Bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi gây tổn thương về thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê (không quan tâm và yêu thương), có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ, thậm chí gây tử vong. Nó có thể xảy ra ở mọi nền văn hóa, sắc tộc, cộng đồng và gia đình. Có một số trẻ em còn chưa thể nhận ra mình đang là nạn nhân của bạo hành.
Vấn đề được đặt ra ở đây: Không phải đứa trẻ ấy đã hoặc đang bị bạo hành nặng hay nhẹ, mà quan trọng nhất là bậc làm cha mẹ có sẵn sàng bảo vệ chúng?
1. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành
Thật sự rất khó để nhận ra một đứa trẻ nào đó có đang là nạn nhân của bạo hành hay không. Một số trường hợp thường thấy bao gồm những đứa trẻ không nói gì về việc bị bạo hành vì chúng sợ mọi người không tin và thậm chí đổ lỗi ngược cho chúng; bị kẻ bạo hành đe dọa; hoặc người bạo hành là người chúng thương yêu và muốn bảo vệ.
Nên lưu ý đến những triệu chứng/biểu hiện sau đây:
- Trẻ bị bạo hành thể chất: có vết thương khó lý giải được trên cơ thể (vết bầm tím, vết bỏng, gãy xương, chấn thương bụng hoặc đầu…).
- Trẻ bị bạo hành tình dục: có những hành vi sợ hãi (luôn gặp ác mộng, trầm cảm, sợ hãi bất thường, nỗ lực chạy trốn), nhiễm trùng đường tiết niệu, âm đạo bị đau hoặc chảy máu, bệnh lây truyền từ đường tình dục, hành vi tình dục cực đoan không phù hợp với trẻ.
- Trẻ bị bạo hành tinh thần: sự tự tin giảm sút, khả năng phát triển trí tuệ không cao, tinh thần bất ổn, hay gặp ác mộng.
- Trẻ bị bỏ bê: phàm ăn và có hành vi trộm cắp, không được yêu thương, khích lệ và ủng hộ.
- Trẻ bị lợi dụng: bị bắt đi ăn xin, lao động cực khổ, quay phim khiêu dâm hoặc buôn bán trẻ.
Thông thường trẻ sẽ bị bạo hành thể chất, tâm lý và tình dục bởi người thân, hàng xóm, hoặc những người quen biết trẻ. Các bậc phụ huynh nên biết rằng nếu đứa trẻ càng nhỏ và mối quan hệ của chúng càng thân gần với kẻ bạo hành, tổn thương tình cảm sẽ càng nghiêm trọng.
2. Giải cứu những đứa trẻ khỏi nạn bạo hành
- Phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn. Hãy cố trò chuyện với con hoặc trở thành bạn của chúng. Cha mẹ nên có niềm tin dành cho con, tìm hiểu cặn kẽ khi có nghi vấn thay vì luôn mắng và đổ lỗi cho chúng. Đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ đang tiếp tay cho kẻ xấu gây hại con mình.
- Cha mẹ cũng phải tự nâng cao ý thức của mình. Không nên sử dụng bạo lực và có quan niệm sai lệch “con của mình mình có quyền đánh." Những hành động bạo lực vô tội vạ chẳng những gây ra tổn thương tinh thần cho con, nó còn khiến chúng có khuynh hướng bạo lực hơn.
- Cha mẹ nên giáo dục trẻ về nạn bạo hành để trẻ có thể nhận biết mình là nạn nhân hay không, đồng thời biết cách cầu cứu thay vì im lặng chịu đựng.
- Khi phát hiện (hoặc nghi ngờ) trẻ bị bạo hành, nên gọi cho đường dây nóng 111 để báo án, đưa trẻ đến bác sỹ kiểm tra, cách ly trẻ với đối tượng gây bạo hành càng sớm càng tốt. Trẻ nên được ở trong môi trường an toàn để phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn và phớt lờ vấn đề, hậu quả càng tồi tệ, có khi các bậc phụ huynh phải trả giá bằng chính mạng sống của đứa trẻ./.
Bài: HO TAN PHAN
Ảnh: TL