Những yếu tố giúp Bộ Tứ trở thành liên minh quân sự

Trung Quốc là nhân tố quyết định sự phát triển của Bộ Tứ. Nếu Trung Quốc ngày càng hành động để thực hiện tham vọng bá quyền khu vực thì các thành viên Bộ Tứ sẽ hợp tác chặt chẽ để ngăn tham vọng này.
Các lãnh đạo trong nhóm Bộ Tứ họp. (Nguồn: ndtv.com)

Theo nationalinterest.org, liệu nhóm Bộ Tứ, hay còn gọi là Đối thoại An ninh Bốn bên, vốn là một nhóm gồm những quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có cùng chí hướng song tổ chức lỏng lẻo, có thể trở thành một liên minh quân sự hay không?

Câu trả lời là "có thể." Tuy nhiên, sự phối hợp của liên minh này chặt chẽ ở mức độ nào lại phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc, một nhân tố đã khiến các quốc gia riêng rẽ tập hợp thành nhóm Bộ Tứ.

Trong số bốn quốc gia thành viên gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ thì Washington đóng vai trò "trục" trong tổ hợp này. Mỹ có mối quan hệ liên minh song phương gần gũi và lâu đời với hai thành viên Nhật Bản và Australia.

Mối quan hệ này tạo nền tảng bền vững cho hợp tác ba bên ở Đông và Nam Á. Một "nan hoa" trong trục Bộ Tứ này là Ấn Độ. Do "nan hoa Ấn Độ" có độ gắn kết mong manh nên vấn đề đặt ra là liệu New Delhi sẽ gắn kết với Bộ Tứ như thế nào.

Ấn Độ không sẵn sàng từ bỏ chính sách không liên kết của mình để theo đuổi bất kỳ mối quan hệ liên minh nào. Điều này cho thấy một xu hướng đối nghịch trong Bộ Tứ.
Những sự kiện hiện nay có thể đem lại chỉ dấu cho tương lai của Bộ Tứ.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19/3 đã có chuyến công du đến Ấn Độ sau khi tham dự các cuộc họp "2+2" lần lượt tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là quan chức cấp cao dưới thời chính quyền Joe Biden.

Trước đó, hôm 12/3, Bộ Tứ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên kể từ khi thành lập theo hình thức trực tuyến. Ở cấp độ song phương, New Delhi và Washington đã ký kết 4 "thỏa thuận quốc phòng cơ bản" kể từ năm 2002, giúp triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương trên nhiều lĩnh vực.

[Nhóm Bộ Tứ cam kết thúc đẩy trật tự tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ]

Đó là những diễn biến mang tính khích lệ lớn. Tuy nhiên, những thỏa thuận quốc phòng này không đi kèm bất kỳ cam kết chính trị nào mà chỉ đơn thuần là hiệp ước quốc phòng song phương. Do đó, Bộ Tứ chỉ mang bản chất là một hiệp ước thân thiện chứ không phải là một liên minh quân sự theo kiểu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phiên bản châu Á.

Theo đánh giá của Giáo sư Stephen Walt thuộc Đại học Harvard, có ba chất keo giúp gắn kết các mối quan hệ đồng minh, liên minh và đối tác với nhau.

Theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp, ba "chất keo" này gồm (1) những lợi ích chung, đặc biệt những mối đe dọa chung; (2) sự gần gũi và tương đồng về xã hội, chính trị và văn hóa giữa các đối tác, ví dụ ngôn ngữ chung; (3) những động cơ thúc đẩy hoặc làm nản chí mang tính thực dụng do đối tác đóng vai trò chủ đạo áp đặt.

Nếu áp dụng những thước đo nói trên của Walt vào triển vọng phát triển của Bộ Tứ, có thể thấy trước hết nhóm này có lợi ích chung trong việc đối phó với Trung Quốc và thước đo này sẽ giúp gắn kết 4 nước thành viên về lâu dài.

Nói cách khác, Trung Quốc là nhân tố quyết định sự phát triển của Bộ Tứ. Nếu Trung Quốc ngày càng hành động để thực hiện tham vọng bá quyền khu vực thì các thành viên Bộ Tứ sẽ ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau để ngăn chặn tham vọng này.

Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến Bộ Tứ tăng cường các hoạt động diễn tập chung, ký kết các thỏa thuận và tiến hành các cuộc họp trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức ép các nước láng giềng Đông Á và tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương. Những động thái này của Bộ Tứ không phải là ngẫu nhiên.

Liệu điều này có đồng nghĩa với khả năng ban lãnh đạo Trung Quốc có thể làm "phá sản" những triển vọng phát triển của Bộ Tứ bằng cách thể hiện hành động mềm mỏng và những tuyên bố ôn hòa hơn hay không? Tác giả không dám chắc câu trả lời.

Tuy nhiên, nếu có bài học nào đó mà thế kỷ XXI này đem lại cho khu vực thì đó chính là bài học Trung Quốc không đáng tin cậy. Bởi Trung Quốc đã từng sử dụng ngoại giao "quyền lực mềm" để thể hiện họ là một cường quốc đang trỗi dậy đem lại lợi ích cho khu vực.

Còn giờ đây Bắc Kinh "trừng mắt lớn tiếng" với các nước láng giềng. Dường như thứ quyền lực mềm đó đã trở thành công cụ ép buộc các nước khác phải cúi mình và khép nép trước Bắc Kinh.

Khi thổi phồng một mối đe dọa tiềm năng thành một mối quan tâm về an ninh quốc gia thì các chiến lược gia sẽ đánh giá những năng lực và ý định của đối thủ cũng như những yếu tố tạo nên sức mạnh của đối thủ.

Nếu hành động của đối thủ mang tính giả dối, không nhất quán với lời nói và công khai thể hiện mưu đồ xấu xa thì các chiến lược gia sẽ thiết lập kế hoạch đối phó với đối phương.

Trung Quốc đang phát triển mọi năng lực của mình với tốc độ thần tốc. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn đầy nguy hiểm về việc tăng cường sức mạnh và những hành động xấu xa như thời chiến tranh, song miệng lại luôn tuyên bố theo đuổi chính sách hòa bình.

Nếu vòng luẩn quẩn này tiếp diễn thì một cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài rất có thể sẽ xảy ra. Xét từ góc độ lợi ích và đe dọa, Bộ Tứ sẽ vẫn gắn kết với nhau ở dạng thức nào đó.

Ở một góc độ nào đó, văn hóa là chất gắn kết Bộ Tứ. Thế nhưng, văn hóa cũng có thể lại là nhân tố gây hủy hoại sự gắn kết này nếu xét ở những góc độ khác. Mối liên minh Mỹ-Australia và Mỹ-Nhật hết sức bền chặt.

Mối quan hệ liên minh này đã tồn tại lâu đời đến mức trở thành di sản chung cũng như di sản riêng của liên minh, giống như NATO đã củng cố liên minh Đại Tây Dương từ cách đây hàng chục năm. Việc phá hủy liên minh Mỹ-Australia và Mỹ-Nhật là gần như không thể.

Có thể, văn hóa sẽ giúp lôi kéo và thu hút Ấn Độ gắn kết vào mối quan hệ hữu nghị đa phương. Bởi Ấn Độ là một nền dân chủ với đông đảo người dân nói tiếng Anh, từng là thuộc địa của Anh.

Những điều này khiến Ấn Độ gần gũi với Mỹ và Australia về mặt văn hóa khi cũng có những đặc điểm chung về ngôn ngữ, thể chế chính trị và lịch sử. Tuy nhiên, điểm khác biệt là đế quốc Anh không đặt nền móng cho Ấn Độ theo cách họ làm với Mỹ và Australia.

Ấn Độ chỉ "đóng vai phụ" so với Mỹ và Australia trong lịch sử của tiểu lục địa này. Trong khi đó, truyền thống đa văn hóa của Ấn Độ đã khiến nước này có cái nhìn về khu vực và thế giới khác biệt so với quan điểm của các quốc gia nói tiếng Anh khác.

Lịch sử gần đây cũng có ảnh hưởng nhất định đối với New Delhi. Ấn Độ tự hào với chính sách phi liên kết của mình kèm theo đó là khả năng tự chủ chiến lược, vốn là đi ngược lại với những yếu tố hội tụ thành một thành viên trong bất kỳ tổ chức liên minh chính thức nào.

New Delhi coi mình là một nước bá quyền ôn hòa ở Ấn Độ Dương. Mặc dù vậy, văn hóa vẫn có thể là "điểm cộng" cho sự tồn tại của Bộ Tứ bất chấp các nước thành viên cần phải vượt qua một số rào cản.

Còn về khía cạnh vật chất? Đây là những nước giàu có cho dù họ đang phải đối phó với đại dịch COVID-19. Vị tướng người Phổ vốn có những tác phẩm lỗi lạc về quân sự, ông Carl von Clausewitz cho rằng có hai loại liên minh cơ bản: Liên minh những nước có sức mạnh ngang ngửa và liên minh trong đó có một nước đóng vai trò lãnh đạo.

Với Bộ Tứ, đúng là Mỹ có thể đóng góp phần lớn nguồn lực cho Bộ Tứ, song không thể loại bỏ khả năng họ áp đặt những mong muốn của riêng mình đối với các thành viên trong nhóm. Do đó, để tạo một nhóm Bộ Tứ gắn kết thoải mái thì Washington cần quan hệ với các nước thành viên ở vị thế ngang bằng.

Tinh thần thỏa hiệp và tôn trọng lẫn nhau là đường lối phù hợp với liên minh phi chính thức này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã không quản ngại khó khăn khi đến thăm Ấn Độ và Nhật Bản và đây là tín hiệu cho thấy ban lãnh đạo Mỹ đã đưa ra cách hành xử đúng đắn.

Một quan điểm khác của nhà ngoại giao Australia Klemens von Metternich góp phần đánh giá khả năng phát triển và hình thành Bộ Tứ trong thời gian tới. Nhà ngoại giao này ghi nhận rằng trận chiến cuối cùng trong Chiến tranh Napoleon đã thất bại như bao trận chiến trước đó là vì liên minh các nước châu Âu chống lại Đệ nhất Đế chế Pháp đã rạn nứt về lợi ích và chính sách, làm mối quan hệ liên minh tan rã.

Ông Metternich cảnh báo: "Nếu liên minh không có một ý chí xác định nghiêm túc thì họ sẽ tan rã." Bộ Tứ không có một ý chí xác định. Tin tốt lành là không một thành viên nào có thể lôi kéo các thành viên khác tham gia vào những nỗ lực mà họ muốn bỏ qua. Tin xấu là các thành viên Bộ Tứ có thể tốn nhiều thời gian và công sức để thảo luận chính sách và chiến lược của nhóm.

Do đó, việc duy trì Bộ Tứ tồn tại theo hình thức liên minh không chính thức chỉ trao cho Trung Quốc thêm thời gian để vạch ra chiến lược đối phó. Bắc Kinh không có nhu cầu tham vấn các đồng minh cũng như không cần thiết thuyết phục đồng minh về chính sách của họ.

Bắc Kinh có thể hành động. Nếu Austin và các đối tác ở New Delhi, Canberra và Tokyo không thể đồng thuận về những mục tiêu cụ thể thì ít nhất họ có thể tìm hiểu điều gì có thể và không thể áp dụng đối với mối quan hệ đối tác trong nhóm. Khi đó, họ sẽ ở thế chủ động để đối phó khi khó khăn nảy sinh và điều này cũng giúp các thành viên Bộ Tứ có cơ hội để chung sức hành động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục