Những di sản tinh thần vô giá của Bác Hồ trên mảnh đất Hong Kong

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, phóng viên TTXVN đã tìm đến các địa điểm từng ghi dấu ấn của Bác trong thời gian Người hoạt động cách mạng ở Hong Kong.
Ngục Victoria ở Hongkong, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc (khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ) gần 20 tháng (từ 6/6/1931-22/1/1933), trong thời gian Người hoạt động tại đây. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, từng có thời gian ở Hong Kong (Trung Quốc) vào những năm 1930 của thế kỷ trước và đây cũng là giai đoạn có nhiều sự kiện đáng nhớ trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.

Tuy nhiên, không hẳn nhiều người đã biết về những gian truân mà Hồ Chủ tịch phải vượt qua trong thời gian 3 năm ở Hong Kong.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), phóng viên thường trú TTXVN tại Hong Kong đã tìm đến các địa điểm từng ghi dấu ấn của Bác trong thời gian Người hoạt động cách mạng ở đây.

[Trở về nơi đầu tiên in dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô]

Công viên Tống Vương Đài là địa danh lịch sử ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước.

Tống Vương Đài, có nghĩa là Đài kỷ niệm vua Tống (phiên sang tiếng Anh là Sung Wong Toi) thuộc bán đảo Cửu Long của Hong Kong, gần bờ biển và miếu Hầu Vương. Đây chính là nơi chứng kiến hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây 91 năm.

Bước vào công viên, chúng tôi nhìn thấy một hòn đá lớn có khắc ba chữ Trung Quốc, “Tống Vương Đài” và một tấm bia đá khắc hai thứ tiếng là tiếng Trung, tiếng Anh ghi lại toàn bộ lịch sử của Tống Vương Đài.

Ông Lý Minh Hán, nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người từng làm cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong,” chia sẻ rằng giờ đây Hong Kong và Tống Vương Đài đã có nhiều thay đổi.

Những năm đầu thế kỷ 20, Hong Kong là một cảng tự do có chức năng như một trung tâm xuất nhập khẩu của đế quốc Anh.

Tống Vương Đài ban đầu tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ được gọi là “Núi thiêng” bên bờ biển, sau khi quân Nguyên tiêu diệt nhà Tống vào năm 1279, nhà Nguyên đã khắc chữ “Tống Vương Đài” trên tảng đá lớn trên đồi để tưởng nhớ vua Tống từng dừng chân tại đây.

Khi quân đội Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong vào năm 1941, do việc mở rộng sân bay Kai Tak, những tảng đá khổng lồ trên Núi thiêng đã được cho nổ và được sử dụng để xây dựng sân bay.

Năm 1945, sau thất bại của Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Anh tiếp tục kiểm soát Hong Kong. Chính quyền Hong Kong đã xây dựng công viên và cắt tảng đá thành hình vuông có dòng chữ “Tống Vương Đài” rồi đặt vào khuôn viên này.

Ông Lý Minh Hán kể rằng ngày 20/1/1930, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ngồi tàu hỏa từ Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc đến Hong Kong với tên gọi Tống Văn Sơ.

Nhiệm vụ của Người là theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, hợp nhất 3 tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam thành một chính đảng thống nhất của giai cấp vô sản.

Sau đó, địa điểm được chọn để tiến hành khai mạc hội nghị hợp nhất này là ở Tống Vương Đài bên bờ biển đối diện với miếu Hầu Vương Cửu Long, nhằm lợi dụng sự đông đúc, nhộn nhịp nhân lễ kỷ niệm ngày sinh của “Hầu Vương” để tránh sự chú ý của đặc vụ.

Theo lịch sử ghi chép, khu vực Tống Vương Đài là nơi diễn ra ba sự kiện: nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930; nơi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tháng 10/1930 và nơi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong ngày 6/6/1931.

Hiện nay, các di tích liên quan đến sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đều đã thay đổi, chỉ còn duy nhất viên đá di chuyển từ trên đồi có đền thờ Tống Vương xuống và đang đặt ở Công viên Tống Vương Đài.

Ngoài ra, khu vực Tống Vương Đài, địa điểm có ngôi nhà số 186 phố Tam Kung đã chứng kiến việc cảnh sát Hong Kong đến bắt trái phép Nguyễn Ái Quốc vào sáng sớm ngày 6/6/1931.

Nằm trong khu phố của những người lao động nghèo, ngôi nhà này từng là nơi ở bí mật của Nguyễn Ái Quốc và là cơ sở bí mật của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hong Kong.

Hiện nay, phố Tam Kung vẫn còn nhưng nhà số 186 không còn nữa vì ở vị trí này chính quyền Hong Kong đã phá một đoạn phố để mở đại lộ Olympic.

Một trong những địa điểm không thể không nhắc đến là nhà tù Victoria ở số 16 phố Old Bailey cũng từng là nơi mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hong Kong.

Người đã bị giam tại đây hơn 1 năm từ tháng 6/1931 đến tháng 7/1932, rồi lại bị bắt trở lại đây năm 1933. Hiện nhà tù Victoria đã được cải tạo thành bảo tàng và trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hong Kong.

Trải qua hơn 20 tháng giam giữ ở Hong Kong, với tinh thần lạc quan cách mạng và dũng khí kiên cường, cách xử lý thông minh, tỉnh táo và khôn khéo, lại được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản cùng một số luật sư chân chính, đặc biệt là Luật sư Loseby, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã được tự do.

Gia đình Luật sư Loseby lại giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hong Kong an toàn, trở lại Liên Xô tiếp tục sự nghiệp cách mạng.

Ngoài ra, còn có Ký túc xá Hội Thanh niên Cơ Đốc giáo Trung Hoa (YMCA) hiện vẫn nằm ở khu vực Tsim Sha Tsui, cũng là nơi Nguyễn Ái Quốc từng ở tạm để chữa bệnh viêm phổi do bị giam cầm trong thời gian dài và tra tấn về tinh thần, đồng thời để tránh sự theo dõi của mật thám Anh.

Nếu tính từ tháng 1/1930 khi từ Thái Lan đến Hong Kong thực hiện nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến khi rời Hong Kong vào mùa Xuân năm 1933, Nguyễn Ái Quốc đã có một thời gian dài đầy sóng gió ở vùng đất này.

Với nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, các địa điểm này không những mang nhiều kỷ niệm và dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Hong Kong, mà còn trở thành di sản tinh thần vô giá gắn kết quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục