Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của Đại hội thể thao thế giới (Olympic) lại chứng kiến một kỳ đại hội với làn sóng phản đối mạnh mẽ như tại Olympic Rio 2016.
Trong suốt hai ngày cuối tuần đầu tiên của Olympic, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer đã diễn ra tại thành phố biển Rio de Janeiro.
Trên thực tế, các cuộc biểu tình đã diễn ra kể từ trước khi Olympic 2016 chính thức khởi tranh vào ngày 5/8 vừa qua.
Nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn của người dân Brazil chủ yếu xuất phát từ chính sách an sinh xã hội và Tổng thống lâm thời Temer.
Trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang rơi vào cuộc cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử, người dân Brazil đã chỉ trích việc chính phủ đầu tư quá nhiều để tổ chức Olympic trong khi các bệnh viện và trường học không có kinh phí hoạt động.
Những người biểu tình còn bày tỏ sự bất bình đối với Tổng thống Temer, tố cáo chính phủ của ông đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống hợp hiến Dilma Rousseff, người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ để xét xử với cáo buộc "làm đẹp" báo cáo tình trạng thâm hụt ngân sách năm 2014.
Ngay tại lễ khai mạc đại hội, ông Temer dù không có bài phát biểu dài mà chỉ đơn thuần công bố khai hội, song khán giả vẫn dễ dàng nghe thấy những tiếng la ó phản đối ông.
Trong thời gian diễn ra một số trận đấu, một số người biểu tình đã giăng biểu ngữ với nội dung “Temer Out” thể hiện sự phản đối ông Temer. Lực lượng an ninh đã tịch thu những biểu ngữ này, thậm chí trong một số trường hợp, họ buộc phải lôi những người biểu tình ra khỏi sân vận động Maracana.
Hành động này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích của người dân Brazil trên mạng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes cho rằng việc cấm những biểu ngữ trên chỉ là một biện pháp hành chính và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Ngược lại, các chuyên gia về pháp luật lại có quan điểm trái chiều khi cho rằng việc cấm đoàn các cuộc biểu tình là vi hiến, ngoại trừ trường hợp những cuộc biểu tình đó làm gián đoạn các trận thi đấu.
Trong khi đó, phía ban tổ chức Olympic đã ủng hộ giới chức Brazil khi nhấn mạnh Hiến chương Olympic cấm mọi hành động tuyên truyền chính trị tại khu vực thi đấu, cũng như bất kỳ thông điệp liên quan đến vấn đề tôn giáo hay chủng tộc nào.
Người phát ngôn của Olympic Rio 2016, ông Mario Andrada nhấn mạnh “các cổ động viên tại sân vận động được yêu cầu không đưa ra những phát ngôn liên quan đến chính trị và sẽ bị yêu cầu ra ngoài nếu họ phản đối"./.