Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, chiến trường không chỉ diễn ra ngoài mặt trận mà còn diễn ra ngay trong lòng địch - nơi những chiến sỹ tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta lặng lẽ lập những chiến công.
Nhiều chiến sỹ tình báo đã trở thành huyền thoại có một không hai trong lịch sử quân sự Việt Nam, được Tổ quốc mãi mãi ghi công, được nhân dân đời đời ghi nhớ.
Gác lại tình riêng, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, “bí mật, khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn," “dựa vào dân, đi sát địch," các chiến sỹ tình báo quân sự đã xây dựng được những tổ chức bí mật, thậm chí nhiều người đã “luồn sâu, leo cao” thâm nhập vào các cơ quan đầu não địch.
Điển hình như Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, điệp viên Phạm Xuân Ẩn, "Ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc), Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Tám Thảo)...
Trong cuốn “Tình báo kể chuyện” của mình, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu khẳng định: “Có những con người tình báo dũng cảm, thông minh, sáng tạo, có những người dân đô thành không sợ hiểm nguy mà còn tích cực tham gia công tác cách mạng… Tất cả hợp thành lực lượng bách chiến, bách thắng mà kẻ thù quen thói hợm hĩnh không lường được hết sức mạnh..."
Đại tá Phạm Ngọc Thảo - điệp viên "có một không hai"
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo là một trong những huyền thoại xuất sắc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trân trọng đánh giá: "Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta."
Sinh ngày 14/2/1922 tại tỉnh Long Xuyên, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã dùng báo chí làm vũ khí sắc bén để hoạt động trong lòng địch.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, ông luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.
Khi Hiệp định Geneva được ký kết, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam, với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước."
Bằng những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của mình, tranh thủ những yếu tố tranh tối tranh sáng đầy bất ổn của chính trường Sài Gòn, chiến sỹ tình báo Phạm Ngọc Thảo đã xây dựng được cho mình vị trí khá nổi bật trong xã hội với những mối quan hệ thượng lưu đa dạng và rộng rãi.
Đầu năm 1957, sau khi tham gia biên tập nguyệt san Bách Khoa (ấn phẩm của nhóm trí thức đảng Cần Lao), Phạm Ngọc Thảo đã trở thành một tác giả thường xuyên xuất hiện trên ấn phẩm này, với những bài nghiên cứu về các hình thái chiến tranh nhân dân...
[Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Tổng cục Tình báo Quốc phòng]
Ông đã phân tích rất hay và hấp dẫn về chiến lược, chiến thuật, về nghệ thuật cầm quân, về binh pháp Tôn tử và cách dụng binh của Trần Hưng Đạo... Những bài báo của ông đã thu hút được sự chú ý của giới quân sự Sài Gòn lúc đó, thậm chí của cả tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu...
Được chính quyền Ngô Đình Diệm trọng dụng, ông được thăng tới quân hàm thiếu tá. Trong thời gian làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), ông đã cung cấp nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, thả hơn 2.000 tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân “tảo thanh” của địch vào chỗ không người, góp phần quan trọng vào việc bảo toàn lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre.
Dưới danh nghĩa một sỹ quan cao cấp quân đội, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Sài Gòn, ông đã tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 1964-1965, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam.
Sau hai cuộc đảo chính bất thành, dù Mặt trận giải phóng yêu cầu rời khỏi Sài Gòn nhưng ông vẫn quyết trụ lại để tiến hành cuộc đảo chính cuối cùng.
Việc lớn không thành, bị bắt và tra tấn dã man nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn không để lộ tung tích của mình. Cho đến lúc hy sinh (ngày 17/7/1965), không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.
Năm 1995, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Trần Bạch Đằng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nhận xét: "Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai."
Và Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo chính là nguyên mẫu để nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng thành công nhân vật điệp viên bản lĩnh, thông minh, gan góc Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa."
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn - nhà tình báo chiến lược xuất sắc
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (tên thật là Trần Văn Trung - Hai Trung) sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa, Đồng Nai, trong một gia đình viên chức cao cấp.
Ông được bác sỹ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào chiến khu D nhận nhiệm vụ hoạt động tại trung tâm đầu não quân sự của địch ở Sài Gòn để nắm được các ý đồ chiến lược về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế của thực dân Pháp. Trần Văn Trung đổi tên thành Phạm Xuân Ẩn.
Cái “mác” công chức, lại là dân học trường Tây, có giấy khai sinh do Tây cấp và là con của một cựu trắc địa sư tên tuổi đã giúp ích rất nhiều cho người chiến sỹ tình báo Phạm Xuân Ẩn trở thành nhân viên tham mưu tin cậy trong Bộ Chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp.
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, ông trở thành “cộng sự” thân thiết của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (Sài Gòn Military Mission).
Ông được cố vấn quân sự Mỹ đề nghị tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần để xây dựng “Quân đội Việt Nam Cộng hòa."
Đặc biệt, Phạm Xuân Ẩn còn được giao hợp tác với Mỹ lựa chọn những sỹ quan trẻ có triển vọng để đưa sang Mỹ đào tạo (trong số đó có Nguyễn Văn Thiệu, người sau này trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa).
Năm 1959, sau khi tốt nghiệp báo chí tại Mỹ, ông trở về nước và được mời làm phóng viên cho hãng thông tấn Reuters (Anh) và các báo khác của Mỹ.
Dưới vỏ bọc là phóng viên tuần báo Time của Mỹ và danh nghĩa là “người của CIA," ông có được nhiều nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo Mỹ.
Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của ông được bí mật gửi cho Trung ương cục miền Nam thông qua mạng lưới H63, sau đó gửi ra Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hà Nội.
Với nguồn tin thu thập ngày càng mở rộng, các bản báo cáo của ông sống động và tỉ mỉ đến mức khi nhận được, lãnh đạo ta đã nhận định: "Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Mỹ."
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ-Ngụy.
Sau 30 năm kết thúc chiến tranh, một trí thức Mỹ, giáo sư Thomas A.Bass đã viết về Phạm Xuân Ẩn trên tờ The New Yorker: "Ẩn là một người Việt Nam thầm lặng, một mẫu người tiêu biểu với một lý tưởng cách mạng vững vàng. Anh thường nói anh không bao giờ dối ai, rằng anh cung cấp những bài phân tích chính trị cho báo Time mà anh đã gửi cho Bắc Việt. Anh là một người bị xẻ đôi có lòng trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói toàn sự thật."
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, chiến sỹ tình báo Phạm Xuân Ẩn mới được phép trở về với con người thật của mình.
Ngày 15/1/1976, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông mất ngày 20/9/2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ
Cuộc đời của Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - người từng làm cố vấn cho ba tổng thống của chế độ Sài Gòn trước năm 1975 - đã trở thành huyền thoại. Những chiến công của ông khiến kẻ thù cũng phải khâm phục.
Ông tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh ngày 30/3/1928, tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà Nho hiếu học.
Với lòng yêu nước nồng nàn, ông gia nhập Mặt trận Việt Minh và được kết nạp Đảng vào năm 1947.
Năm 1952, Vũ Ngọc Nhạ mang tên Vũ Ngọc Kép, có mặt trong đoàn đại biểu quân sự tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ tại Việt Bắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chủ trì.
Tại Hội nghị này, ông nhận nhiệm vụ quan trọng do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao phó: “Nhiệm vụ của chú là phải bằng mọi cách để biết được Mỹ đang làm gì, Mỹ sẽ làm gì và Mỹ đã làm gì."
Được tổ chức chỉ đạo Nam tiến, với trí thông minh và sự hiểu biết sâu sắc mọi vấn đề từ quân sự, ngoại giao đến kinh tế, tôn giáo, ông đã “luồn sâu, leo cao” và trở thành cố vấn cho 3 đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.
Với chức danh “Cố vấn cao cấp," ông đã khai thác được nhiều tại liệu cơ mật trong Phủ Tổng thống. Ông cũng là người xây dựng cụm tình báo chiến lược nổi tiếng A22, từng làm rúng động chính trường Sài Gòn trong suốt những năm cuối của thập niên 1960.
Với mạng lưới 42 điệp báo viên, hoạt động dưới nhiều chức danh, cấp bậc từ cao tới thấp trong chính quyền ngụy Sài Gòn, ông và đồng đội đã cung cấp nhiều thông tin, tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật: từ kế hoạch “Xây dựng ấp chiến lược," “Kế hoạch Stalay Taylor”… thời Diệm, đến “Kế hoạch bình định nông thôn," “Kế hoạch Phượng Hoàng," “Kế hoạch đổ quân của Mỹ," “Sách lược chiến tranh đặc biệt”... thời Thiệu... để Đảng ta kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.
Với những chiến công xuất sắc, sau khi đất nước thống nhất, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ tiếp tục công tác tại Bộ Quốc phòng.
Đến năm 1987, khi cuốn tiểu thuyết “Ông cố vấn-hồ sơ một điệp viên” của nhà văn Hữu Mai xuất bản, thân thế và sự nghiệp của ông mới được công chúng biết tới.
Ông mất ngày 7/8/2002, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại tá Nguyễn Văn Minh - người khiến CIA kinh ngạc
Với hơn 20 năm sống trong lòng địch, 16 năm sống trong sào huyệt của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh, người mang bí số H3 của Phòng Tình báo B2, đã thể hiện bản lĩnh kiên cường và mưu trí siêu việt.
Giữa “biển giáo, rừng gươm," một mình hoạt động đơn tuyến, ông đã tạo nên “tấm bình phong” an toàn ngay giữa sào huyệt của địch để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.
Đại tá Nguyễn Văn Minh sinh năm 1933, tại Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn làm công nhân và tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Liên Việt.
Năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn.
Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông tìm cách vào được hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có.
Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có nhưng với vỏ bọc là một nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người quý mến nên ông được tiếp tục tin dùng. Từ đó, ông trở thành một trong 4 nhân viên văn thư bảo mật của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.
Công việc hằng ngày của ông là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội ngụy, đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu. Công việc này tạo cơ hội cho ông tiếp cận nhiều tài liệu tối mật của địch.
Chính vì đặc thù công việc nên ông luôn bị các cơ quan mật vụ, an ninh của địch để ý, theo dõi. Để tránh bị lộ và che mắt kẻ thù, ông khéo léo nhận về mình nhiều phần việc nhưng không sao chụp tài liệu mà rèn luyện ghi nhớ toàn bộ các công văn được tiếp cận hằng ngày.
Đến đêm, ông thức trắng để viết lại nội dung công văn trong ngày, chuyển ra ngoài cho tổ chức. Các ý đồ lớn của địch, như kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm, xóa các vùng giải phóng… đều được ông báo cáo chính xác.
Đầu năm 1975, ông đã báo cáo về căn cứ một tin quan trọng có tính quyết định là Mỹ không đưa quân trở lại nếu ta đánh lớn vào giải phóng Sài Gòn.
Thông tin này đã giúp Bộ Chính trị có thêm cơ sở quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong thời gian ngắn nhất để giải phóng miền Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đặc biệt, trong ngày 30/4/1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, chính ông đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.
Đại tá Nguyễn Văn Minh - H3 - đã trở thành một trong những điệp viên huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và "tinh thần thép” của ông.
Năm 1999, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.