Ký ức của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vùng Đồng Tháp Mười

Những phóng viên TTXGP trên khắp các chiến trường miền Nam, trong đó có nhà báo Nguyễn Thanh Tâm, Hồ Thanh Tuấn đã kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ký ức của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vùng Đồng Tháp Mười ảnh 1Các thế hệ phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Vào dịp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những người làm báo Thông tấn bồi hồi ôn lại những câu chuyện xúc động về một thời gian khó của các thế hệ cha anh đi trước.

Niềm vui khi nghe tin của mình trên Đài phát thanh Giải phóng

Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1943) là một trong những người làm trưởng phân xã (nay gọi là Trưởng cơ quan thường trú) có thời gian dài nhất ở TTXVN.

Ông làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) từ năm 1965 ở chiến khu vùng Đồng Tháp Mười trong kháng chiến. Sau ngày thống nhất đất nước và sau khi TTXGP sáp nhập vào Việt Nam Thông tấn xã, có tên gọi chung là Thông tấn xã Việt Nam, ông làm Trưởng phân xã TTXVN tại Long An đến ngày nghỉ hưu vào năm 2003.

Quê ở xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), nhà báo Nguyễn Thanh Tâm vào chiến khu làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng lúc 22 tuổi.

Trước đó, ông tham gia công tác thanh niên hai năm tại quê nhà, làm nhân viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Kiến Tường, sau đó được phân công vào tiểu ban Thông tấn xã gồm các bộ phận viết tin, minh ngữ (điện đài) và in sáp…

Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm nhớ lại trong Tiểu ban bấy giờ còn có anh Công, anh Út Cát là phóng viên viết, còn phóng viên ảnh là anh Đoàn.

Từ năm 1963-1975, nhà báo Nguyễn Thanh Tâm làm việc cho TTXGP, thường xuyên theo sát hoạt động của lãnh đạo Tỉnh ủy. Căn cứ Tỉnh ủy lúc bấy giờ đóng ở Măng Đa (thuộc thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An ngày nay).

Các tổ viết, minh ngữ, in sáp gồm 5 người luôn đi cùng nhau, được ưu tiên đi cùng Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường để đưa tin.

“Khi đó các huyện có hoạt động gì hay diễn ra trận đánh nào đều điện về cho Tỉnh ủy. Chúng tôi dựa vào những nguồn tin đó để viết tin, nhờ vậy luôn có những thông tin mới, nóng hổi, phong phú tại địa bàn này phát đi cho TTXGP," ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm nhớ lại Thông tấn xã Giải phóng phát tin rất nhanh. Phóng viên làm tin điện về thì khoảng 3-4 tiếng đồng hồ sau có thể nghe được tin trên Đài phát thanh Giải phóng. Nhưng cũng có một số anh em đi chiến trường thì rất gian khổ và điện tin về khó hơn.

Vào mỗi dịp Tết, Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Kiến Tường ra tờ “Tháp Mười anh dũng," anh em làm báo cũng viết bài để được in trên tờ báo này.

[Lặng thầm sau những dòng tin: Duy trì làn sóng điện ngày giải phóng]

Nội dung thông tin về những trận đánh, hoạt động của đoàn, hội, thanh niên ở huyện, ở tỉnh trong chiến đấu, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em. Đó là những chủ đề về thanh niên tòng quân, dân công tải đạn, hay viết về một tiểu đội nữ anh hùng với trận pháo kích vang dội vào căn cứ của địch ở tỉnh lỵ Kiến Tường…

Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Kiến Tường chỉ đạo lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh đồng loạt tiến công địch vào đêm 29/4/1975.

Trưa 30/4/1975, Tỉnh trưởng Kiến Tường của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Sáng 1/5/1975, lực lượng cách mạng vào tiếp quản dinh Tỉnh trưởng. Cùng lúc, lực lượng vũ trang và quần chúng tiến vào tiếp quản và làm chủ các công sở, doanh trại, kho tàng, nhà cửa... ở thị xã Kiến Tường và các quận lỵ. Tỉnh Kiến Tường được hoàn toàn giải phóng.

Trong thời khắc ấy, nhà báo Nguyễn Thanh Tâm đã được chứng kiến cuộc gặp giữa Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường Trần Ngọc Nhóm (tên gọi thân mật là Ba Nhóm) và Đại tá Huy, Tỉnh trưởng Kiến Tường của chế độ Sài Gòn.

Lúc đó, Bí thư Ba Nhóm đã tuyên bố Kiến Tường được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sáng 30/4/1975, nhà báo Nguyễn Thanh Tâm viết bài Tuyên bố của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Kiến Tường, phát đi thông báo Kiến Tường được hoàn toàn giải phóng và kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng. Bài dài khoảng 600 chữ được chuyển đi sáng 30/4/1975, đến gần trưa thì được phát trên Đài phát thanh Giải phóng.

Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường Trần Ngọc Nhóm lúc bấy giờ nghe được tin này thì rất vui. Đây cũng là tin mà nhà báo Nguyễn Thanh Tâm nhớ và ấn tượng nhất trong đời làm phóng viên của mình.

Sau ngày giải phóng, Kiến Tường và Long An sáp nhập thành tỉnh Long An vào năm 1976. Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm được phân công làm Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Long An cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2003.

Ký ức của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vùng Đồng Tháp Mười ảnh 2Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1943), nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, một trong những người có thời gian làm trưởng phân xã dài nhất của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm cho biết sau giải phóng hoạt động không chỉ co hẹp trong rừng mà địa bàn hoạt động của các nhà báo hoạt động rộng hơn nhiều, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, phản ánh những thông tin sát thực, đặc biệt là về đời sống nông nghiệp của người dân vùng Đồng Tháp Mười.

Trong giai đoạn này, ông viết về công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười đầu thập niên 1980; việc rải lúa giống bằng trực thăng ở Nông trường Lúa vàng (huyện Mộc Hóa) trên diện tích mấy ngàn hécta hay Long An là tỉnh đầu tiên đề ra chính sách “Cải tiến phân phối lưu thông” nhằm thay đổi chính sách tự cung tự cấp, hàng hóa, nông sản không được mang ra khỏi địa phương...

Đi qua từng mùa lũ cùng người dân Đồng Tháp Mười

Nhà báo Hồ Thanh Tuấn sinh năm 1955, nguyên là Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Long An giai đoạn 2008-2015.

Trong số những kỷ niệm về thời gian làm báo, ông nhớ nhất nhiệm vụ quay máy máy phát điện khi còn ở trong chiến khu Ba Thu. Đó là vào cuối năm 1973, khi đang học lớp 8 ông theo người em họ lên chiến khu Ba Thu hoạt động cách mạng. Lúc đó, người học đến lớp 8 đã là hiếm lắm nên ông được cấp trên giao nhiệm vụ vào bộ phận minh ngữ (điện đài) thuộc Tiểu ban Thông tấn xã.

Nhà báo Hồ Thanh Tuấn kể mọi người thay phiên nhau quay máy phát điện liên tục bằng tay suốt 1 tiếng đồng hồ nhằm phục vụ cho người đánh maníp. Phóng viên tại các địa phương chuyển tin về Thông tấn xã Giải phóng bằng hình thức phát tín hiệu morse (đánh maníp).  Khi ấy thiết bị, máy móc rất thiếu thốn. Để đáp ứng yêu cầu công việc trong điều kiện khó khăn, các điện báo viên, cán bộ kỹ thuật phải tự mua và tận dụng linh kiện trong những chiếc radio để chế tạo thành máy điện đài.

Tổ Thông tấn xã của ông lúc đó có khoảng 10 người, mỗi người một nhiệm vụ. Bên cạnh nhiệm vụ làm phóng viên, điện báo viên, cán bộ kỹ thuật đảm nhận mỗi năm 1 vụ lúa, tới mùa thì cùng nhau cấy lúa, trồng rau. Hồi đó mỗi bộ phận phải tự túc 3-4 tháng ăn trong năm.

Nhà báo Hồ Thanh Tuấn nhớ lại: "Trong căn phòng chuyên dùng để phát tin trong lán trại luôn có sẵn quả lựu đạn trên bàn. Là cơ quan nhận và phát tin nên thường có những thông tin mật. Nếu bị địch phát hiện, đột nhập bất ngờ thì quả lựu đạn này được dùng để hủy toàn bộ máy móc, tài liệu làm việc..."

Dù trong điều kiện khó khăn, máy móc thiếu thốn và phải làm trong bí mật, nhưng những dòng tin cổ vũ tinh thần cách mạng, thông tin chỉ đạo của Khu, Trung ương Cục miền Nam vẫn được tiếp nhận kịp thời. Đặc biệt, tin về những trận đánh tại địa phương được phát đi liên tục nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Gần đến ngày 30/4/1975, ông Hồ Thanh Tuấn được cấp trên cho nghỉ phép, về thăm nhà ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An.

“Được nghỉ phép, tôi đi bộ từ khu căn cứ Ba Thu, theo các trạm giao liên dẫn đường để về thăm nhà. Ngày đó, mọi người đi bộ là chủ yếu, mỗi người đi hàng chục cây số là bình thường. Theo kế hoạch, sau khi nghỉ phép thì tôi sẽ lên đường đi Tiền Giang tham gia khóa học báo chí do Khu mở. Sáng 30/4, chúng tôi đã nghe thông tin đất nước đã thống nhất, lòng rộn ràng vui mừng lắm. Tôi về nhà nghỉ vài ngày nữa mới xuống lớp học, coi như khóa học này kéo dài từ chiến tranh đến ngày giải phóng," nhà báo Hồ Thanh Tuấn cười vui nhớ lại.

Sau giải phóng, nhà báo Hồ Thanh Tuấn trải qua nhiều lớp học điện báo và viết tin, và trở thành phóng viên của Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Long An.

Năm 1998, ông tham gia khóa học 18 tháng, học kỹ năng báo chí khóa 14 do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Nếu như khóa GP10 là lớp phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tuyển vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng thì khóa 14 là lực lượng nòng cốt bổ sung cho các phân xã sau ngày giải phóng.

Là phóng viên phụ trách vùng Đồng Tháp Mười của Long An, ông cũng không bao giờ quên những ngày đồng hành cùng nhân dân đối mặt với lũ. Đặc biệt những trận lũ lớn lịch sử vào các năm 1978, 2000…

Những dòng tin, bài của ông đã phản ánh công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười của chính quyền và người dân Long An, biến vùng đất vốn phèn chua ngập bùn nước đã trở thành đất vàng, cung cấp cho cả nước hàng triệu tấn lương thực mỗi năm.

Ông cũng phản ánh việc Long An đi đầu trong xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ những năm 1996-1997, nhằm bảo đảm cho nhân dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, không phải di dời khi lũ về, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững…

Sau 15 năm (1960-1975) hoạt động không ngừng nghỉ, Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và được sáp nhập vào Việt Nam Thông tấn xã, có tên gọi chung là Thông tấn xã Việt Nam.

Góp phần vào dòng chảy thông tin của TTXVN, những phóng viên TTXGP trên khắp các chiến trường miền Nam, trong đó có nhà báo Nguyễn Thanh Tâm, Hồ Thanh Tuấn đã kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, họ vẫn luôn nhớ và tự hào về một thời tuổi trẻ, luôn hừng hực khí thế cống hiến, làm nên một Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục