Những chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Đà Nẵng

Trong giai đoạn khó khăn nhất, tập thể nhân viên của Bệnh viện C Đà Nẵng đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, cùng sát cánh vượt qua mọi áp lực, làm việc với cường độ liên tục để kiểm soát dịch COVID-19.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Thận nhân tạo- Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Vào những ngày cuối tháng 7/2020, Bệnh viện C Đà Nẵng trở thành tâm điểm của cả nước, bởi đây là nơi phát hiện bệnh nhân dương tính COVID-19 cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch thứ 2.

Cũng chính lúc đó, Bệnh viện C Đà Nẵng đã kích hoạt khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân buộc phải cách ly tại Bệnh viện.

Vượt qua nỗi sợ, lo lắng, áp lực thời gian… tất cả thành viên của Bệnh viện C Đà Nẵng đã bình tĩnh, phối hợp nhịp nhàng thực hiện thành công nhiệm vụ kép vừa thực hiện các biện pháp cách ly hiệu quả vừa phải điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, xây dựng phòng tuyến vững chắc, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Kích hoạt biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Hồi tưởng về giây phút đầu tiên khi Bệnh viện C Đà Nẵng phát hiện ca dương tính COVID-19 cộng đồng, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng Võ Đắc Truyền chia sẻ: “Sau khi có kết quả khẳng định bệnh nhân 416 dương tính với COVID-19, sáng 24/7, Bệnh viện C Đà Nẵng đã kích hoạt nhanh chóng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện buộc phải cách ly tại chổ. Ban giám đốc bệnh viện khẩn trương phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng nhân viên, trấn an cho người bệnh.”

Được giao nhiệm vụ triển khai các biện pháp, hướng dẫn cách ly, bác sỹ Nguyễn Thị Anh Thư, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện C Đà Nẵng kể lại: “Khi có thông tin ca bệnh dương tính với COVID-19, Bệnh viện C Đà Nẵng đã nhanh chóng thiết lập khu cách ly. Tôi được Ban giám đốc Bệnh viện giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch, báo cáo, hướng dẫn về việc xây dựng khu cách ly. Đây là lần đầu tôi thực hiện công việc này nên gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Đặc biệt, với thời gian ngắn tôi phải khẩn trương thiết lập xong khu cách ly, đảm bảo việc cách ly được an toàn. Tất cả các chỉ đạo của các đoàn chuyên gia Bạch Mai, Bộ Y tế… tôi phải bám sát, liên tục thông báo kịp thời cho toàn bệnh viện về quy trình. Mặt khác, khu cách ly được thiết lập làm sao để đảm bảo đời sống của nhân viên y tế và công tác chuyên môn, điều trị, chăm sóc bệnh nhân vẫn phải diễn ra. Mọi ứng dụng công nghệ, thông tin đều được sử dụng tối đa, đặc biệt các cuộc hội chẩn diễn ra linh hoạt thông qua mạng xã hội…”

Chị Anh Thư cho hay, thời điểm đó mọi nhân viên của bệnh viện đều được huy động gần như 100%. Công việc của mỗi người cũng phải làm gấp đôi bình thường, ai cũng phải nâng hết công suất. Mọi người như chạy đua với thời gian và sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Trong hoàn cảnh đó, Ban giám đốc Bệnh viện đã bình tĩnh điều hành, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đến từng phòng bệnh trấn an tâm lý cho bệnh nhân, nói rõ cho bệnh nhân biết tình hình để họ yên tâm, thoải mái điều trị…

Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng đang họp giao ban. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Bác sỹ Võ Đắc Truyền nhận định, thành công nhất của Bệnh viện C Đà Nẵng là ý thức về phòng chống dịch của Bệnh viện được nêu cao từ trước khi có dịch COVID-19 bùng phát. Thực hiện cách ly ngay khi bệnh nhân nghi mắc COVID-19 nhập viện, chính vì vậy dịch bệnh COVID-19 không lây lan ở Bệnh viện.

Những "chiến binh áo trắng" luôn đối mặt với hiểm nguy

Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viên C Đà Nẵng là khoa tiếp nhận, thu dung bệnh nhân nặng, những bệnh nhân này rất dễ tổn thương nếu mắc COVID-19.

Trước tình hình có bệnh nhân COVID-19 được phát hiện tại bệnh viện, toàn thể các nhân viên của khoa được huy động, tình nguyện ở lại trực tại bệnh viện 24/24 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Trải qua thời gian khó khăn, đối mặt với những hiểm nguy của dịch bệnh, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng bồi hồi, nhớ: “Trong giai đoạn cao điểm đó, khoa bệnh có 36 bệnh nhân điều trị cùng với người nhà phải cách ly tại Bệnh viện. Ngoài vấn đề chuyên môn, chúng tôi phải thực hiện chăm sóc bệnh nhân tại chỗ, cung cấp đầy đủ các phần ăn hàng ngày. Lúc đó, sợ nhất là xảy ra tình huống bệnh nhân bị lây chéo, không thể kiểm soát được. Tuy vậy, nhờ vào các biện pháp cách ly, phân luồng phù hợp nên việc lây chéo đã không xảy ra.”

[Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh những thành tựu y khoa nổi bật nhất]

Ngay sau khi bệnh viện gỡ cách ly, làm sạch, các y, bác sỹ khoa Thận nhân tạo-Lọc máu của Bệnh viện C lại tiếp tục đối diện với những căng thẳng, áp lực khác.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Khi bệnh viện hoạt động trở lại, lượng bệnh nhân của tuyến dưới chuyển lên nhiều. Để phòng chống dịch chúng tôi phải sát khuẩn phòng bệnh, làm sạch giường bệnh mỗi khi có bệnh nhân mới. Công việc của chúng tôi thường xuyên kết thúc vào 12 giờ đêm, công suất phải tăng gấp đôi nhằm phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân. Đặc biệt, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, tuy vậy anh em y, bác sỹ vẫn luôn vững vàng tâm lý, yên tâm điều trị bệnh nhân. Xem bệnh viện như là nhà, bệnh nhân là người thân, dù có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đều luôn vui vẻ, lạc quan và cống hiến hết sức mình để chữa trị cho bệnh nhân.”

Chị Trần Thị Hoa, Điều dưỡng Trưởng, Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng đang chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Cùng ăn, cùng ở với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân từ giấc ngủ cho đến bữa ăn, với lượng việc lớn, luôn chịu áp lực, tuy vậy các điều dưỡng tại Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu vẫn tận tụy với công việc, ân cần với từng người bệnh.

Chị Trần Thị Hoa, Điều dưỡng Trưởng Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng vui vẻ nói: “Trong thời gian Bệnh viện C Đà Nẵng bị phong tỏa, một số bệnh nhân không có người thân bên cạnh, vì vậy nhân viên điều dưỡng của khoa đã thay người nhà chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên động viên, an ủi bệnh nhân để bệnh nhân vượt qua giai đoạn bệnh tật.”

Chị Hoa cho hay, chị làm điều dưỡng được 23 năm, nhưng chưa đối diện với hoàn cảnh khó khăn nào như giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát. “Trước mọi khó khăn tôi luôn lạc quan, tập trung làm việc, ăn uống đầy đủ, đảm bảo sức khỏe để chăm lo cho bệnh nhân. Xác định làm điều dưỡng thì lúc nào cũng phải yêu nghề mới có thể tận tâm được. Rất may trong những thời điểm áp lực nhất tôi đều có hậu phương vững chắc ủng hộ, cổ động tinh thần,” chị Hoa tâm sự.

Khó khăn đổi lấy quả ngọt

Bệnh nhân Vũ Quang Đại (58 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng) điều trị tại Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng được 3 tháng, ông Đại được bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp theo dõi, khám bệnh.

Ông Quang xúc động bày tỏ: “Tôi rất biết ơn những bác sỹ, điều dưỡng đã điều trị, chăm sóc tôi. Tất cả các bác sỹ ở đây rất nhiệt tình, đặc biệt, bác sỹ Tuấn ngày nào cũng đến kiểm tra, hỏi thăm, động viên tôi. Vào chạy thận trong này, tôi rất yên tâm bởi quy trình phòng chống COVID-19 được thực hiện rất nghiêm ngặt.”

Cùng chung nhận xét với ông Đại, chị Ngô Hoàng Quỳnh (43 tuổi) là bệnh nhân 659 mắc COVID-19 được chuyển từ Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng đến điều trị tại khoa, chị Quỳnh cho hay: “Các bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện rất nhiệt tình, có mặt mọi lúc khi bệnh nhân cần. Mặc dù tôi từng nhiễm bệnh COVID-19, nhưng các y, bác sỹ của bệnh viện không e ngại và rất vui vẻ, trò chuyện, động viên an ủi tôi.”

Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng Võ Đắc Truyền chia sẻ: “Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục cống hiến hết mình vì người bệnh, vì thành phố Đà Nẵng thân yêu. Dù có khó khăn, gian khổ đến mấy thì chúng tôi cũng sẽ vượt qua. Hạnh phúc, niềm vui của chúng tôi chính là sự khỏe mạnh của người bệnh.”

Trong giai đoạn khó khăn nhất, tập thể nhân viên của Bệnh viện C Đà Nẵng đã cùng nhau sát cánh, vượt qua mọi áp lực. Họ đã căng mình đối đầu với dịch bệnh, làm việc với cường độ liên tục, quên đi gia đình, người thân, hy sinh bản thân để tập trung vào công việc.

Dù nguy hiểm luôn ẩn hiện xung quanh nhưng những “chiến binh áo trắng” không nản chí, họ vẫn cống hiến hết sức lực, tận tụy, ân cần chăm sóc bệnh nhân, làm đúng lời Bác dạy "Lương y như từ mẫu”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục