Những vấn đề trọng tâm của đàm phán tài chính khí hậu tại COP28

Theo tuyên bố ngày 18/9 của Bộ Môi trường Ai Cập, các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu sẽ bắt đầu diễn ra vào giữa tháng 9/2023 và kéo dài đến khi COP28 kết thúc vào giữa tháng 12 năm nay.
Các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu sẽ bắt đầu diễn ra vào giữa tháng 9/2023 và kéo dài đến khi COP28 kết thúc vào giữa tháng 12 năm nay. (Nguồn: COP28)

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad và người đồng cấp Canada Steven Guilbeaul sẽ đồng chủ trì các cuộc đàm phán về cơ chế thực hiện và tài chính khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) dự kiến do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đăng cai tổ chức vào cuối năm nay.

Trong khi đó, 6 bộ trưởng môi trường từ các quốc gia khác, trong đó có Nam Phi, Đan Mạch, Singapore và Chile, được lựa chọn chủ trì các nhóm đàm phán khác tập trung vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP28 sắp tới.

Theo tuyên bố ngày 18/9 của Bộ Môi trường Ai Cập, các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu sẽ bắt đầu diễn ra vào giữa tháng 9/2023 và kéo dài đến khi COP28 kết thúc vào giữa tháng 12 năm nay.

[Đề xuất quỹ 100 tỷ USD khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu]

Với tư cách là Điều phối viên cấp bộ và Đặc phái viên của COP27, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad tái khẳng định cam kết của Cairo trong việc phát huy những thành tựu đạt được của COP27, vốn đã đặt nền tảng cho việc giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.

Bà Fouad giải thích những thành tựu này bao gồm việc thành lập Quỹ "tổn thất và thiệt hại" nhằm mục đích bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương vì những tổn thất và thiệt hại do các thảm họa khí hậu gây ra.

Theo Báo cáo Khoảng cách Thích ứng năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nguồn tài trợ cho thích ứng quốc tế dành cho các quốc gia đang phát triển thấp hơn từ 5-10 lần so với mức cần thiết hơn 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Tuần trước, Ai Cập đã tổ chức diễn đàn đầu tư khí hậu đầu tiên để thảo luận các vấn đề giảm thiểu, thích ứng và tài trợ khí hậu.

Diễn đàn được tổ chức hàng năm này cũng nhằm mục đích theo dõi các kết quả của COP27 và biến chúng thành những bước đi thiết thực cho Ai Cập, các quốc gia châu Phi và các nước đang phát triển nói chung.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các Quốc gia Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) diễn ra mới đây ở Ấn Độ, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nguồn tài chính quốc tế cho hành động khí hậu và phát triển.

Tổng thống El-Sisi đề nghị các ngân hàng phát triển đa phương tăng cường khả năng cho vay bằng cách cung cấp các nguồn tài chính ưu đãi, cho rằng các định chế tài chính này cũng cần phải ngăn chặn tình trạng chồng chéo giữa tài chính khí hậu và tài chính phát triển.

Với tư cách là nước chủ tịch COP27, nhà lãnh đạo Ai Cập kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện nghĩa vụ tài trợ cho các hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, bên cạnh việc chuyển giao công nghệ cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục