Những dấu mốc lịch sử của Thông tấn xã Giải phóng anh hùng

Ra đời và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Tổ điện báo TTXGP điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXGP)

Ra đời và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, TTXGP đã có mặt từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Thông tin của TTXGP đã trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta.

Cùng nhìn lại sự ra đời và "sứ mệnh" thông tin vẻ vang của TTXGP:

Tháng 9/1947: Phòng truyền tin vô tuyến thuộc Sở Thông tin Nam Bộ được thành lập với nhiệm vụ thu phát tin trong nước và thế giới cung cấp cho Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Đây được coi là đơn vị tiền thân của TTXGP.

Ngày 12/10/1960: Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, tại khu rừng Chàng Riệc, Tây Ninh, TTXGP đã phát đi bản tin đầu tiên mang tên Giải phóng xã, trịnh trọng công bố về sự ra đời của cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam.

20/12/1960: TTXGP là cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất phát đi trong nước và thế giới thông báo về sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và toàn bộ Cương lĩnh của Mặt trận.

Từ 1960 đến 1967: TTXGP phải di chuyển cơ sở nhiều lần, chịu nhiều tổn thất do bị địch càn quét vùng căn cứ. Trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt, TTXGP vẫn từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức, phát triển lực lượng kỹ thuật, nhiếp ảnh, tin tức, thường xuyên tổ chức các mũi phóng viên tin ảnh theo bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trường trọng điểm.

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tham gia chống càn Junction City của Mỹ (năm 1967). (Ảnh: TTXGP)

Tháng 2-3/1967: Cán bộ, phóng viên TTXGP tham gia chống trận càn Junction City - trận càn lớn nhất của Mỹ-ngụy vào căn cứ, vừa chiến đấu như những người chiến sỹ vừa đưa tin chiến thắng kịp thời, cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ-ngụy của quân và dân miền Nam.

Mậu Thân 1968: Trong cuộc Tổng tiến công và Nổi dậu mùa xuân Mậu Thân, lực lượng đông đảo các phóng viên tin-ảnh, điện báo viên, kỹ thuật viên TTXGP đã đột nhập Sài Gòn theo các cánh quân của Quân Giải phóng, đưa tin ảnh kịp thời về căn cứ để phát đi trong nước và thế giới về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân miền Nam nói chung, quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nói riêng. Nhiều người đã anh dũng hy sinh.

['Tôi là phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng']

Tháng 6/1968: Trung ương Cục miền Nam khen tặng TTXGP 16 chữ vàng: Cần cù dũng cảm, Tự lực cánh sinh, Khắc phục khó khăn, Hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 6/1969: TTXGP là cơ quan đầu tiên phát đi tin tức về sự kiện thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng các văn kiện của Chính phủ.

Từ 1968 đến 1973: TTXGP là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, TTXGP đã có mặt bên cạnh phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên tại trại Davis, ghi lại hình ảnh Bộ tự lệnh quân đội cuốn cờ, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam...

Từ 1972 đến 1974: TTXGP phát triển rất mạnh mẽ, trưởng thành nhanh chóng, nhờ sự chi viện phương tiện kỹ thuật và con người từ VNTTX. TTXGP đã trở thành đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các đơn vị của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam với những thiết bị truyền tin telephoto và teletype hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Ngày 30/4/1975: Phóng viên TTXGP và VNTTX là những người chứng kiến và đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, những giờ khắc đầu tiên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Thông tấn xã Giải phóng lên lá cờ truyền thống của TTXVN. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Từ tháng 5/1975: TTXGP tiếp quản trụ sở Việt tấn xã và nhiều cơ sở khác của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chuyển máy móc, nhân lực từ chiến khu Tây Ninh về Sài Gòn, bắt đầu phát tin, ảnh từ Sài Gòn ra VNTTX ở Hà Nội để phát đi trong nước và thế giới.

Ngày 24/5/1976: TTXGP chính thức hợp nhất về ngôi nhà chung VNTTX - cơ quan thông tấn duy nhất của nước Việt Nam thống nhất.

Tháng 9/2020: Ghi nhận những nỗ lực và hy sinh to lớn của TTXGP cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc, Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho TTXGP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục