Những người gieo “hạt giống” nối dài sự sống

Chuyện về hiến tạng của gia đình ông Lê Xuân Cựu và những người hiến mô, tạng sau khi chết não như một câu chuyện cổ tích đáng khâm phục. Họ đã gieo những hạt giống mang lại sự sống cho người ở lại.
Một ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Quyết định hiến tạng của con tôi để cứu sống những người khác đã được đưa ra chóng vánh với sự đồng thuận nhất trí cao giữa bố mẹ, vợ-con, các anh chị em ruột thịt hai bên gia đình và hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi hiểu rằng, sự ‘cho đi’ là ‘còn mãi mãi… Đâu đó trên cõi đời này, con em chúng tôi vẫn còn hiện diện và dõi theo chúng tôi…”

Gần 2 năm trước, giữa khán phòng bao quan khách, người đàn ông với thân hình gầy guộc, mái tóc bạc, đôi mắt trĩu nặng nỗi suy tư, giọng nói nghèn nghẹn, nén những nỗi đau tận cùng khi người con trai ra đi, ông Lê Xuân Cựu trải lòng về thời khắc cùng gia đình đưa ra quyết định khiến nhiều người đáng khâm phục – hiến 6 tạng để cứu sống những người đang mong chờ cơ hội.

[Thực hiện thành công ca ghép phổi thứ hai từ người cho chết não]

Và đến lượt ông, khi cảm nhận thấy sức khoẻ của mình không còn nhiều, ông Lê Xuân Cựu đã cẩn thận, tỉ mỷ dặn dò tất cả con cháu, thân thể còn được gì ông muốn hiến hết để cứu người. Sau khi ông tạm biệt cõi trần, đôi giác mạc của ông đã được các đơn vị y tế tiếp nhận.

“Cho đi là còn lại” và “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài,” quan điểm ấy đã được ông Lê Xuân Cựu (ở phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) và gia đình chứng minh qua nhiều thế hệ khác nhau đã và đang truyền cảm hứng để ngày càng có thêm nhiều người mang cơ hội sống đến cho đồng loại.

Thắp lên ngọn lửa bất diệt về tình người

Đến bây giờ, nhiều người dân ở Tam Điệp vẫn nhắc đến ông Lê Xuân Cựu và những người thân của ông như là một tấm gương để họ học hỏi. Nguyên là một cán bộ lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Tam Điệp, khi còn sống, ông luôn đau đáu có tâm nguyện là khi mất được hiến tặng mô, tạng để góp phần cứu chữa cho những người khác khi cần đến.

Con trai ông Lê Xuân Cựu là Thiếu tá Lê Hải Ninh đã qua đời vào cuối tháng 2/2018. Trong những giờ phút sinh ly tử biệt, người nhà đã quyết định hiến tạng của anh để mang cơ hội sống tốt cho nhiều người khác.

Khi chia sẻ về quyết định hiến 6 tạng của con trai mình, cả hội trường lặng thinh, ông Lê Xuân Cựu với đôi mắt trầm buồn, chầm chậm tỏ lòng mình trong giờ phút sinh ly tử biệt ấy: “Việc con chúng tôi mất đi là một nỗi tổn thất to lớn của gia đình không có gì bù đắp được. Song, các ca ghép tạng thành công đem lại sự sống cho nhiều người thật sự là nguồn an ủi, động viên xen lẫn tự hào của gia đình, họ tộc chúng tôi. Qua việc làm cụ thể của gia đình mình, chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng phong trào hiến tạng sẽ được lan toả rộng rãi trong toàn xã hội, để có thể giúp cho nhiều người đang cần tạng để ghép mà chưa có nguồn can thiệp, giúp họ ở lại và cống hiến thêm cho cuộc đời, cho xã hội”.

Ông Lê Xuân Cựu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quyết định hiến tạng thiếu tá Lê Hải Ninh – [Người hiến đa tạng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình] của gia đình ông Cựu đã tiếp lửa trên hành trình mang lại sự sống cho biết bao người. Đến nay, 5 người được nhận tạng của thiếu tá Lê Hải Ninh đã được duy trì cuộc sống. Như một phép màu, họ đã được “tái sinh” theo cách thật kỳ diệu!

Chưa dừng lại ở đó, một lần nữa, những nghĩa cử cao đẹp lại được thắp lên. Ngày 10/10, ông Lê Xuân Cựu qua đời ở tuổi 74. Trước giờ phút lâm chung, ông vẫn canh cánh dặn dò tất cả con cháu, thân thể mình còn được gì ông muốn hiến hết để cứu người.

Ngay sau khi trái tim của ông ngừng đập, gia đình đã thông báo đến Hội Chữ thập Đỏ các cấp và Bệnh viện Mắt Trung ương để thực hiện việc tiếp nhận đôi giác mạc mà ông hiến tặng. Sự ra đi của ông Cựu và đôi giác mạc ông để lại dành hiến tặng cho những ai cần lại thêm một lần nữa khiến bao người thật sự xúc động.

Tâm nguyện của ông Cựu đã được thực hiện. Đôi giác mạc của ông sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối để đem tới ánh sáng, niềm hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp cho một người khác. Những hành động đó tạo nên những câu chuyện đẹp về tình người về nguồn sống.

Nối tiếp truyền thống của gia đình, hiện vợ và hai người con gái của ông Cựu đều đã đăng ký hiến tặng mô, tạng cho y học sau khi qua đời.

Hai con người trong một gia đình ấy ra đi, nhưng họ đã mang lại sự sống cho bao người khác. Họ gửi lại với những người ở lại một sự trân trọng đáng kính. Những nguồn tạng được hiến tặng như những “báu vật” vô giá cùng sự tâm huyết tận tình của các bác sỹ. Để rồi từ đó, những cuộc đời mới đã được hồi sinh…

“Tôi đã cải tử hoàn sinh”

Da hồng nào, cân nặng đã tăng đáng kể, dáng người hoạt bát nên hầu hết mọi người đều không thể đoán được là anh N. M.T (57 tuổi) ở Hà Nội, vừa đứng trên bờ vực giữa sự sống và cái chết do suy thận.

Anh T. tâm sự: “Tôi đã được cải tử hoàn sinh từ tấm lòng của gia đình người hiến tạng. Tôi không còn những lần phải lọc máu, tình trạng suy thận đã không còn kể từ khi tôi có may mắn được ghép thận nhận từ người cho chết não.”

Trước khi được ghép thận, anh N.M.T là bệnh nhân suy thận giai đoạn 4. Anh T. phải lọc máu cấp cứu nhiều lần, sức khoẻ giảm sút nhiều. Ca ghép thận đã diễn ra thành công, tới nay, sau gần 2 năm ghép thận, sức khoẻ của anh T. đã hồi phục tốt, anh có thể làm việc, đi lại và sinh hoạt như những người bình thường khác.

“Cuộc đời của tôi như bước sang một trang mới. Tôi đã hồi phục và có sức khoẻ như những người bình thường khác nhờ thận của người hiến. Tôi đi lại, hoạt động, làm việc bình thường. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết cảm ơn người hiến tạng và gia đình của họ, vì họ như ân nhân, với những tấm lòng cao quý, đầy tính nhân văn ấy đã “hồi sinh” sự sống cho tôi như ngày hôm nay”, anh T. chia sẻ.

Anh T. là một trong số những người may mắn đã nhận được tạng từ thiếu tá Lê Hải Ninh. Những bệnh nhân được ghép tạng như anh T. có được sự sống nhờ được “tiếp lửa” của các tấm lòng cho đi để người khác được ở lại. Đó là những đoá hoa đã đơm trái ngọt, những tâm nguyện của người hiến tạng gửi đi được tiếp nối thành công…

Theo thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến nay đã có hơn 4.200 trường hợp được ghép tạng. Số người đăng ký hiến tạng sau khi chết não có khoảng gần 30.000 người.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phân tích: Hiện nay, các bác sỹ Việt Nam đã ghép được tim, gan, thận, phổi và tiến tới có thể ghép tay, chân, ghép mặt, ruột, tử cung… Những tiến bộ của y học đã mở ra cánh cửa rộng cho những người bệnh cần ghép tạng và các bộ phận khác của cơ thể nhờ những người hiến tặng mô tạng sau khi chết não.

Qủa thực, chuyện về hiến tạng của gia đình ông Lê Xuân Cựu và những người hiến mô, tạng sau khi bị tai nạn chết não như một câu chuyện cổ tích đáng khâm phục. Họ và gần 30.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết não đang chứng minh trong hành trình nối dài sự sống làm nên sứ mệnh mới, gieo những hạt giống mang lại sự sống cho người ở lại…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục