Những lợi ích của FTA giữa Mercosur và Liên minh châu Âu

Tổng thống của Italy và Brazil cho rằng việc Mercosur và Liên minh châu Âu nhanh chóng thông qua thỏa thuận là “cần thiết," bởi thỏa thuận sẽ đóng góp cho sự phát triển của cả hai khu vực.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella (phải) và người đồng cấp Brazil Lula da Silva. (Ảnh: merco press)

Ngày 15/7, trong buổi tiếp Tổng thống Italy Sergio Mattarella, trong chuyến thăm Brazil, Tổng thống Lula da Silva bày tỏ mong muốn sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu với báo giới sau hội đàm tại Brasilia, Tổng thống Lula da Silva bày tỏ quá trình đàm phán giữa hai khối phụ thuộc vào các nước châu Âu giải quyết những vấn đề nội bộ khối. Ông cho biết cả hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng việc nhanh chóng thông qua thỏa thuận là “cần thiết," bởi thỏa thuận sẽ đóng góp cho sự phát triển của cả hai khu vực.

Đàm phán FTA giữa Mercosur và EU kéo dài hơn 20 năm do 27 quốc gia thành viên EU còn quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường ở các nước Mercosur, trong khi đó một số quốc gia Nam Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xuất khẩu nông sản.

Tổng thống Lula da Silva cho biết các yêu cầu về môi trường do EU áp đặt sẽ ảnh hưởng đến 5 trong số 10 sản phẩm của Brazil xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Italy. Ông cũng nêu rõ: “Việc giảm lượng khí thải CO2 là bắt buộc, nhưng không nên thực hiện dựa trên các biện pháp đơn phương sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Brazil và người tiêu dùng Italy."

Năm 2019, EU và Mercosur đã đạt một thỏa thuận khung về FTA sau hai thập kỷ đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn do châu Âu lo ngại về tình trạng tàn phá rừng Amazon, cũng như hoài nghi về chính sách đối phó tình trạng Biến đổi Khí hậu dưới thời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (2019-2023), người tiền nhiệm của ông Lula da Silva.

Mercosur được thành lập bởi Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay thông qua Hiệp ước Asuncion năm 1991. Với hơn 300 triệu dân và diện tích gần 15 triệu km2, Mercosur được biết đến với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lương thực.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mercosur vừa diễn ra vào tuần trước tại Paraguay, Bolivia đã chính thức trở thành thành viên của khối này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục