Nicaragua ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Nicaragua đã ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu khiến Mỹ và Syria là hai quốc gia duy nhất còn nằm ngoài thỏa thuận khí hậu toàn cầu này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/10, Nicaragua đã ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khiến Mỹ và Syria là hai quốc gia duy nhất còn nằm ngoài thỏa thuận khí hậu toàn cầu này.

Chính phủ Tổng thống Daniel Ortega cho biết thỏa thuận toàn cầu năm 2015 này là công cụ quốc tế duy nhất có thể hỗ trợ các nước ứng phó với vấn đề ấm lên toàn cầu cùng những ảnh hưởng của nó. Trước đó, quốc gia Trung Mỹ này đã từ chối ký thỏa thuận với lý do nó không đủ để chống lại việc toàn cầu ấm lên.

Trợ lý Tổng Thư ký Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc Elliott Harris đã hoan nghênh thông báo của Nicaragua, trong đó nhấn mạnh đến cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm thể hiện trách nhiệm đầy đủ đối với Trái Đất - hành tinh chung của loài người. Quan chức này kêu gọi thế giới tiếp tục các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất của thời đại này.

[Mỹ khẳng định vẫn sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Trong khi đó, Tổ chức Môi trường Nicaragua Centro Humboldt cũng hoan nghênh quyết định của chính phủ tham gia hiệp định toàn cầu này.

Theo Giám đốc tổ chức này, ông Victor Campos, việc chính phủ cần làm là vạch ra cách thức Nicaragua tham gia văn kiện chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tổ chức này đã lên kế hoạch hối thúc xây dựng một chương trình hành động cấp quốc gia liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Quyết định tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Nicaragua được công bố ít tuần sau khi cơn bão nhiệt đới Nate càn quét khu vực Trung Mỹ, trong đó có Nicaragua, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Thiên tai cho thấy mức độ dễ tổn thương của Nicaragua và các quốc gia láng giềng trước ảnh hưởng tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu.

Cơn bão khiến ít nhất 32 người thiệt mạng tại Trung Mỹ, trong đó có 15 người tại Nicaragua, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đã có 196 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Trung Quốc. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham gia văn kiện này với cam kết cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris trong 3 năm với lý do thỏa thuận này gây nhiều thiệt hại kinh tế cho Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục