Những điều cần biết để phòng tránh chứng đột quỵ ở người trẻ

Có đến 10% nạn nhân của chứng đột quỵ là người trẻ (dưới 45 tuổi) và đột quỵ cũng tấn công ngay cả trẻ em, đây thực sự là một thách thức lớn đối với việc chẩn đoán và điều trị.

Sharon Stone, diễn viên thủ vai chính trong phim “Bản năng gốc," là tên tuổi được không ít người biết đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết diễn viên nổi tiếng này đã từng bị một cơn đột quỵ cực kỳ nguy hiểm suýt mất mạng vào năm 2001 khi chỉ mới 43 tuổi.

Ngay cả khi bảo toàn được tính mạng thì Sharon Stone cũng phải mất một thời gian khá dài và tốn kém rất nhiều trong cuộc chiến chống lại di chứng tàn phế đáng sợ của đột quỵ.

Những điều cần biết để phòng tránh chứng đột quỵ ở người trẻ ảnh 1

Sharon Stone chỉ là một trong rất nhiều nhân vật nổi tiếng bị đốn ngã bởi cơn đột quỵ đến bất ngờ vào thời điểm họ sung sức nhất trong sự nghiệp.

Và cũng đâu ai biết trước được mình có thể là nạn nhân kế tiếp hay không. Đừng bao giờ sai lầm cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người già. Trên thực tế, có đến 10% nạn nhân của chứng đột quỵ là người trẻ (dưới 45 tuổi). Đột quỵ cũng tấn công ngay cả trẻ em. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với việc chẩn đoán và điều trị.

Các thể đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng xảy ra khi máu cung cấp cho một vùng não nào đó bị ngừng hoàn toàn hoặc giảm đến mức quá thấp.

Tế bào thần kinh ở vùng não đó không được cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Tế bào não là những tế bào “quý tộc” nhất trong cơ thể nên chỉ trong vòng vài phút không được "tưới" máu, chúng sẽ bắt đầu chết thực sự.

Đột quỵ là một cấp cứu y khoa. Việc điều trị nhanh chóng và thích hợp đóng vai trò tiên quyết trong việc cứu sống bệnh nhân, làm giảm mức độ tổn thương não cũng như hạn chế những biến chứng và di chứng vốn thường rất trầm trọng.

Thường người ta chia đột quỵ thành hai thể. Thể thứ nhất là xuất huyết não do vỡ một mạch máu gây chảy máu vào trong não.

Chính xác thì Sharon Stone bị xuất huyết não trong lúc đang tập luyện chuẩn bị cho buổi chạy từ thiện. Thể thứ hai là thiếu máu cục bộ. Đây là loại đột quỵ thường gặp nhất, chiếm 80-90% tất cả các trường hợp đột quỵ được ghi nhận.

Nguyên nhân của thiếu máu não cục bộ thông thường do một cục máu hoặc mảng xơ vữa trong động mạch gây tắc nghẽn dòng máu nuôi tổ chức não.

Các yếu tố nguy cơ là do tuổi cao, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, hút thuốc và tăng mỡ máu.

Ngoài ra, còn có thể kể đến cơn thiếu máu não thoáng qua. Biểu hiện của nó giống như thiếu máu cục bộ nhưng triệu chứng sau đó biến mất hoàn toàn.

Hầu hết cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ kéo dài năm đến mười phút. Vì không gây đau nên biểu hiện này hay bị xem nhẹ và bỏ qua. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cảnh báo một cơn thiếu máu não cục bộ thực sự sẽ đến trong vòng vài ngày đến vài tuần sau đó.

Những điều cần biết để phòng tránh chứng đột quỵ ở người trẻ ảnh 2

Những triệu chứng cảnh báo đột quỵ

Cho dù còn rất trẻ, nhưng nếu gặp phải những triệu chứng này, hãy cẩn thận vì có nguy cơ cao bạn sẽ bị đột quỵ.

Đặc điểm chung của các biểu hiện này là rất đột ngột, có thể xảy ra ngay khi bạn đang ngồi họp, uống càphê, lái xe hay chơi thể thao.

Các biểu hiện bao gồm cảm giác tê rần (dị giác), yếu liệt một bộ phận nào đó, lẫn lộn trong suy nghĩ, nói khó, mờ mắt, chóng mặt, lảo đảo, đột ngột nhức đầu dữ dội.

Ngay khi có những biểu hiện này, cần nói rõ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè, người đồng hành về khả năng đột quỵ. Không nên cố gắng trì hoãn việc tư vấn y khoa vì bất cứ lý do gì.

Điều trị đột quỵ cách nào?

Có thể nói đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mặc dù người trẻ ít gặp hơn người già nhưng hậu quả thì rất tàn khốc.

Một điều may mắn là nếu được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời thì kết quả rất khả quan, giúp giảm tỷ lệ tử vong lẫn hạn chế di chứng tàn tật.

Điều trị có thể sử dụng thuốc làm tan cục máu gây tắc nghẽn mạch máu, can thiệp dùng dụng cụ lấy cục huyết khối hoặc bít tắc chỗ chảy máu do vỡ dị dạng mạch máu, phẫu thuật giải áp khi chảy máu chèn ép.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp điều trị thành công một cách ngoạn mục, bệnh nhân hầu như không có di chứng về tâm thần vận động. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp vì chủ quan bỏ qua các biểu hiện cảnh báo mà phải lãnh nhận những hậu quả đau lòng.

Những điều cần biết để phòng tránh chứng đột quỵ ở người trẻ ảnh 3

Phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

Trước tiên, cần nhận biết những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, bao gồm: hút thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ít vận động.

Từ đó, các biện pháp phòng ngừa đột quỵ cần thiết là: ngưng thuốc lá, thường xuyên tập luyện thể thao, ăn cá, rau, giảm cân, điều trị tăng mỡ máu, đái tháo đường và bệnh tim mạch nếu có.

Những biện pháp này không chỉ phòng ngừa đột quỵ cho tuổi trẻ mà cho cả cuộc đời. Quan trọng là khi có những dấu hiệu cảnh báo như đã nói ở trên thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp nhằm tránh những hậu quả tàn khốc của đột quỵ./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục