫn không thể tiếp tục làm việc.
Ngoài ra, câu chuyện thành công của Trung Quốc cũng làm nổi bật những vấn đề mất cân bằng trước đây trong nền kinh tế - bao gồm cả việc phụ thuộc quá nhiều vào nợ dẫn đến sự kém hiệu quả ngày càng tăng.
Hiện nay, biện pháp kích thích kinh tế do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc vẫn là một vấn đề đáng chú ý, mặc dù các con số này không bằng các gói kích thích kinh tế được giải ngân trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Theo ông Wright, áp lực từ nợ cũng tăng lên khi các khoản tín dụng được phân bổ cho khu vực công kém hiệu quả và hàng tồn kho tích tụ. Sự phục hồi hiện đang mất dần do tốc độ xây dựng bất động sản chậm lại và tiêu thụ yếu hơn so với sản lượng công nghiệp, trong khi nợ tăng cao đang trở nên khó quản lý đối với nhiều doanh nghiệp và các chính quyền địa phương.
Tuần trước, Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký một số lượng lớn các vụ vỡ nợ trái phiếu bao gồm tập đoàn Tsinghua Unigroup và Yongcheng Coal & Power Holding Group. Từ ngày 9/11-16/11, các đợt phát hành trái phiếu trị giá tổng cộng 25,31 tỷ NDT (3,8 tỷ USD) đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Sự mất cân đối cũng đang hiển thị trên số liệu lạm phát. Sự phục hồi do nguồn cung dẫn dắt đã gây áp lực giảm phát khi các nhà máy gia tăng lượng hàng tồn kho và giảm giá hàng hóa.
Không thể phủ nhận, kinh tế Trung Quốc đang có phần vượt trội hơn Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, tình hình gần đây cho thấy rằng tác động của dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài./.