Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 4-10/5

Lễ duyệt binh lớn nhất kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít tại Nga và kết quả bầu cử Hạ viện ở Anh là hai trong số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Nga tổ chức duyệt binh lớn nhất kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít
Ngày 9/5, Liên bang Nga đã tổ chức trọng thể cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phátxít trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Khoảng 16.000 binh sỹ, trong đó có binh sỹ một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Armenia, Serbia, Kazakhstan, Kyrgyzstan đã tham gia cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cùng với đó là các thế hệ khí tài hiện đại đời mới của Nga, trong đó đáng chú ý có "siêu" xe tăng Armata T-14 xe tăng.

Tham dự sự kiện có 27 nguyên thủ các nước, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân. Bên cạnh đó, có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova.

Cùng với Lễ duyệt binh trên Quảng trưởng Đỏ, các cuộc diễu binh, diễu hành nhỏ cũng được diễn ra đồng thời tại 25 thành phố khác của Nga với sự tham gia của khoảng 25.000 binh sỹ và cả tàu ngầm hạt nhân.

Binh sỹ Nga tham gia lễ duyệt binh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tổng thống Nga Putin cảm ơn Mỹ, Anh, Pháp vì Chiến thắng Phátxít
Triều Tiên thử thành công "vũ khí chiến lược cấp độ thế giới"
Triều Tiên đã bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm mới được Bình Nhưỡng phát triển và mô tả là “vũ khí chiến lược cấp độ thế giới.”

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ “tên lửa đạn đạo này được phát triển dựa trên sáng kiến cá nhân của Tư lệnh Tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, đáp ứng được những đòi hỏi mới nhất về khoa học và công nghệ quân sự, đồng thời gọi vụ thử là “một thành công rực rỡ” ngang tầm với một vụ phóng vệ tinh.”

KCNA tuyên bố thêm việc làm chủ công nghệ này sẽ giúp Quân đội nhân dân Triều Tiên có thể sở hữu một loại vũ khí chiến lược cấp độ thế giới có khả năng tấn công và quét sạch khỏi bất cứ vùng biển nào những lực lượng thù địch xâm phạm chủ quyền và phẩm giá của Triều Tiên, cũng như cho phép tiến hành bất cứ chiến dịch dưới mặt nước nào.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh bắn thử và theo dõi tên lửa trên phóng đi từ một tàu ngầm. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Quân đội Triều Tiên tiếp tục bắn thử ba tên lửa tầm ngắn
EU-Trung Quốc tiến hành vòng đối thoại chiến lược cấp cao lần thứ 5
Ngày 5/5, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành vòng đối thoại chiến lược cấp cao lần thứ 5 tại thủ đô Bắc Kinh nhằm thảo luận các biện pháp cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế và hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Vòng đối thoại này do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU Federica Mogherini đồng chủ trì, đã diễn ra trước lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc-EU.

Phát biểu với các phóng viên, ông Dương Khiết Trì và bà Mogherini cho biết cuộc đối thoại đã diễn ra thành công.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) trong cuộc gặp Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tại Bắc Kinh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: EU-Trung Quốc tiến hành vòng đối thoại chiến lược cấp cao lần thứ 5
Liên quân Saudi Arabia oanh tạc sân bay quốc tế ở thủ đô Yemen
Ngày 9/5, các máy bay chiếu đấu thuộc lực lượng liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã oanh tạc sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa của Yemen.

Động thái này diễn ra ngay sau khi chính quyền do phiến quân Houthi kiểm soát ở thành phố này tuyên bố sẽ mở lại sân bay để tiếp nhận viện trợ nhân đạo.

Theo các nhân chứng, đường băng của sân bay đã bị trúng 2 quả tên lửa. Chỉ 1 ngày trước đó, cơ quan hàng không dân sự tại Sanaa thông báo sẽ tạm thời mở lại sân bay này, vốn là mục tiêu thường xuyên của các cuộc không kích.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của liên quân Arab tại thủ đô Sanaa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: LHQ: Các cuộc không kích ở Yemen vi phạm luật pháp quốc tế
Quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran bắt đầu có dấu hiệu "tan băng"
Mỹ và Iran đang có những biện pháp "có đi, có lại" liên quan tới trụ sở Phòng đại diện quyền lợi tại thủ đô hai nước.

Giới chuyên gia nhìn nhận đây là động thái "tan băng" đầu tiên trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Mỹ đã cho phép Iran chuyển địa điểm Văn phòng đại diện quyền lợi của nước này từ đường Wisconsin tới một trụ sở mới trên đường 23, phía Tây Bắc thủ đô Washington DC.

Đổi lại, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Tehran, được ủy quyền, đã và đang tìm kiếm một địa điểm mới để xây dựng trụ sở Phòng đại diện quyền lợi của Mỹ tại Tehran thay cho trụ sở hiện nay mà phía Mỹ cho là không còn thích hợp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran bắt đầu có dấu hiệu "tan băng"
Bầu cử Anh 2015: Đảng Bảo thủ chiến thắng ngoạn mục
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đã giành chiến thắng ngoạn mục tại cuộc bầu cử Hạ viện Anh vừa diễn ra ngày 7/5.

Kết quả cuối cùng từ Ủy ban bầu cử Anh công bố tối 8/5 theo giờ Việt Nam cho biết đảng Bảo thủ đã giành được 329 ghế tại Hạ viện gồm 650 ghế, cao hơn mức quá bán (326 ghế) để có thể đơn phương thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào khác như ở kỳ bầu cử năm 2010.

Trong khi đó, Công đảng của thủ lĩnh Ed Miliband chỉ giành được 232 ghế. Kết quả này gây ngỡ ngàng với tất cả những ai quan tâm khi mọi cuộc thăm dò của các tổ chức uy tín nhất trước đó đều dự báo cán cân "một chín, một mười" giữa hai chính đảng lớn nhất nước Anh và không đảng nào giành được đa số phiếu để có thể độc lập thành lập chính phủ mới.

Trong số các đảng nhỏ hơn, đảng Dân tộc Scotland (SNP) của nữ thủ lĩnh Nicola Sturgeon thắng vang dội khi giành được 56 ghế trong tổng số 59 ghế nghị sỹ của xứ Scotland.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và phu nhân Samantha bên ngoài Tòa nhà Số 10 phố Downing ở London ngày 8/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Không có hoa hồng chờ đón Thủ tướng Anh David Cameron
Số bệnh nhân tử vong do virus Ebola vượt quá 11.000 người
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 6/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số người thiệt mạng do virus Ebola hiện là hơn 11.000 người.

Theo WHO, chỉ riêng tại ba quốc gia Tây Phi nằm trong tâm dịch là Sierra Leone, Liberia và Guinea, đã có 26.593 người nhiễm virus Ebola, với 11.005 ca tử vong.

Liberia là quốc gia có nhiều người tử vong do virus Ebola nhất, hiện là 4.716 trường hợp, Sierra Leone có 3.903 trường hợp và Guinea 2.386 trường hợp.

Tuy nhiên, WHO cũng cho biết tình hình khống chế virus Ebola tại 3 quốc gia này đã được cải thiện đáng kể. Số ca lây nhiễm mới tại Guinea và Sierra Leone đã giảm mạnh, tại mỗi nước chỉ ghi nhận 9 trường hợp nhiễm mới trong tuần qua, trong khi tại Liberia không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Ebola tại bệnh viện Donka ở Conakry, Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Liberia thoát khỏi dịch Ebola
Kết thúc điều tra về cái chết của lãnh tụ Palestine Arafat
Văn phòng công tố ở Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, ngày 5/5 thông báo các thẩm phán Pháp đã kết thúc cuộc điều tra về cái chết của cố lãnh tụ Palestine Yasser Arafat hồi năm 2004.

Vợ góa của ông Arafat, bà Suha đã đệ đơn kiện lên tòa ở Nanterre vào năm 2012, khẳng định chồng bà đã bị đầu độc.

Thụy Sỹ đã xét nghiệm các mẫu sinh học từ các đồ dùng cá nhân của ông Arafat được trao lại cho bà Suha sau khi ông qua đời tại Paris và phát hiện "nồng độ poloni bất thường" và đưa ra giả thuyết ông đã bị đầu độc bởi chất độc phóng xạ cực mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp lại khẳng định rằng các chất poloni-210 và chì-210 tìm thấy trong ngôi mộ của ông Arafat cũng như các vật dụng cá nhân của ông là từ môi trường xung quanh.

Nhà lãnh đạo Palestin Yasser Arafat tại thành phố Ramallah trước khi lên đường tới Pháp chữa bệnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Pháp kết thúc điều tra về cái chết của lãnh tụ Palestine Arafat
Giá lương thực thế giới giảm xuống gần mức thấp nhất 5 năm
Theo Cơ quan Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới trong tháng Tư vừa qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010 khi bơ sữa dẫn dầu xu hướng giảm của hầu hết mặt hàng.

FAO dự đoán sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 1,5% so với năm trước, với tổng sản lượng đạt 2,509 tỷ tấn, chủ yếu do sản lượng ngô sụt giảm.

Dự trữ ngũ cốc toàn cầu vào cuối niên vụ 2015-2016 được dự đoán sẽ đạt 626,6 triệu tấn trong khi sản lượng lúa mỳ toàn cầu ước đạt 719,1 triệu tấn.

Công nhân bốc dỡ gạo nhập khẩu tại cảng ở thủ đô Manila, Philippines. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Giá lương thực thế giới giảm xuống gần mức thấp nhất 5 năm
Thượng viện Mỹ thông qua khoản cắt giảm ngân sách 5.000 tỷ USD
Ngày 5/5, với 51 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự thảo ngân sách do Đảng Cộng hòa đề xuất, theo đó cắt giảm hơn 5.000 tỷ USD các khoản chi tiêu nội địa để giảm thiểu thâm hụt ngân sách trong vòng một thập kỷ tới, đồng thời loại bỏ Luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là ObamaCare.

Tất các Thượng nghị sỹ Dân chủ và 2 nghị sỹ Cộng hòa là Ted Cruz và Rand Paul bỏ phiếu phản đối.

Kế hoạch này cũng tăng 7% (khoảng 38 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng năm tới.

Trụ sở Quốc hội Mỹ. (Nguồn: commons.wikimedia.org)

Xem thêm tại đây: Thâm hụt thương mại của Mỹ cao nhất trong hơn 6 năm qua
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục