Những điểm khác biệt về lệnh tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản

Sự khác biệt lớn nhất giữa tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản và các nước khác trên thế giới đó là các nhà chức trách ở Nhật Bản hầu như không có quyền áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Những điểm khác biệt về lệnh tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản ảnh 1Một điểm giao nhau trên đường phố quận Shinjuku, thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 7/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cũng như một số quốc gia khác, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, lệnh tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt so với nhiều nước khác trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, luật pháp Nhật Bản quy định thủ tướng chỉ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp khi đáp ứng hai điều kiện.

Thứ nhất, tình hình hiện tại đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thứ hai, tình hình hiện tại có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và gây tổn hại tới cuộc sống của người dân.

Khi ban bố tình trạng khẩn cấp, thủ tướng có quyền quyết định tình trạng khẩn cấp đó sẽ có hiệu lực ở khu vực nào và trong thời gian bao lâu.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành]

Sau khi thủ tướng ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, người đứng đầu các tỉnh, thành thuộc phạm vi hiệu lực của lệnh này có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường trừ một số trường hợp nhất định.

Các trường hợp ngoại lệ này bao gồm: đi khám bệnh ở bệnh viện, đi mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, yêu cầu này không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý và không có chế tài xử phạt nếu người dân không tuân thủ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu các tỉnh, thành có thể chỉ đạo hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, trường mẫu giáo, nhà dưỡng lão hay các cơ sở phúc lợi khác, rạp chiếu phim, thư viện, sân vận động, hộp đêm, trường dạy lái xe…

Đối với các cơ sở không tuân thủ yêu cầu này, người đứng đầu các tỉnh, thành có thể ra chỉ thị đóng cửa và công bố danh tính của đơn vị chủ quản.

Tuy nhiên, các siêu thị có thể tiếp tục duy trì hoạt động của các bộ phận cung cấp các nhu yếu phẩm như lương thực và thuốc men. Các cửa hàng tiện lợi và nhà thuốc vẫn được phép mở cửa.

Trong khi đó, các cơ sở cung cấp điện, nước và khí đốt sẽ được yêu cầu tiến hành các biện pháp để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ vận tải, điện thoại, Internet và bưu chính sẽ được yêu cầu hoạt động một cách phù hợp.

Mặc dù vậy, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền các địa phương có thể thực hiện một số biện pháp mang tính cưỡng chế.

Cụ thể, nếu các bệnh viện quá tải, những người đứng đầu các tỉnh, thành có thể sung công đất tư nhân hoặc các tòa nhà trong một số trường hợp nhất định để xây dựng các cơ sở y tế tạm thời mà không cần sự chấp thuận của chủ sở hữu.

Họ cũng có thể yêu cầu các công ty lương thực và vật tư y tế bán sản phẩm cho chính quyền và trưng thu hàng hóa của những công ty từ chối thực hiện yêu cầu đó, đồng thời buộc các công ty phải giúp vận chuyển các hàng hóa khẩn cấp.

Nếu các nhà cung ứng vật tư y tế không tuân thủ chỉ thị bán các sản phẩm như vậy, họ có thể bị phạt tù tới 6 tháng hoặc phạt tiền tới 300.000 yen (khoảng 2.800 USD).

Như vậy, có thể thấy sự khác biệt lớn nhất giữa tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản và các nước khác trên thế giới đó là các nhà chức trách ở Nhật Bản hầu như không có quyền áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Những điểm khác biệt về lệnh tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản ảnh 2Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) phát biểu tại cuộc họp ở Tokyo ngày 7/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch bệnh mà Quốc hội Nhật Bản thông qua hồi giữa tháng 3/2020 không đưa ra bất cứ chế tài xử phạt nào đối với những người phớt lờ yêu cầu ở nhà của chính quyền.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền các địa phương không thể ra lệnh đóng cửa các cửa hàng, buộc người lao động phải ở nhà, hay tạm ngừng các phương tiện giao thông công cộng.

Tại Mỹ, nhiều bang đã yêu cầu người dân phải ở nhà nếu không phải thực thi các nhiệm vụ cần thiết, và khi đi ra ngoài đường, họ phải giữ khoảng cách ít nhất 2m với những người khác.

Tại thành phố New York, việc vi phạm các quy định về giãn cách xã hội sẽ bị phạt từ 250 đến 500 USD.

Tại Pháp, một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19, nước này đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 17/3.

Quân đội và cảnh sát tuần tra trên các đường phố và những người đi ra ngoài nhiều lần mà không có lý do hợp lý có thể bị phạt tới 3.700 euro.

Phát biểu trước một ủy ban Quốc hội vào đầu tháng này, Thủ tướng Abe Shinzo đặt câu hỏi: “Liệu Nhật Bản có thể áp đặt lệnh phong tỏa giống như Pháp?” và ông đã trả lời ngay câu hỏi đó là “Không.”

Dù hầu hết các biện pháp mà chính quyền các địa phương đưa ra đều không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng ông Tetsuro Kawamoto, giáo sư luật từng giảng dạy tại Đại học Doshisha, nhận định đa số người dân sẽ tuân thủ các yêu cầu của chính quyền.

Giáo sư Kawamoto cho rằng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chính phủ có thể sẽ phải đưa ra các hình phạt cụ thể, nhưng đó chỉ là lựa chọn cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.