Những điều rút ra từ vòng đàm phán thứ nhất nhằm cứu vãn JCPOA

Theo Phó Giám đốc Dự án các vấn đề hạt nhân, các cuộc đàm phán khó khăn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đang được nối lại, nhưng không ai dám chắc các cuộc đàm phán này sẽ thành công.
Các phái đoàn tham dự vòng đàm phán Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) tại Vienna (Áo) ngày 17/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã diễn ra tại Vienna (Áo) vào 6/4. Đây là lần đầu tiên các thành viên của ủy ban này gặp nhau kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018.

Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và cam kết đưa Mỹ quay trở lại JCPOA (có kèm theo điều kiện).

Theo nhận định của Phó Giám đốc Dự án các vấn đề hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS), ông Eric Brewer, các cuộc đàm phán khó khăn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đang được nối lại, nhưng không ai dám chắc các cuộc đàm phán này sẽ thành công. 

Hiện giờ, các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran đang tập trung tại Vienna để chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán thứ 2 sau nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hồi tuần trước.

Những bước tiến sau đàm phán

Nhìn chung, vòng đàm phán đầu tiên kết thúc hồi tuần trước được đánh giá là mang tính xây dựng. Hai nhóm công tác cấp chuyên gia đã nhanh chóng được thành lập để phác thảo một kế hoạch về những gì Mỹ và Iran cần làm nhằm tuân thủ trở lại JCPOA.

Tất cả các bên đã đồng ý triệu tập lại tại Vienna để tiếp tục thảo luận thêm, đây là một tín hiệu lạc quan cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên, rõ ràng là sau cuộc đàm phán đầu tiên, hiện tồn tại các rào cản đáng kể để có thể phục hồi thỏa thuận.

Mặc dù các chi tiết cụ thể về những gì diễn ra ở Vienna vẫn chưa được biết, nhưng bình luận của các quan chức Mỹ và Iran đã giúp làm sáng tỏ lập trường của mỗi bên và các điểm mấu chốt liên quan.

Trong các cuộc hội đàm và trong một cuộc họp báo, các quan chức Mỹ đã tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ “tất cả các lệnh trừng phạt không phù hợp với JCPOA và không phù hợp với những lợi ích mà Iran mong đợi từ JCPOA," coi đây là một phần của việc hai bên cùng tuân thủ. Họ còn cho rằng các lệnh trừng phạt hạt nhân do Trump tái áp đặt đối với Iran rõ ràng "không phù hợp với các cam kết của Mỹ theo JCPOA."

Tuy nhiên, họ cũng để ngỏ khả năng duy trì các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump đã áp đặt đối với các thực thể lớn của Iran - bao gồm Ngân hàng Trung ương Iran, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran và Công ty Tàu chở dầu Quốc gia Iran.

Các biện pháp trừng phạt này có thể không mâu thuẫn về mặt kỹ thuật với JCPOA (mặc dù Iran phản bác điều này), nhưng nếu được giữ nguyên, chúng sẽ khiến Iran hầu như không thể nhận ra lợi ích của thỏa thuận, do đó ngăn cản sự hồi sinh của JCPOA.

Việc giám sát hạt nhân vẫn chưa rõ ràng

Hầu như không có thông tin gì liên quan đến các cuộc thảo luận về giám sát hạt nhân. Một số tin tức cho rằng vấn đề này đã được gác lại sau. Iran cho biết họ có thể nhanh chóng giảm bớt chương trình hạt nhân, nhưng Mỹ khẳng định rằng những hành động như vậy phải chịu sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Washington sẽ thận trọng yêu cầu Iran trước tiên phải chứng tỏ sự minh bạch - chẳng hạn như cho IAEA tiếp cận các camera tại các cơ sở hạt nhân của Iran và Iran phải thực hiện Nghị định thư bổ sung - trước khi Iran bắt đầu cắt giảm hạt nhân.

[Thỏa thuận hạt nhân Iran: Hoan nghênh những tiến triển mới]

Trong khi Mỹ tỏ ra linh hoạt ở Vienna thì Iran lại đưa ra thêm nhiều yêu cầu, gồm: Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt do chính quyền Trump áp đặt; Iran sau đó sẽ xác minh việc loại bỏ của họ trước khi đưa chương trình hạt nhân của mình trở lại tuân thủ thỏa thuận; và tất cả những điều này phải được thực hiện cùng một lúc, chứ không phải theo quá trình từng bước.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với Mỹ. Các lập trường này mâu thuẫn trực tiếp với các quan điểm của Mỹ, và trong một số trường hợp, mâu thuẫn với chính thỏa thuận. Do đó, Iran đã đặt ra một thách thức đáng kể cho việc khôi phục thỏa thuận. Giải quyết các vấn đề này sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, thỏa hiệp và làm dịu các yêu cầu của Iran.

Yêu cầu của Iran

Về yêu cầu đầu tiên, các quan chức Iran đã dành rất nhiều thời gian để nói rõ rằng tất cả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt dưới thời ông Trump phải được gỡ bỏ. Tuy nhiên, Mỹ đã nói rõ rằng họ sẽ không loại bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là Iran sẽ tỏ ra linh hoạt và nhượng bộ thế nào với yêu sách này.

Cũng khó có thể tưởng tượng Mỹ sẽ đồng ý đáp ứng yêu cầu thứ hai của Iran như thế nào, đó là Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, sau đó Iran xác minh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, rồi mới bắt đầu quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Iran đã gợi ý rằng việc xác minh gỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể bao gồm các bước như xuất khẩu dầu thành công, ký hợp đồng dầu mới và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua nhiều kênh. Việc xuất khẩu dầu mang tính biểu tượng là một chuyện, nhưng việc chờ đợi Iran ký nhiều hợp đồng lại là chuyện khác.

Hiện vẫn phải chờ xem liệu các bên có thể đạt được tiến triển sau khởi đầu mang tính xây dựng ở Vienna hay không. Những nỗ lực phá hoại gần đây nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran có thể sẽ khiến điều đó trở nên khó khăn hơn trong ngắn hạn.

Cũng có khả năng Tehran không có ý định thỏa hiệp sớm: Có thể, lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei cho rằng việc đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6/2021 mới tham gia đàm phán một cách nghiêm túc sẽ đem lại lợi ích cho ông và đất nước của ông.

Trong tuần này, Mỹ và các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ hiểu rõ hơn liệu lập trường của Iran là “lằn ranh đỏ” hay “lằn ranh hồng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục