Những người thầy lớn lên từ nương rẫy, tận tậm với trẻ vùng cao

Vượt qua biết bao khó khăn để hiện thực hóa ước mơ của mình, các thầy cô giáo người dân tộc thiểu số lại chăm sóc, nuôi dưỡng và truyền lửa khát vọng cho những trẻ em vùng khó.
Giờ học của cô Hồng Linh và các học sinh. (Ảnh: PV)

Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng với nương rẫy cằn khô nơi núi đá, trải qua tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, những thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số đã vượt lên tất cả để học tập, trưởng thành. Và họ lại dành tất cả yêu thương để chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ những học sinh vùng khó, bù đắp cho các em như bù đắp lại cho chính tuổi thơ mình, truyền lại khát khao tri thức và khát vọng vươn lên của chính mình.

Bữa cơm rơi nước mắt

Sinh ra và lớn lên tại làng Pleipa Ama H’Lăk, xã Chứ Mố, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai, trong một gia đình người Gia-rai nghèo khó, thầy Nay A Yôn (giáo viên trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn nhớ rõ những ngày tháng tuổi thơ cơ cực. Cậu bé Nay A Yôn phần lớn thời gian ở với bà vì mẹ, bác và cậu phải đi làm từ sáng sớm đến tối mờ mới về nhà, khi A Yôn đã đi ngủ.

Vất vả nhưng gia đình cũng không dư giả gì, chỉ đủ sống qua ngày, phải ăn cơm độn. “Bà kể, khi tôi khoảng 3-4 tuổi, một buổi tối cả nhà đang ngồi ăn cơm, cậu út nói với ông bà: ‘ba mẹ ơi con ăn cơm trộn gạo với bắp không ngon tí nào’. Tôi ngồi cạnh cũng nói theo: ‘ông bà ơi cháu cũng vậy, nhưng cháu cố ăn vì cháu không dám nói sợ ông bà buồn’. Thế là cả nhà đang ngồi ăn bỗng dừng lại, ai cũng rơi nước mắt và ôm lấy tôi,” thầy A Yôn xúc động kể.

Chính cuộc sống khó khăn thiếu thốn và tình yêu thương của gia đình đã giúp cho A Yôn có thêm quyết tâm trong học tập để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cậu trở thành học sinh giỏi đầu tiên của Trường Trung học cơ sở Chứ Mố (nay là Trường Trung học cơ sở Nay Der) kể từ khi trường thành lập. Lên cấp ba, A Yôn phải đi học ở trung tâm huyện, cách nhà 10km, lại phải đi qua sông Ba, mùa khô lội qua sông, mùa mưa đi cano, phải tốn tiền mua xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập...

Những lớp học vùng cao với rất nhiều thiếu thốn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Nhưng khó khăn lớn nhất là ở huyện phải giao tiếp bằng tiếng Việt mà lúc học ở làng chưa bao giờ nói tiếng Việt nên tôi và các bạn rất sợ không nói được, cũng không hiểu được bài thầy cô giảng,” A Yôn nhớ lại. Với quá nhiều khó khăn, đầu năm lớp 10, làng của A Yôn có khoảng 12 bạn nhưng đến cuối lớp 10 chỉ còn lại 4 bạn theo học.

Bỏ học hay theo đuổi ước mơ?

Ngày biết tin trúng tuyển vào Đại học sư phạm Quy Nhơn, A Yôn vô cùng hạnh phúc khi biết ước mơ thuở bé đã dần thành hiện thực. Nhưng ngay sau niềm vui là sự lo lắng khi tài chính cho những năm tháng học đại học nơi đô thành là cả một bài toán khó.

Giống như thầy A Yôn, cô Đinh Thị Hồng Linh, người dân tộc Hre, giáo viên Trường Mẫu giáo AN Dũng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) cũng đã trải qua tuổi thơ nhiều khó khăn, thiếu thốn. Gia đình có tám anh chị em, bố mẹ Linh phải làm việc quần quật để nuôi các con ăn học.

“Khi biết tin mình đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương I, tôi vừa mừng vừa lo, biết lấy tiền đâu đi học. Sau nhiều lần bàn tính, bố mẹ đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng bằng mọi cách cho tôi đi học. Để có tiền đóng học phí, tôi vừa học, vừa đi làm thêm vào cuối tuần. Cũng có lúc mệt rã rời, nhưng tôi thấy hạnh phúc vì sự nỗ lực của bản thân, quan trọng hơn là tôi đã đỡ phần chi phí cho bố mẹ ở nhà,” cô Linh bồi hồi kể.

Ngoài dạy chuyên môn, thầy Huynh còn đảm nhiệm công tác tổng phụ trách của trường. (Ảnh: PV)

Thầy Triệu Văn Huynh, người dân tộc Tày, giáo viên Trường Trung học cơ sở Châu Văn Liêm (tỉnh Cần Thơ) vẫn nhớ những ngày đầu rời xa gia đình để trọ học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn.

“Cuộc sống xa nhà khiến tôi thấy cô đơn và nhiều trăn trở. Biết cha mẹ đã già, không làm ra tiền, lại thường xuyên bệnh tật nên mỗi khi không còn đồng nào để chi tiêu cá nhân, tôi lại cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh, không biết phải làm gì, rồi mình sẽ ra sao? Rất nhiều đêm tôi không thể ngủ được, chỉ muốn bỏ tất cả việc học hành, bỏ lại ước mơ để đi kiếm việc làm giúp đỡ bố mẹ. Nhưng tôi sẽ làm gì đây khi mới chỉ 16 tuổi, các anh chị cũng đã phải bỏ dở việc học hành, chỉ còn mình tôi. Tôi muốn thực hiện ước mơ của mình, cũng là của các anh chị, mang lại niềm tự hào cho gia đình. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi trở nên mạnh mẽ và cố gắng vượt qua tất cả để trở thành người giáo viên,” thầy Huynh xúc động nói.

Mong cuộc sống mới cho học trò

Vượt qua biết bao khó khăn để hiện thực hóa ước mơ của mình, các thầy cô giáo người dân tộc thiểu số lại chăm sóc, nuôi dưỡng và truyền lửa khát vọng cho những trẻ em vùng khó bằng chính sự thấu cảm, thương yêu sâu sắc.

Lãnh đạo Ủy ban các dân tộc thiểu số gặp mặt các giáo viên người dân tộc thiểu số trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. (Ảnh: TTXVN)

Cô Đinh Thị Hồng Linh bảo được về dạy tại chính An Dũng, nơi cô sinh ra và lớn lên, là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn, dù đây là một xã miền núi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định. Dân cư đa số là người dân tộc Hrê, chủ yếu làm nương rẫy, trình độ dân trí thấp. Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại còn hạn chế, có sông nhưng không có cầu nên đến mùa mưa học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học. Có những hôm, cha mẹ các em di làm xa không về kịp để đón con, cô Linh phải cõng từng em qua sông để trở về nhà.

Dù khó khăn, nhưng cô Linh bảo mình sẽ không bao giờ từ bỏ và sẽ luôn nỗ lực từng ngày vì nhìn các em, cô thấy hình ảnh của chính mình. Vì thế, Linh luôn nỗ lực tìm mọi cách để dạy học sinh tốt nhất, như cách để bù đắp cho các em những thiệt thòi, khó khăn, vất vả, hy vọng những nỗ lực đó của mình sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các em trong những giờ lên lớp.

[Giữ yêu thương, trách nhiệm với từng khóa học sinh của cô giáo trẻ]

Không được may mắn như cô Linh, để thực hiện giấc mơ nghề giáo, thầy Triệu Văn Huynh đã phải rời quê nhà Bắc Kạn vào tận Cần Thơ. Ngôi trường Châu Văn Liêm thầy đang dạy học sinh đa số là người dân tộc Khomer nhiều thiếu thốn. Đồng cảm với các em, thầy Huynh không chỉ tận tâm dạy dỗ mà còn tham mưu với ban giám hiệu vận động các mạnh thường quân chăm lo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện tới trường.

“Dù bản thân phải sống xa quê, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ luôn giúp đỡ các em học sinh với tất cả tri thức và khả năng của mình, chỉ mong sao mang lại cho các em cuộc sống tốt đẹp nhất,” thầy Huynh xúc động nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục