Theo trang mạng straitstimes.com, vào thời điểm toàn cầu hóa và hợp tác đa phương đang chịu nhiều áp lực, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn Quốc đang dẫn đầu để đẩy lùi những “cơn thủy triều” bởi họ thấy những lợi ích của việc kết nối rộng lớn hơn.
Đó là nhận xét của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc diễn ra hôm 26/11 tại Busan (Hàn Quốc).
Ông cho biết những tiến bộ đạt được trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và việc nối lại các cuộc đàm phán thỏa thuận dịch vụ hàng không ASEAN-Hàn Quốc là một minh chứng cho cam kết của cả hai bên để tiến tới mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Ông kêu gọi hai bên tăng cường Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc và hợp tác trong các lĩnh vực mới như thành phố thông minh, nền kinh tế kỹ thuật số và an ninh mạng.
Hàn Quốc, 10 thành viên của ASEAN và 4 quốc gia khác - bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand - đã hoàn tất các cuộc đàm phán về toàn bộ 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường của RCEP hồi đầu tháng 11 này.
Chiếm tổng cộng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, RCEP ngang tầm với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU). Ca ngợi đây là một “thành tựu quan trọng,” Thủ tướng Lý Hiển Long thúc giục các bên xem xét việc ký kết hiệp định vào năm tới và thực hiện thỏa thuận này.
Ông cũng bày tỏ sự cảm kích đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì là một trong những người ủng hộ hiệp ước mạnh mẽ nhất.
Ông nói: “Tôi hy vọng tất cả các quốc gia tham gia RCEP sẽ theo đuổi thỏa thuận đến cùng… Điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường nỗ lực để hoàn thiện RCEP.”
[ASEAN-Hàn Quốc: Nỗ lực vì thịnh vượng chung qua thương mại tự do]
Bất chấp những “cơn gió ngược” về kinh tế và niềm tin suy yếu vào lợi ích của toàn cầu hóa, ASEAN và Hàn Quốc hài lòng với các liên kết kinh tế mạnh mẽ và nên tiếp tục xây dựng các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ nhất của mình.
Ông nói rằng việc đẩy mạnh Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc là một bước tiến tốt theo đường hướng này. Với tư cách là điều phối viên của ASEAN trong sáng kiến này, Singapore sẽ hợp tác với tất cả các bên để tự do hóa hơn nữa các dòng sản phẩm nhạy cảm theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc.
Thuế quan trong thỏa thuận được phân loại thành nhiều dòng, và thuế suất cho các sản phẩm trong Dòng nhạy cảm sẽ được giảm theo lịch trình. Hàn Quốc là đối tác thương mại và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ năm của ASEAN.
Những liên kết vận tải mạnh mẽ hơn cũng có thể được củng cố thông qua hiệp ước dịch vụ hàng không khu vực. Với lượng khách du lịch hai chiều lên tới 10 triệu người trong năm 2017, ông Lý Hiển Long bày tỏ sự lạc quan rằng các liên kết hàng không được tăng cường sẽ thúc đẩy con số này tăng lên 15 triệu người vào năm 2020.
Ông nói: "Tôi trông chờ một thỏa thuận tự do và cùng có lợi hơn, vốn sẽ hỗ trợ các liên kết giữa các doanh nghiệp và các dân tộc của chúng ta.”
Ông nhấn mạnh cả hai bên cũng có thể hợp tác trong các lĩnh vực mới như thành phố thông minh, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng, nói thêm rằng Hàn Quốc là một đối tác của Trung tâm an ninh không gian mạng ASEAN-Singapore mới.
Trung tâm này sẽ tiến hành nghiên cứu và cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho các quan chức cấp cao của ASEAN. Được công bố vào tháng 10/2019, trung tâm đã được chuẩn bị để sẵn sàng hoạt động vào quý 2/2020.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đánh giá cao các nhà thầu Hàn Quốc về tính chuyên nghiệp, hiệu quả và giá cả cạnh tranh. Trong bối cảnh nhiều nhà thầu Hàn Quốc liên tục hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Đông Nam Á, Singapore rất háo hức khám phá các cơ hội với Hàn Quốc thông qua Cơ sở hạ tầng châu Á - một cơ quan để các bên liên quan phát triển, tài trợ và thực hiện các dự án ngân hàng trong khu vực.
Đối với các thành phố thông minh, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận thấy Hàn Quốc có mật độ đổi mới cao và các ngành công nghiệp có chuyên môn công nghệ đầy giá trị.
Điều này có thể thúc đẩy khả năng và tầm nhìn của các thành phố thông minh trong khu vực, đồng thời có sự phối hợp giữa Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Chính sách hướng Nam mới của ông Moon Jae-in, nhằm tìm cách nâng cao và tăng cường mối quan hệ của Hàn Quốc với Đông Nam Á.
Ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, Hàn Quốc cũng đã tham gia Lễ hội Công nghệ Tài chính Singapore và Tuần lễ Đổi mới và Công nghệ Singapore hồi đầu tháng này.
Ông Lý nói: “Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận ở đó sẽ tạo ra sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty của chúng ta, điều đó cũng sẽ kết nối khu vực rộng lớn xích lại gần nhau hơn."
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc diễn ra hôm 26/11, ông Moon Jae-in và các nhà lãnh đạo ASEAN đã xem xét thành tựu của khối trong 30 năm qua, đưa ra hướng hợp tác trong 30 năm tới, và thảo luận về cách tăng cường kết nối theo hướng thịnh vượng và bền vững.
Cả hai bên đã đồng ý xây dựng một "cộng đồng hòa bình và thịnh vượng lấy người dân làm trung tâm."
Tuyên bố tầm nhìn chung viết: "(Hai bên sẽ) thúc đẩy và tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác, bao gồm thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, để hỗ trợ phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình."
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác về an ninh, cả hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng chung, đặc biệt là về thương mại và đầu tư, kết nối, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như quan hệ đối tác khởi nghiệp và đổi mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu lại lễ khai mạc phiên họp toàn thể, ông Moon Jae-in nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới như chủ nghĩa bảo hộ, tội phạm xuyên quốc gia và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ có sự hợp tác và đoàn kết của chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức này.”
Ngày 26/11, các nhà lãnh đạo cũng tham dự các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới, và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực. Hai hội nghị cấp cao trước đó đã được tổ chức tại Jeju và Busan (Hàn Quốc) hồi năm 2009 và 2014./.