Theo trang mạng asiatimes.com, những tháng gần đây, Ấn Độ và Nga đã có những nỗ lực bền bỉ nhằm đẩy mạnh các cam kết song phương của họ.
Kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) ở Ấn Độ, hai chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh là đến Nga.
Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar cũng sẽ có chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ cuối tháng 3/2020 khi ông đến Moskva trong tuần này (từ ngày 9-11/9). Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm New Delhi vào cuối năm nay để dự Hội nghị thượng đỉnh song phương Ấn-Nga.
Trong bối cảnh đụng độ biên giới hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Nga có thể lo ngại New Delhi sẽ trở thành một trục vững chắc trong khuôn khổ do Mỹ dẫn đầu để chống Bắc Kinh.
Mặt khác, ở New Delhi có quan điểm cho rằng Nga có thể rời bỏ các khuôn khổ do Trung Quốc dẫn đầu thông qua hợp tác với các quốc gia khác. Ví dụ, New Delhi có xu hướng ủng hộ Moskva tham gia Nhóm G10 mở rộng, sau khi cơ chế này được Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ hồi đầu năm nay. Hơn nữa, những nỗ lực gần đây của Ấn Độ nhằm tìm kiếm một tổ chức ba bên Nga-Ấn-Nhật sẽ thúc đẩy Moskva hướng tới các khuôn khổ đa phương gạt Bắc Kinh ra ngoài.
Nga có thể lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Tháng Bảy vừa qua đã xuất hiện nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội của Trung Quốc về các tuyên bố yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài đến tận Vladivostok.
Trước đó, tháng 6/2020, Moskva đã buộc tội một “nhà khoa học Nga phản quốc” sau khi ông này bị cáo buộc chuyển dữ liệu mật về công nghệ phát hiện tàu ngầm cho Bắc Kinh.
[Nga và Ấn Độ kết thúc tập trận hải quân INDRA 2020 ở vịnh Bengal]
Trước đó, tháng 12/2019, một công ty quốc phòng của Nga đã cáo buộc Trung Quốc “sao chép trái phép” các khí tài quân sự của Nga. Tháng 7/2020, Nga đã quyết định đình chỉ việc bàn giao hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc.
Hơn nữa, Moskva khó chịu về các cuộc xâm nhập kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở Trung Á. Những diễn biến này cho thấy sự xuất hiện của những bất ổn mới có thể làm rạn nứt mối quan hệ Nga-Trung.
Các hành động của Bắc Kinh cũng đang làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác của Moskva ở những nơi khác. Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc luôn tìm cách phá hoại chủ quyền lãnh thổ của cả Việt Nam và Ấn Độ, hai nước đối tác chiến lược thân thiết của Nga và cũng là thị trường quan trọng của hệ thống vũ khí Nga. Ấn Độ quyết định rút khỏi cuộc tập trận Kavkaz 2020 của Nga, có tin cho rằng nguyên nhân là vì Bắc Kinh cũng tham gia cuộc tập trận này.
Tuy nhiên, mặc dù Moskva phải duy trì một tư thế chiến lược tự chủ, không phụ thuộc vào Trung Quốc, có một số thách thức sẽ ngăn cản Nga tách khỏi Trung Quốc và mối quan hệ hợp tác với phương Tây.
Thứ nhất, không giống như thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga là rất ít, ngày nay Moskva phụ thuộc rất nhiều vào Bắc Kinh về thương mại.
Ví dụ, trong năm 2018, trong khi thương mại của Nga với Trung Quốc chiếm 15,5% tổng kim ngạch, chỉ 0,8% tổng thương mại của Trung Quốc là với Nga. Hơn nữa, thương mại chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô, trong đó xuất khẩu năng lượng từ Nga chiếm hơn 70%.
Về hợp tác công nghệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một lộ trình cho giai đoạn 2021-2022. Huawei, bên cạnh việc sử dụng thiết bị của họ trong các thử nghiệm 5G (mạng lưới viễn thông thế hệ thứ 5) của Nga, đã mở một phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Moskva.
Cũng có thông tin cho rằng hai quốc gia đang hợp tác để tích hợp các hệ thống định vị vệ tinh của họ. Bắc Kinh đã khiến Moskva phải phụ thuộc vào Trung Quốc và được trang bị tốt hơn để ngăn chặn Nga làm thay đổi đáng kể động lực cân bằng quyền lực ở châu Á.
Thứ hai, nước Nga ngày nay không mang lại cơ hội kinh tế đáng kể như Trung Quốc. Sau khi nối lại mối quan hệ hữu nghị ở cấp độ chính trị, Trung Quốc đã cung cấp lao động giá rẻ cho các công ty Mỹ và châu Âu để hưởng lợi từ sự tham gia này. Với cấu trúc hiện nay của nền kinh tế Nga và nhân khẩu học, rất khó có các cơ hội tương tự cho các công ty Mỹ và châu Âu ở Nga.
Do đó, ngay cả khi Mỹ-Nga hợp tác để kiềm chế Trung Quốc, trụ cột kinh tế để duy trì một động thái như vậy sẽ đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể.
Thứ ba, mặc dù có nền kinh tế tương đối yếu hơn, song Moskva gây ra sự lo ngại đáng kể cho các quốc gia phương Tây. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, mặc dù Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, nhưng ảnh hưởng của nước này chỉ giới hạn ở một số khu vực của châu Á.
Mặt khác, gần đây Moskva bị nghi ngờ tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng trong các nền dân chủ phương Tây và gần đây cũng bị cáo buộc đánh cắp kết quả nghiên cứu liên quan đến COVID-19, điều mà các quan chức Nga phủ nhận mạnh mẽ.
Vì những lo ngại này, những lời kêu gọi thiết lập mối quan hệ bền vững với Nga có thể bị một số người coi là hành động thông đồng và không nhất thiết là một phản ứng trước những diễn biến địa chính trị.
Thứ tư, về thế giới quan, các thể chế tự do phương Tây, vốn tìm cách xuất khẩu nền dân chủ và tuyên truyền chương trình nhân quyền của họ, luôn cách biệt với Moskva. Nhiều người ở phương Tây đã đặt câu hỏi về khuynh hướng toàn trị của nền chính trị Nga.
Cuối cùng, trong khi một số thành phần trong giới lãnh đạo chính trị của Mỹ gần đây đã thể hiện thái độ hòa giải và cố gắng tiếp cận với Moskva, “chính quyền ngầm” ở Mỹ vẫn nhìn Nga qua lăng kính Chiến tranh Lạnh.
Ví dụ, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ năm 2019 đã xếp loại Nga là “một tác nhân độc hại đang hồi sinh.” Do đó, ở một mức độ lớn, khả năng Điện Kremlin cắt đứt quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào việc liệu tầng lớp chính trị và quan liêu ở Mỹ có thay đổi quan điểm an ninh của họ hay không.
Kết luận
Mục đích ở đây không phải là để lập luận rằng Ấn Độ hoặc phương Tây nên kiềm chế phát triển mối quan hệ bền chặt với Nga. Thay vào đó, New Delhi và Washington cần khắc phục nhiều thách thức nếu họ muốn xây dựng một liên minh đáng gờm và chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Để đối phó với những thách thức kinh tế, Nga có thể sử dụng nguồn nhân lực của Ấn Độ vì lợi ích chung. Ngoài việc hợp tác sản xuất vắcxin COVID-19, Moskva và New Delhi cũng có thể tìm kiếm những con đường khác trong lĩnh vực dược phẩm.
Ấn Độ cũng nên thu hút các đối tác ngoài phương Tây để tạo ra các khuôn khổ mới có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á. Do đó, đề xuất của Ấn Độ về một tổ chức ba bên Nga-Ấn-Nhật là một bước đi đúng hướng.
Về phần mình, phương Tây phải tìm kiếm các biện pháp ngoài trừng phạt để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Nga. Mặc dù những lo ngại có thể đúng, song các lệnh trừng phạt sẽ chỉ đẩy Moskva xích lại gần Bắc Kinh mà không có những cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền của Nga.
Nếu Mỹ có thể xây dựng cầu nối với Trung Quốc của Mao Trạch Đông vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khả năng phương Tây xích lại gần Nga hơn để đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể là một đề xuất nghiêm túc.
Tuy nhiên, cho dù Nga hiện nay có một số lo ngại đối với Trung Quốc, song vẫn còn quá sớm để nghĩ đến một khoảng trống khó có thể bắc cầu giữa hai bên.
Cuối cùng, đánh giá thực tế hơn về mối quan hệ của Nga với Trung Quốc và phương Tây sẽ tránh được những thất vọng và thúc đẩy những nỗ lực thực sự của Ấn Độ và các nước bạn bè nhằm xây dựng quan hệ đối tác bền chặt hơn với Moskva./.