Những câu hỏi lớn đưa ra sau khi Nhà Vua Thái Lan băng hà

Việc Đức vua Bhumibol Adulqua qua đời và cuộc chuyển giao quyền lực có thể trở thành bước ngoặt ở một quốc gia hiện dưới quyền của chính quyền quân sự và từ lâu đã bị chia rẽ.
Những câu hỏi lớn đưa ra sau khi Nhà Vua Thái Lan băng hà ảnh 1Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej (trái), Hoàng Thái tử Maha Vajralongkorn và Hoàng hậu Sirikit tại thủ đô Bangkok ngày 5/12/1999. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đức vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan, một trong những vị quân chủ trị vì với thời gian dài nhất trong lịch sử, đã băng hà hôm 13/10 ở tuổi 88.

Theo New York Times, việc ông qua đời, và cuộc chuyển giao quyền lực, có thể trở thành bước ngoặt ở một quốc gia hiện dưới quyền của chính quyền quân sự và từ lâu đã bị chia rẽ bởi các phe phái chính trị.

Nhà vua có quyền lực gì?

Là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội, vua Bhumibol chuẩn y các quyết định bổ nhiệm những quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội.

Chính quyền quân sự nắm quyền ở nước này từ cuộc đảo chính 2 năm trước, được Nhà Vua xác nhận tính hợp pháp.

Nhà vua là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia và được người dân Thái Lan rất mực kính yêu. Ảnh chân dung của ông treo khắp các tòa nhà, trường học, và đường cao tốc trên cả nước.

Ai là người kế vị

Maha Vajiralongkorn, 64, được vua King Bhumibol phong thái tử năm 1972. Là con trai duy nhất của nhà vua, ​Hoàng ​Thái tử Vajiralongkorn bị đánh giá là một kẻ ham chơi bời.

Chính tai tiếng này làm dấy lên đồn thổi rằng cuộc đảo chính năm 2014 là một nỗ lực của quân đội nhằm siết chặt quyền kiểm soát với chính quyền để đảm bảo lễ đăng cơ của thái tử diễn ra êm ả.

Lập trường của quân đội ra sao?

Năm 2014, quân đội lật đổ chính quyền được dân bầu lần thứ hai trong một thập niên và đình chỉ phần lớn các điều khoản trong hiến pháp.

Tướng Prayuth Chan-ocha được đưa lên làm thủ tướng, một động thái được nhà vua ủng hộ. Cuộc đảo chính được coi là một chiến thắng cho giới tinh hoa chính trị và thất bại với phong trào dân túy.

Vào tháng 8, các cử tri ủng hộ hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo, theo đó giảm quyền lực của các đảng chính trị và giao cho quân đội quyền bổ nhiệm các thành viên Thượng viện.

Chính quyền quân sự cũng hạn chế tụ tập chính trị đông người và chỉ trích nhà nước trong những tháng trước cuộc bỏ phiếu.

Tiếp theo là gì?

Tướng Prayuth tuyên bố sau khi nhà vua băng hà rằng các quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sẽ bắt đầu quốc tang một năm kể từ 14/10.

Thái Lan sẽ treo cờ rủ trong 30 ngày, và ông khuyến cáo công chúng hạn chế tiệc tùng trong dịp này.

Hiện chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch cho thái tử đăng cơ, nhưng tướng Prayuth nói với các phóng viên hôm 13/10 rằng thái tử chưa muốn lên ngôi ngay, mà muốn “dành thời gian cho tang lễ, cùng với người dân Thái Lan” trước khi bước lên ngai vàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục