Theo trang mạng atimes.com, cụm từ “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử” đã được chính quyền Mỹ sử dụng nhiều lần, hiện tại là với Iran và sau đó là Venezuela.
Hiện khó có thể đếm được có bao nhiêu quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt. Các cái tên có thể nhận thấy rõ là Trung Quốc, Cuba, Iran, Triều Tiên, Nga và Venezuela. Tuy nhiên, trên thực tế, danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu từ “các biện pháp trừng phạt với các nước vùng Balkan” và kết thúc bằng “các biện pháp trừng phạt Zimbabwe.”
Các quốc gia "ngang ngạnh"
Mỹ hiện áp đặt các lệnh trừng phạt để chống khủng bố, chống tội phạm ma túy và chống phổ biến hạt nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào Mỹ cũng đưa ra “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất.”
Các biện pháp đó được dành cho một số nước vốn là tâm điểm của tin tức quốc tế.Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt này nhìn chung tương tự nhau - Mỹ sẽ bóp nghẹt khả năng giao thương và tiếp cận tài chính của một quốc gia chừng nào họ không làm theo những gì Mỹ yêu cầu.
Danh sách ban đầu của “các quốc gia bất hảo” từ năm 1994 bao gồm Cuba, Iran, Iraq, Libya và Triều Tiên. Danh sách hiện nay bao gồm Cuba, Iran, Triều Tiên, Sudan, Syria và Venezuela.
Sự thay đổi trong bản danh sách này không phải bởi các lệnh trừng phạt mà bởi sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq và Libya, thủ tiêu các nhà lãnh đạo và tiêu diệt thể chế của họ.
Công cụ tuyên truyền
Việc sử dụng các thuật ngữ như “chế độ bất hảo” và “quốc gia buôn bán ma túy” là nhằm phục vụ chiến dịch truyền thông toàn cầu.
Không một chính sách trừng phạt nào, cho dù được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ, có thể thành công nếu không có sự ủng hộ của quốc tế, dù thông qua Liên hợp quốc hay với các đồng minh truyền thống của Mỹ (chủ yếu là Liên minh châu Âu).
Mục tiêu của việc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và nhắc lại những cụm từ rập khuôn (như nhà độc tài, nạn đói, chủ nghĩa khủng bố, băng đảng ma túy) về một quốc gia là nhằm phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ quốc gia đó và bắt đầu nhằm hợp thức hóa kế hoạch thay đổi chế độ.
Viện cớ để trừng phạt
Thật đáng ngạc nhiên khi các hãng truyền thông lớn lại dễ dàng tin vào cái nhìn của Bộ Ngoại giao Mỹ về thế giới bên ngoài. Người ta không hề thắc mắc về quan điểm của Washington, cho dù chính sách đó được khởi xướng bởi chính quyền Barack Obama hay chính quyền Donald Trump.
Để trừng phạt Venezuela, chính quyền Mỹ ban đầu lên kế hoạch đảo chính (dù bất thành) hồi năm 2002 - khi “viện trợ nhân đạo” không phải cái cớ hợp lý. Tổng thống Barack Obama đã gia tăng trừng phạt năm 2015, nhưng không viện cớ vì tình hình “nhân đạo.”
[Nga lên án các biện pháp trừng phạt và đe dọa mới của Mỹ]
Vấn đề “nhân đạo” chỉ được nêu ra hồi cuối năm 2018 - nhiều năm sau khi sự sụt giảm của giá dầu gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở Venezuela. Cái cớ để áp đặt chính sách trừng phạt đã thay đổi, từ các vấn đề liên quan đến nhân quyền sang quan ngại về nạn đói.
Lệnh cấm vận và trừng phạt Iran của Mỹ bắt đầu từ năm 1979, khi Mỹ sử dụng sức mạnh của họ để tìm cách “bóp nghẹt” nước Cộng hòa Hồi giáo. Thời điểm đó, không ai nhắc tới vấn đề phổ biến hạt nhân. Nó chỉ trở thành vấn đề trong nhiều thập kỷ sau đó.
Một lần nữa, các chính sách trừng phạt vẫn giữ nguyên, chỉ có cái cớ để áp đặt trừng phạt là thay đổi.
Phá hủy một quốc gia để cứu lấy họ
Một quan điểm khác của Mỹ là khi muốn giải giáp một quốc gia, họ cần bị đánh bom đến mức hoang tàn; và để “nuôi dưỡng” một quốc gia, họ phải bị ngăn chặn tự do nhập khẩu lương thực.
Khi một quốc gia lâm vào cảnh khổ cực, hãy gia tăng sự khổ cực để chấm dứt sự khổ cực, phá hủy một quốc gia để cứu lấy họ. Trên thực tế, lịch sử đã đứng về kẻ mạnh, và giờ đây báo chí cũng như vậy./.