Những thách thức đối với tiến trình hòa bình, chính trị ở Afghanistan

Chuyên gia cho rằng Taliban nhiều khả năng sẽ thực hiện các thỏa hiệp ngắn hạn để hợp pháp hóa vai trò của họ trong chính phủ, nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu tái lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo.
Những thách thức đối với tiến trình hòa bình, chính trị ở Afghanistan ảnh 1Binh sỹ Afghanistan trong chiến dịch quân sự tại quận Zhari, tỉnh Kandahar, Afghanistan ngày 25/1/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) đã đăng bài phân tích của Phó Giám đốc Viện AIIA Ian Dudgeon về tình hình tại Afghanistan và dự báo những khả năng có thể xảy ra sau khi Mỹ và đồng minh rút quân trong năm 2021.

Tác giả nhận định 12 tháng qua đã chứng kiến những tiến triển hướng tới các thỏa thuận chính trị và hòa bình tiềm năng ở Afghanistan.

Tuy nhiên, tiến triển này sẽ phụ thuộc vào các diễn biến tiếp theo trong năm 2021.

Trong khi đó, các bên liên quan, từ Afghanistan tới cộng đồng quốc tế đang bày tỏ các thái độ khác nhau, từ lạc quan một cách thận trọng tới sự bi quan tột độ.

Giải pháp cuối cùng ở Afghanistan là một thỏa thuận chính trị lâu dài được cả Taliban và “phe Afghanistan” (gồm chính phủ Afghanistan và các đại diện khác) chấp nhận.

[Chính phủ Afghanistan chỉ trích Taliban không tích cực hòa đàm]

Giải pháp đó có liên hệ với một dàn xếp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gay gắt đã kéo dài 19 năm ở Afghanistan.

Ba diễn biến chính trong năm 2020, vốn đã khởi động và sẽ định hình phần lớn các giải pháp, là thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban được ký kết tại Doha hôm 27/2/2020, việc khởi động các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan hôm 12/9/2020 và hội nghị các nhà tài trợ của Afghanistan được tổ chức tại Geneva hôm 23-24/11/2020. Tất cả đều có liên hệ với nhau, nhưng cũng mang tính điều kiện.

Việc đạt được bất kỳ thỏa thuận chính trị lâu dài nào sẽ là một thách thức lớn do kỳ vọng của mỗi bên về cơ bản là khác nhau.

Phía Afghanistan nhấn mạnh mong muốn giữ lại những thành tựu cơ bản đã đạt được kể từ năm 2001 bao gồm hiến pháp, bầu cử dân chủ và bảo vệ quyền của phụ nữ, thanh niên và dân tộc thiểu số.

Kỳ vọng của chính phủ Afghanistan đã được củng cố bởi các tuyên bố được đưa ra vào ngày 24/11/2020 trong thông cáo hội nghị của các nhà tài trợ Afghanistan, tuyên bố bổ sung của Ủy ban châu Âu (EC) và một tuyên bố riêng của 13 nhà tài trợ hàng đầu, bao gồm Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Các tuyên bố cũng nêu rõ về các điều kiện cần được đáp ứng bởi cả chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban như cơ sở để tiếp tục được nhận viện trợ nước ngoài.

Những điều kiện này bảo vệ các quyền tự do cơ bản bao gồm quyền của phụ nữ và dân tộc thiểu số, đa nguyên dân chủ, pháp quyền, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, cải thiện quản trị, hiện đại hóa, chống ma túy, an toàn đi lại, giảm bạo lực và phòng chống khủng bố.

Thỏa hiệp có thể đạt được?

Lực lượng Taliban nhiều khả năng sẽ thực hiện các thỏa hiệp ngắn hạn để hợp pháp hóa vai trò của họ trong chính phủ, nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn là tái lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo.

Ban đầu, lực lượng này có thể đồng ý hoặc thậm chí thúc đẩy việc bổ nhiệm chính phủ lâm thời ở cấp quốc gia, tỉnh và huyện, theo đó sẽ đảm nhận vai trò điều hành chính thức ở các huyện và tỉnh mà lực lượng này đã kiểm soát.

Hiện có nhiều kịch bản về cách Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa, bao gồm thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử.

Lực lượng Taliban là những nhà đàm phán có kinh nghiệm và cứng rắn. Phía chính phủ Afghanistan nhận thức rõ điều này và biết rằng các chiến thuật của Taliban sẽ bao gồm các nỗ lực tận dụng thời gian và sử dụng bạo lực để có được lợi thế.

Một giải pháp hòa bình lâu dài có khả thi?

Các diễn biến cho đến nay có phần không mấy khích lệ. Mấu chốt của thỏa thuận Mỹ-Taliban là về việc giảm bạo lực trong và ngoài nước, chủ yếu là vấn đề nổi dậy và khủng bố.

Cụ thể, thỏa thuận yêu cầu lực lượng Taliban đảm bảo và thực hiện “các biện pháp thực thi mà sẽ ngăn chặn việc bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào (bao gồm cả Taliban, Al-Qaeda, IS-K và những lực lượng khác) sử dụng lãnh thổ của Afghanistan gây tổn hại tới an ninh của Mỹ cùng các đồng minh tại đây.

Những thách thức đối với tiến trình hòa bình, chính trị ở Afghanistan ảnh 2Các tay súng Taliban tại Jalalabad, Afghanistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận này đang có lợi cho lực lượng Taliban chủ yếu do cựu Tổng thống Trump đã vội vàng kết thúc, hoặc ít nhất là bắt đầu khởi động quá trình kết thúc “cuộc chiến bất tận” này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Taliban đã “chơi” Mỹ một vố, với việc chỉ cam kết không tấn công các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh.

Trước sự thất vọng của nhiều bên liên quan, thỏa thuận bỏ qua mọi lệnh ngừng bắn hoặc các điều kiện yêu cầu cắt giảm hành động bạo lực của Taliban nhằm vào các mục tiêu ở Afghanistan, đặc biệt là Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF), các quan chức chính phủ hoặc các mục tiêu dân sự.

Trong khi nghĩa vụ chính của Mỹ theo thỏa thuận chỉ yêu cầu cắt giảm một lần biên chế lực lượng Mỹ, từ 12.600 xuống 8.600 vào tháng 7/2020, trước khi rút toàn bộ vào tháng 5/2021 - với điều kiện Taliban đáp ứng tất cả yêu cầu - Trump đã đơn phương rút lực lượng Mỹ xuống còn 4.500 quân trong tháng 11/2010 và chỉ còn 2.500 trong tháng 12/2020.

Việc rút quân sau đó xảy ra bất chấp quan ngại của các chỉ huy quân đội Mỹ rằng Taliban đã vi phạm nghĩa vụ của lực lượng này theo thỏa thuận.

Lực lượng Taliban đã không tấn công các lực lượng Mỹ hoặc đồng minh kể từ khi ký thỏa thuận vào tháng 2/2020, và do đó, đã bác bỏ các cáo buộc về bất kỳ vi phạm nào.

Tuy nhiên, Taliban đã liên tục gia tăng mức độ bạo lực chống lại các mục tiêu Afghanistan kể từ đó.

Mặc dù có ít số liệu thống kê được công bố rộng rãi, nhưng Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) cũng trích lời Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố vào tháng 8/2020 rằng 12.279 nhân viên an ninh Afghanistan và dân thường đã bị giết hoặc bị thương bởi các cuộc tấn công của Taliban kể từ tháng 2/2020, một con số cao hơn đáng kể so với năm 2019.

Cũng trong tháng 8/2020, Tổng thanh tra Chiến dịch Freedom’s Sentinel 1 (IGOFS) báo cáo rằng “Lực lượng Taliban tiếp tục hỗ trợ Al-Qaeda và tiến hành các cuộc tấn công chung với các thành viên Al-Qaeda chống lại Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF)” - một hành vi vi phạm trắng trợn thỏa thuận.

Có hai câu hỏi chính cần quan tâm khi tất cả các lực lượng Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan vào tháng 5/2021.

Điều đầu tiên là liệu khi rút quân, Taliban có tăng cường nội chiến để mở rộng tầm kiểm soát và ảnh hưởng hay không.

Thứ hai là liệu khả năng hiện nay của ANDSF có thể chống lại một chiến dịch tấn công quyết liệt của Taliban hoặc trong dài hạn mà không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ hay không. Và nhiều khả năng, đáp án cho câu hỏi thứ nhất sẽ là có và câu hỏi thứ hai là không.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chính thức xem xét mức độ tuân thủ các cam kết của Taliban và các chính sách có thể đưa ra nếu họ không tuân thủ.

Việc rút toàn bộ lực lượng của Mỹ và đồng minh cùng các tác động liên quan đối với quá trình dàn xếp là điều chưa rõ ràng trong lúc vẫn chờ đợi kết quả đánh giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.