60 năm TTXGP: Chuyện về điện báo viên cơ quan thông tấn anh hùng

Ông Nguyễn Đức Trường nhớ lại, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày còn là phóng viên, điện báo viên chiến trường vẫn đọng lại mãi trong tâm trí những người làm báo Phân xã Khu 10.
Ông Nguyễn Đức Trường kể về giai đoạn năm 1969-1971 từng làm điện báo viên của Phân xã T.10 thuộc Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Ông Nguyễn Đức Trường kể về giai đoạn năm 1969-1971 từng làm điện báo viên của Phân xã T.10 thuộc Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng chính thức được thành lập tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) - căn cứ địa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; là một bộ phận của Xứ ủy, sau là Trung ương Cục miền Nam.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều điện báo viên, nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng đã nỗ lực vượt khó, nhanh chóng cập nhật, gửi tin về Việt Nam Thông tấn xã ngoài Hà Nội (còn được gọi là Tổng xã).

Ngày 12/5/1977, Thông tấn xã Giải phóng ở miền Nam và Việt Nam Thông tấn xã ở miền Bắc chính thức hợp nhất thành một cơ quan. Đó là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ngày nay.

Nhắc đến Thông tấn xã Giải phóng, không thể không nhắc tới những người làm nhiệm vụ truyền tải thông tin từ chiến trường về Tổng xã. Một trong số đó có nhà báo Nguyễn Đức Trường (nguyên phóng viên-điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Đức Trường bồi hồi nhớ lại: Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những ký ức, kỷ niệm về những ngày còn là phóng viên, điện báo viên chiến trường vẫn đọng lại mãi trong tâm trí những người làm báo ở Phân xã Khu 10 (còn gọi là T.10) trên vùng Đắk Quýt (thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước ngày nay).

Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn bom đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sỹ và hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò của người phóng viên Thông tấn xã Giải phóng.

[Thông tấn xã Giải phóng: Ba mươi lăm năm nhớ lại toàn ngành vào trận]

Đầu năm 1969, ông Nguyễn Đức Trường từ ngoài Bắc vào Ban tuyên huấn (hay còn gọi B21) thuộc Trung ương Cục miền Nam để chờ phân công làm nhiệm vụ. Khi đó ông Nguyễn Trung Hiếu (Bảy Hiếu) có thông báo là Phân xã T.10 ở Đắk Quýt trúng bom bị xóa sổ, chỉ còn lại một mình ông là phóng viên.

Do thiếu người nên ông Bảy Hiếu đã xin ông Đức Trường về làm nhiệm vụ điện báo viên, quay máy gửi tin về Tổng xã. Sau thời gian làm điện báo viên, ông Bảy Hiếu cử ông Đức Trường  tham gia học khóa 9 Thông tấn báo chí ở Trung ương cục.

“Sau khi học xong lớp đó về tôi mới mới là phóng viên chính thức của Thông tấn xã Giải phóng,” ông Nguyễn Đức Trường cho biết.

60 năm TTXGP: Chuyện về điện báo viên cơ quan thông tấn anh hùng ảnh 1Nhà báo Nguyễn Đức Trường (nguyên phóng viên- điện báo viên TTXGP), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương. Ông Trường từng là điện báo viên Phân xã T.10 thuộc TTXGP trong giai đoạn 1969-1971. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1971, sau khi về phân xã T.10 là khoảng thời gian thực sự gian khó. Thông tin gửi về rất nhiều vì đây là giai đoạn chiến tranh ngày càng ác liệt, nhưng việc điện truyền tin về Tổng xã dễ bị lộ. Bởi thế mỗi lần đi lấy tin về phát phải đi xa căn cứ hàng chục km.

Điện báo viên Nguyễn Đức Trường còn nhớ chiếc máy phát 15W được ông Bảy Hiếu nhận về Trung ương Cục, đây là là máy do Tổng xã ở Hà Nội tăng cường vào cho Thông tấn xã Giải phóng để phát tin. Hiện máy này là kỷ vật chiến trường quý giá, được tặng lại cho Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam trưng bày ở Phòng truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh...

Khi nhận được thư mời của Thông tấn xã Việt Nam mời tham dự lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Thông tấn xã Giải phóng - đơn vị mà trước đây nhà báo Nguyễn Đức Trường cùng chung chiến hào với các đồng đội trong Phân xã của Thông tấn xã Giải phóng, ông thực sự tự hào, xúc động.

[Thông tấn xã giải phóng anh hùng - Những dấu mốc lịch sử]

Xúc động là vì vào năm 1969, cả Phân xã T.10 (còn lại phân xã KPX), bị xóa sổ do trúng bom, chỉ còn đúng 1 người là ông Bảy Hiếu may mắn còn sống cho đến nay.

Ông Bảy Hiếu là cựu phóng viên rất tình nghĩa của Thông tấn xã Giải phóng, trải qua hàng chục năm vẫn luôn đau đáu, trăn trở về việc đi tìm phần mộ các đồng đội trong Phân xã T.10 hy sinh trên vùng đất Đắk Quýt.

Mãi đến năm 1994, các ông mới có thể tổ chức đi tìm kiếm địa điểm Phân xã T.10 trên vùng Bù Gia Mập ngày nay, đã đưa các anh Tiểu, anh Đạt, anh Lộc và anh Thành về an táng, yên nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương...

Nói đến ông Nguyễn Trung Hiếu (Bảy Hiếu), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV) giai đoạn 1992-2004 thì ai cũng biết.

Ông từng là phóng viên chiến trường, cán bộ điện báo, Đài trưởng vô tuyến điện T.6, Trưởng phân xã T.10 (khu Nam Tây Nguyên). Ông làm phóng viên, rồi Trưởng phân xã Thông tấn xã Sông Bé trong những năm kháng chiến và nhiều lần may mắn thoát chết để trở về.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1978, ông Bảy Hiếu đã chuyển từ Thông tấn xã Việt Nam sang Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sông Bé, sau đó ông giữ cương vị Giám đốc cho đến năm 2004 thì nghỉ hưu...

60 năm TTXGP: Chuyện về điện báo viên cơ quan thông tấn anh hùng ảnh 2Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: VNTTX)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục