Những trở ngại ngáng đường Timor Leste gia nhập ASEAN

Trong khi ASEAN lo lắng, do dự chấp nhận tư cách thành viên ASEAN của Timor Leste thì Trung Quốc có thể nhảy vào và hoàn toàn đưa Timor Leste vào sự bảo trợ của mình.
Những trở ngại ngáng đường Timor Leste gia nhập ASEAN ảnh 1(Nguồn: newsbeezer.com)

Trang mạng Fulcrum.sg (Singapore) mới đây đã đăng bài viết của tác giả Julia Lau, học giả tại Trung tâm Sigur Nghiên cứu châu Á, Đại học George Washington về việc Timor Leste mong muốn được gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nội dung bài viết như sau:

Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta gần đây đã tuyên bố hy vọng rằng đất nước của ông sẽ trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN vào năm 2023, khi Indonesia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Khối ASEAN đang ngày càng không còn lý do để tiếp tục trì hoãn yêu cầu xin gia nhập từ năm 2011 của Dili, bất chấp việc các thành viên hiện tại của ASEAN có thể khó chịu đến mức nào khi chào đón quốc gia trẻ nhất trong khu vực.

Một số nhà quan sát có thể có được những hồi tưởng mạnh về quá khứ. Nhiệm kỳ Indonesia làm Chủ tịch ASEAN gần nhất trước đây, vào năm 2011, ông Ramos-Horta đã đề nghị khối này để Timor Leste-lúc đó mới là một quốc gia 9 năm tuổi-được gia nhập nhóm nước này.

Ngay cả vào thời điểm đó, những lập luận của ông Ramos-Horta là vẫn có cơ sở. Quốc gia non trẻ này đã giải quyết được hầu hết "bốn yêu cầu" đối với tư cách thành viên được nêu trong Điều 6 của Hiến chương ASEAN.

Thứ nhất, Timor Leste rõ ràng là một phần của khu vực Đông Nam Á. Cho tới nay, 20 năm sau ngày thành lập, quốc gia này đã giành được sự công nhận của tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN (AMS).

Hai yêu cầu cuối cùng liên quan đến thỏa thuận bị ràng buộc bởi Hiến chương và sự sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của thành viên. Dili đã nhiều lần chỉ ra rằng họ sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ trong ASEAN.

Có vẻ như trở ngại quan trọng là chủ yếu liên quan đến sự dè dặt của AMS về việc liệu Timor Leste có “đủ năng lực” để thực hiện các nghĩa vụ khó khăn mà tất cả AMS phải đảm đương về việc tổ chức các cuộc họp, bên cạnh các yêu cầu thủ tục hành chính khác hay không.

Mặc dù điều này có thể không chắc chắn vào năm 2002, hoặc thậm chí là năm 2011, nhưng điều này ngày nay ít bị phản đối hơn. Đến năm 2016, Dili đã thành lập các cơ quan đại diện ngoại giao tại tất cả 10 thủ đô của các nước ASEAN.

Điều thú vị là Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN năm nay - đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Timor Leste gia nhập ASEAN.

Indonesia cũng ủng hộ rộng rãi và ông Ramos-Horta đã đúng khi cho rằng dưới vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia, cơ hội được chấp nhận gia nhập ASEAN của Timor Leste sẽ cao hơn bất kỳ thời điểm nào, dựa trên mối quan hệ lịch sử của hai nước.

Những trở ngại ngáng đường Timor Leste gia nhập ASEAN ảnh 2Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta (trái) và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phải đợi thêm một thập kỷ nữa có thể là sự phủ nhận nỗ lực thúc đẩy ngoại giao và kinh tế của Timor Leste vốn rất cần cho giai đoạn phát triển quốc gia tiếp theo của Timor Leste.

Trong kế hoạch phát triển của mình cho giai đoạn 2011-2030, tầm nhìn của Timor Leste về tăng trưởng sau độc lập là tập trung vào cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, cải thiện hệ thống viễn thông và kết nối.

Timor Leste vẫn còn nhiều việc phải làm trong những lĩnh vực quan trọng này. Một số ý kiến phản đối có thể lấy vấn đề tình trạng thâm hụt thương mại cao của Timor Leste với ASEAN và sự phụ thuộc quá mức của nước này vào thu nhập từ dầu khí.

Theo một nguồn tin, từ năm 2016-2019, hơn một nửa trong tổng số chi tiêu 2,05 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu của Timor Leste là dành cho 5 nền kinh tế ASEAN, trong khi khối lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong cùng thời kỳ sang ASEAN chỉ là 95 triệu USD.

[Timor Leste tái khẳng định mong muốn xin gia nhập ASEAN]

Một báo cáo năm 2017 ghi nhận những phản đối từ Singapore và Lào, đặc biệt là về năng lực kinh tế của Timor Leste.

Tuy nhiên, những phản đối này không còn giá trị nữa, vì toàn bộ khu vực đang cùng nhau phục hồi sau những cú sốc đến từ bên ngoài của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine.

Cần nói rằng ASEAN đã sẵn sàng để cho Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam có một con đường dài để phát triển kinh tế. Khoảng thời gian tương tự cũng nên được áp dụng cho Timor Leste.

Timor Leste được cho là có tiềm năng đi trước một số AMS kém phát triển hơn, nếu có được cơ hội. Mặc dù đúng là quốc gia này có tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp rất cao và tốc độ tăng trưởng không đồng đều kể từ khi độc lập, nhưng người dân Timor Leste có độ tuổi tương đối trẻ và trình độ văn hóa cao.

Mặc dù khoảng 1/3 dân số của nước này không được đi học, nhưng điều này sẽ giảm dần trong tương lai.

Về một số biện pháp phát triển con người, Timor-Leste đi trước ngay cả Lào, Campuchia và Myanmar vào thời điểm ba nước này được gia nhập ASEAN vào cuối những năm 1990.

Ví dụ, chỉ số phát triển con người của Lào dao động quanh mức 0,40 trong những năm 1990 và hiện vẫn chỉ ở mức 0,60.

Trước khi tách khỏi Indonesia vào năm 2000, Timor Leste đạt điểm 0,48. Con số này đã tăng lên 0,61 vào năm 2019 (thang điểm 1 là mức cho thấy "phát triển nhất;" Chương trình Phát triển Liên hợp quốc xếp hạng các quốc gia trên các thước đo về y tế, giáo dục và mức sống khác nhau).

Điều còn chưa được giải đáp trong cuộc thảo luận về "năng lực" là cách thức gia nhập ASEAN của Timor Leste có thể cho thấy kết quả hoạt động không đồng đều của nhóm nước này trên lĩnh vực về tự do chính trị và nhân quyền.

Timor Leste đã giành được thứ hạng 72/100 trong báo cáo “Tự do trên thế giới” năm 2022 của tổ cức Freedom House, cao nhất ở Đông Nam Á.

Nếu được chấp nhận, Timor Leste có thể trở thành người “đương đầu” trong một khu vực ASEAN tiếp tục dành đặc quyền cho nguyên tắc cân nhắc và đồng thuận.

Trước đó, ông Ramos-Horta với tư cách là lãnh đạo phe đối lập đã chỉ trích gay gắt quyết định bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2021 lên án chế độ quân sự của Myanmar của Timor Leste.

Có khả năng ông Ramos-Horta sẽ tiếp tục với những bài hùng biện cứng rắn của mình ngay cả tại các diễn đàn ASEAN, điều sẽ không phù hợp với phong cách của khối này.

Tuy nhiên, những người đồng cấp ASEAN của ông có thể thuyết phục ông giảm bớt những lời hùng biện nảy lửa của mình, ít nhất là khi Timor Leste lần đầu tiên gia nhập ASEAN.

Rủi ro địa chính trị của việc trì hoãn nỗ lực trở thành thành viên ASEAN đầy đủ của Timor Leste có thể lớn hơn chi phí gia nhập.

Khi ASEAN lo lắng, do dự chấp nhận tư cách thành viên ASEAN của Dili thì Trung Quốc có thể nhảy vào và hoàn toàn đưa Dili vào sự bảo trợ của mình.

Trong sự cạnh tranh giữa Mỹ, các đồng minh và đối tác trong khu vực cùng chí hướng chống lại Bắc Kinh, thì những người “bàn lùi” về việc Timor Leste trở thành một AMS sẽ cần phải nhớ rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Dili là rất đáng chú ý.

"Quyền lực mềm" của Trung Quốc ở Timor Leste là rất đáng kể. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tự hào giới thiệu về việc Bắc Kinh là "người đầu tiên" thiết lập quan hệ ngoại giao với Dili.

Trung Quốc đã nhanh chóng thành lập đại sứ quán của mình ngay sau khi Timor Leste giành được độc lập và giúp xây dựng nhiều tòa nhà chính phủ khác nhau.

Các sỹ quan Trung Quốc đã từng phục vụ trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Timor Leste, trong khi các quan chức của Timor Leste được hưởng học bổng và các chương trình đào tạo tại các cơ sở của Trung Quốc.

Timor Leste cũng ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc: Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng nhanh nhất vào Timor Leste.

Trong một kế hoạch rộng lớn hơn, việc có Dili trong khối ASEAN sẽ có lợi hơn cho hòa bình và phát triển của khu vực hơn là việc để nước này tự chống đỡ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục